📞

Trà dư với bà chúa trà B’lao

19:22 | 02/02/2009
Người Pháp mang cây trà lên B’lao. Nhưng người “viết giấy khai sinh”cho thương hiệu trà B’lao là một người đàn bà gốc Huế có dòng dõi hoàng tộc...Ở bên ngoài không khí phô trương cờ đèn kèn trống của một lễ hội trà Lâm Đồng 2008 (từ 4 – 7.12.2008), tôi tìm đến gian nhà trong nhỏ trên con dốc được người địa phương gọi là dốc Đỗ Hữu và đã gặp được “bà chúa xứ trà” Đỗ Thị Ngọc Sâm, 84 tuổi để tìm nghe một chuyện đầy thăng trầm…

Nuôi hương từ thơ ấu

Người sành trà lớn tuổi đến nay vẫn say mùi hương ướp trong gói trà Đỗ Hữu. Nhưng ít ai biết gốc gác của mùi hương ấy cũng đã trải qua nhiều gió bão của thời cuộc.

Tuổi thơ của bà Sâm ở Huế; lớn lên, hít thở trong bầu không khí sinh hoạt thanh tao của những cuộc đàm đạo bên chiếu trà của người cha nho nhã. “Tui thèm trà từ những năm còn nhỏ, lớn lên chút nữa, tui mới phát hiện ra trà ngon thì đã rồi, nhưng bí quyết là mỗi lần pha, mạ tui hay cho vô ấm một bông hường vi hái ngoài vườn. Bông hường vi ướp trà, chế ba nước mùi hương vẫn còn đượm…”

Năm 1952, gia đình bà di chuyển vào B’lao sinh sống. Thời bấy giờ, B’lao bạt ngàn rừng núi, đêm ngủ còn nghe tiếng cọp gầm, khỉ hú. Cũng thời gian này, người Pháp đã lập sở trà B’lao và có hệ thống phân phối khá mạnh trong và ngoài nước. Chuyện tư nhân người Việt sản xuất trà là điều không tưởng. Những người đụng đến cây trà chỉ là phu đồn điền làm thuê cho Pháp – chủ yếu là người dân tộc bản địa. Người Pháp cai quản nhân công rất kỹ. Người sở trà B’lao khó hòng lọt ra ngoài! Nhưng may mắn, ông Cẩm Tự Thảo, anh của bà Sâm có chân làm trong sở trà của Pháp. Nhà ông Thảo có mẫu đất trồng trà theo hình mẫu kinh tế gia đình đầu tiên ở B’lao. Bà Sâm mới đánh bạo bàn với anh mình thử đóng cửa thắp đèn dầu bí mật chế biến trà, rồi lén lút gởi bán qua đường quân xa.

Từ đây, những gói trà Đỗ Hữu và cũng là những gói trà đầu tiên của người Việt ở B’lao được “khai sinh” từ năm 1956.

Giữ một làn hương

Bà Sâm mang hoa hường vi khô từ Huế vào ướp thử những gói trà đầu tiên, thấy hương đượm, trà ngon, nên về Huế đem giống hoa này vào B’lao trồng. Thời gian đầu, khí hậu mát mẻ, cây hường vi mọc rất tốt. Thời đó, người sành trà bắt đầu rỉ tai nhau về gói trà Đỗ Hữu có làn hương hường vi rất lạ. Gói trà Đỗ Hữu ướp hường vi ngoài bì vẽ “logo” hình con chim bồ câu trắng gởi gắm tinh thần hoà bình của vợ chồng bà chủ xưởng trà nhỏ đã trở thành món quà “tự nhiên hương” bốn phương.

Nhưng thử thách lớn đặt ra. Thời tiết càng về sau sương muối càng nhiều, hoa hường vi không còn trồng được trên đất B’lao, bà Sâm chuyển qua thử ướp hoa lài. Rồi khi một vài nơi khác cũng làm trà lài, bà Sâm lại phát hiện ra trên những đồi trà, hoa sói mọc nhiều, hương rất thơm, và bắt đầu nghĩ ra việc làm trà ướp hương sói. Từ đó, việc trồng xen hoa sói ướp trà là một bí quyết độc quyền...

Hữu xạ tự nhiên hương

Người đàn bà tiên phong định danh nghề trà trên đất B’lao này cũng đã kinh qua nhiều thời điểm gieo neo. Đã có những giai đoạn bà Sâm không còn hy vọng giữ nghề làm trà. Sự cố thứ nhất khiến bà suy sụp là sau khi người chồng bị tai nạn qua đời, để lại cho bà tám người con. “Ông làm nghề tài xế, phụ giúp nhiều cho công việc bán trà của tui lắm. Rứa mà trời cất đi một người...”

Bà lặng đi và mời khách nhấp một ngụm trà. Rồi cố tình chuyển sang một câu chuyện khác. Cũng là một “nốt trầm” trong sự nghiệp: giải phóng xong, việc làm trà bị gián đoạn. Thời kỳ hợp tác xã, tui phải dắt díu bốn đứa con đầu lên Đà Lạt để làm cho công ty trà của tỉnh uỷ Lâm Đồng. Từ 1975 – 1980, tui làm kỹ thuật viên, còn các con, đứa làm thư ký, đứa làm nhân công gói trà… Mấy mẹ con tui không ai dám nghĩ tới chuyện sẽ được làm nghề trà tại nhà mình chứ đừng nói chi xây dựng lại trở thành một nhãn hiệu!”. Nhưng hữu xạ tự nhiên hương là điều có thật với người thưởng trà. Sau những năm bao cấp, “con bồ câu trắng” của trà Đỗ Hữu trở lại.

Người mẹ chung

Năm nay 84 tuổi, bà Sâm lạc quan và khoẻ mạnh, đầu óc tinh tường. Hàng ngày, bà vẫn đi bộ vài trăm mét từ gian nhà xinh xắn của mình sang cái phòng nhỏ của chị Thanh, con gái đầu, để phụ nhân công gói trà, chuyển cho những đại lý bán lẻ khắp B’lao và nhận những cuộc điện thoại đặt hàng từ trong và ngoài nước. Chủ nhân những nhãn hiệu trà mới nổi như cồn sau này như Trâm Anh, Tâm Châu… cũng coi bà là người mẹ chung, có cưới hỏi, khai trương cơ sở làm ăn lại mời bà Sâm đến chúc phúc. Người ta hạnh phúc – coi bà Sâm như bà chúa nghề còn hiện diện với họ. Khi hỏi bí quyết trong nghề, bà nói “Cái gu của mình mà giao cảm được với nhiều người khó tính thì là do cái phước đức trời cho mình”.

Một điều gây bất ngờ với những ai mê cái tầm vóc thương hiệu Đỗ Hữu: trong gian nhà chật 4 x 6m được xem là “xưởng sản xuất” ấy, chỉ có chừng sáu nhân công và tám người con của bà nay lớn tuổi rồi, đem thêm dâu rể, cháu chắt về phụ mẹ.

Khi được đề nghị chụp hình cho bài báo này, bà chủ Đỗ Hữu bảo khách đợi rồi ý nhị đi vào phòng riêng, một lúc sau trở ra với một nụ cười tươi xoá đi những vết nhăn của tuổi trời. Khách tinh ý nhận ra trước ống kính, người đàn bà 84 tuổi, gốc gác hoàng tộc đã kịp nhuận lại lớp son đỏ trên môi.Theo SGTT