Giới phê bình cho rằng, việc phát triển vaccine Covid-19 với tốc độ chưa từng có của Nga xuất phát từ nhu cầu chính trị của Điện Kremlin, nhằm cho thế giới thấy nền khoa học của Nga phát triển ra sao.
Thật vậy, ngày 11/8, bản thân Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức tuyên bố cấp phép cho loại vaccine đầu tiên trên thế giới để phòng dịch bệnh Covid-19 của Nga mang tên Sputnik V, giống với vệ tinh nhân tạo đầu tiên đưa lên quỹ đạo của Liên Xô vào năm 1957.
Nga đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine Covid-19 để mang lại cho người dân niềm hy vọng, chứ không phải vì một cuộc chạy đua chính trị, Viện trưởng Viện Gamaleya Alexander Gintsburg khẳng định. (Nguồn: CNN) |
Việc Nga đẩy nhanh quá trình phê duyệt vaccine Sputnik V trước khi vào thử nghiệm giai đoạn ba diễn ra vào thời điểm cả thế giới vẫn còn đang đau đầu tìm kiếm một liều vaccine hiệu quả. Chính vì vậy, Nga đã vấp không ít chỉ trích từ bên ngoài, bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả và an toàn của vaccine Nga. Thậm chí, tờ New York Times còn tuyên bố: "Moscow đang cắt giảm các thử nghiệm để ghi điểm chính trị và tuyên truyền".
Sự lo lắng không đáng có
Tuy nhiên, Alexander Gintsburg, lãnh đạo Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya ở Moscow, nơi sản xuất thành công vaccine Sputnik V, khẳng định với CNN rằng, Điện Kremlin không đưa ra bất cứ chỉ thị nào cho Viện Gamaleya.
Theo ông Gintsburg, kể từ tháng 3, tất cả các công việc nghiên cứu tại Viện Gamaleya đều bị đình chỉ và các nhà khoa học và nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào một việc duy nhất: phát triển một loại vaccine phòng Covid-19 hiệu quả.
Ông cũng nhấn mạnh, nhờ đó, kết quả nghiên cứu vaccine đã đạt được những thành công nhất định và được phê duyệt trước khi thử nghiệm rộng rãi trên người, còn được gọi là thử nghiệm Giai đoạn ba.
Theo các chuyên gia, đây là vòng thử nghiệm cần thiết để xác định xem loại vaccine đó có được áp dụng rộng rãi hay không. "Chúng tôi không hề liên lạc trực tiếp với Điện Kremlin và họ không đưa ra bất cứ mệnh lệnh nào cho chúng tôi. Điều duy nhất liên quan đến Điện Kremlin chính là bức ảnh của Tổng thống Putin trong văn phòng của tôi”, ông Gintsburg nhắc đến món quà sinh nhật cách đây 14 năm.
Viện Gamaleya là nơi phát triển Sputnik V, vaccine Covid-19 đầu tiên được đăng ký trên thế giới, được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi giúp tạo "hệ miễn dịch bền vững". Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh Sputnik V đã trải qua mọi thử nghiệm cần thiết, bất chấp lo ngại loại vaccine này chưa hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn ba trên hàng nghìn người.
Hồi tháng 9, kết quả thí nghiệm vaccine Sputnik V đã được báo cáo đầy đủ trên tạp chí y khoa The Lancet. Theo đó, tất cả số tình nguyện viên tham gia đều phát triển các kháng thể để chống lại virus và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với chỉ 76 người tham gia thí nghiệm, các chuyên gia cho rằng con số này quá nhỏ để xác định liệu vaccine của Nga có thực sự an toàn và hiệu quả hay không.
Theo CNN, ngoài việc phê duyệt và công bố vaccine trước khi thử nghiệm trên người quy mô lớn, Nga còn sử dụng các quân nhân để làm tình nguyện viên trong các cuộc thử nghiệm ban đầu. Thậm chí, chính bản thân lãnh đạo Viện Gamaleya cũng tự tiêm loại vaccine này hồi tháng 4 vừa qua.
"Chúng tôi đã tiêm phòng cho bản thân và nhân viên của mình, chủ yếu là những người tham gia phát triển vaccine này. Tôi không có nhiều nhân viên vì vậy tôi luôn coi trọng mạng sống của từng người.
Bất kỳ thành viên này trong nhóm nghiên cứu bị nhiễm bệnh không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân tôi, mà còn đối với cả quá trình nghiên cứu. Tôi sẽ không để mất bất cứ ai do bị nhiễm Covid-19”, ông Gintsburg kể.
Vaccine Covid-19 của Nga mang tên Sputnik V. (Nguồn: CNN) |
Quá trình nghiên cứu nghiêm ngặt
Những lời chỉ trích không khiến ông Gintsburg e ngại, bởi đối với ông, tình trạng hiện giờ là rất khẩn cấp. Ông cũng thừa nhận rằng Nga đã sản xuất Sputnik V với "tốc độ thời chiến", song luôn đảm bảo không đi tắt bất kỳ giai đoạn nào.
"Người chết nhiều như thời chiến. Nhóm chúng tôi đặt ra các mốc thời gian sản xuất vaccine rất nghiêm ngặt, nhưng luôn đảm bảo tuân thủ đầy đủ hướng dẫn kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của Sputnik V", ông Gintsburg nói.
Bên trong Viện Gamaleya, khu nhà chuyên dành cho nghiên cứu khoa học từ thời Liên Xô cũ, các nhà nghiên cứu với những đôi găng tay và áo khoác trắng đang chăm chú thử nghiệm trên vaccine Sputnik V.
Ông Vladimir Gushchin, trưởng phòng thí nghiệm cho biết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kiến thức chuyên môn, bên cạnh kỹ thuật đã được mài giũa lâu năm và các kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu vaccine ngừa dịch Ebola và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), đã phần nào giúp Nga tạo ra vaccine ngừa Covid-19 nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng.
Điều này giúp họ có lợi thế hơn so với các công ty dược phẩm khác đang nghiên cứu về vaccine Covid-19 trên thế giới.
Đối với ông Gushchin, điều quan trọng nhất là nhóm nghiên cứu chỉ có một mục tiêu duy nhất: đánh bại virus SARS-Cov-2. Họ sẵn sàng làm việc cật lực, không quản ngày đêm cũng vì mục tiêu này.
Khi được biết tin Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiễm Covid-19, ông Guschin nói với rằng, CNN Mỹ nên suy nghĩ lại về việc từ chối hợp tác phát triển vaccine cùng Nga, đồng thời cho rằng, nếu ông Trump đã tiêm Sputnik V, câu chuyện đáng tiếc trên đã không xảy ra.
Theo CNN, Điện Kremlin thông báo rằng, bản thân Tổng thống Putin có thể sớm sử dụng vaccine này, có thể là trước chuyến thăm Hàn Quốc sẽ diễn ra trong thời gian tới. Như vậy, vị Tổng thống Nga sẽ trở thành quan chức cấp cao tiếp theo được tiêm Sputnik V, sau Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin và chính con gái của ông Putin.
Đứng trước những thách thức này, Viện trưởng Viện Gamaleya không hề dao động hay bị áp lực. Ông Gintsburg cảm thấy rằng mình cần có trách nhiệm, thậm chí là suốt đời, với sản phẩm vaccine này.
Nga đã đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine Covid-19 để mang lại cho người dân niềm hy vọng, chứ không phải vì một cuộc chạy đua chính trị, ông Gintsburg một lần nữa khẳng định.