Ảnh minh họa |
Có thể coi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là “nhà nghỉ” của loài người trên bầu trời. Giống như tất cả các ngôi nhà nghỉ khác, nó là một công trình xa xỉ (có giá khoảng 150 triệu USD). Và cũng giống như nhiều dự án tương tự như trên Trái đất, những người chủ sở hữu của nó không thể cưỡng lại việc muốn mở rộng nó. Với tinh thần đó, ngày 16/1 vừa rồi, NASA thông báo rằng ISS sắp được "nới" rộng. Nhưng không giống các công trình trên Trái Đất là sẽ có thêm một nhà kính hay gác xép kiểu chuồng chim bồ câu, ISS sẽ có thêm một Module Hoạt động Mở rộng Bigelow (BEAM).
Đó là ý tưởng của Robert Bigelow, một trùm khách sạn và đam mê vũ trụ người Mỹ, về việc xây dựng trạm không gian không làm từ kim loại mà làm bằng sợi vải. Nó có thể gấp lại được, nhưng trong sử dụng, nó sẽ tự mở rộng ra hay phồng lên khi vào quỹ đạo.
Trong quá khứ đã từng có nhiều đề xuất tương tự về công nghệ thổi phồng này. Wernher von Braun, nhà phát triển tên lửa quân sự linh hoạt V2 (Đức) và tên lửa Mặt Trăng Saturn V (Mỹ), đã phác thảo kế hoạch trong những năm 1950. Tổng công ty Máy bay Goodyear sản xuất các mô hình tương tự đầu những năm 1960. Trong những năm 1980, Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore đã đưa ra một kế hoạch chi tiết thăm dò không gian bằng máy bay thổi phồng. Và trong những năm 1990, NASA đã đề xuất gửi phi hành gia lên sao Hỏa bằng các máy bay tự phồng lên được mang tên TransHab. Năm 2006 và 2007, Bigelow cũng từng đưa ra hai phiên bản vệ tinh không người lái có thể thổi phồng, Genesis 1 và Genesis 2.
Trong ngôn từ của mình, ông Bigelow và NASA thích thuật ngữ "module mở rộng" bởi nó ít gợi liên tưởng hơn. Quan trọng hơn, trạm không gian thổi phồng này có trọng lượng nhẹ hơn so với kim loại. Ngoài ra, chúng cũng an toàn hơn. Các cuộc thử nghiệm mà ông Bigelow tiến hành cho thấy các bức tường của module làm từ vải có chất liệu đặc biệt như Vectran (được sử dụng làm buồm và dây thừng chịu sức nặng cao) và Nomex (thường được làm quần áo chịu lửa) có thể bảo vệ tốt hơn kim loại trong việc chống những tác động từ các mảnh vỡ vũ trụ cũng như rác thải nhân tạo trong quỹ đạo quanh Trái đất. Chúng cũng ít có khả năng tạo ra bức xạ thứ cấp nguy hiểm như kim loại khi va chạm với những thứ như tia vũ trụ. Đó là một trong những lý do tại sao NASA quan tâm đến việc sử dụng tàu thổi phồng cho cuộc hành trình kéo dài hàng tháng lên sao Hỏa.
Nếu mọi việc suôn sẻ, hệ thống BEAM sẽ được bắt vít vào trạm không gian vào năm 2015 và sẽ là thử nghiệm cuối cùng của công nghệ này trước sự ra mắt của sản phẩm BA-330. BEAM sẽ tạo ra 330m3 không gian bên trong. Hiện tại ISS chỉ có tổng cộng 916m3. Công ty cũng có kế hoạch khởi động hai BA-330 vào năm 2016, sau đó ghép chúng lại với nhau trong quỹ đạo.
Trạm đầu tiên này, được gọi là Trạm Alpha, sẽ được trang bị thiết bị thí nghiệm, bàn làm việc và những thứ tương tự. Bigelow hy vọng sẽ tạo cho khách hàng có 60 ngày trên tàu với chi phí khoảng 26 triệu USD, giả sử rằng các khách hàng thực hiện chuyến đi vào quỹ đạo trên một trong các tên lửa giá rẻ được SpaceX, một công ty vũ trụ tư nhân, cung cấp.
Bigelow hy vọng sẽ giành được hợp đồng kinh doanh từ chính phủ, nhưng đồng thời dự án cũng phải thuyết phục được các khu vực tư nhân, mặc dù điều này có vẻ khó khăn. Từ lâu đã có các cuộc thảo luận về lợi thế "không trọng lượng" (trên thực tế là sự rơi tự do liên tiếp trong quỹ đạo chứ không phải là sự mất hoàn toàn trường hấp dẫn) để sản xuất các vật liệu chuyên ngành và phát triển các tinh thể protein cho các công ty dược phẩm. Trên thực tế, đây là một trong những áp phích quảng cáo cho ISS. Thật không may, khu vực tư nhân chưa hào hứng với các dự án này, và sản lượng khoa học của ISS do đó cũng rất thấp.
Dù vậy, nếu phương án cho thuê trạm Alpha làm phòng thí nghiệm không hiệu quả thì có thể biến nó thành nhà nghỉ. Với phong cách của Bigelow thì khả năng này rất có thể xảy ra. Hiện giờ không ai khẳng định điều này, nhưng ai sẽ trả 26 triệu USD để đi vào quỹ đạo vẫn còn là điều phải bàn. Trạm không gian thổi phồng là tốt, miễn là đừng quá thổi phồng các kỳ vọng của con người.
Lâm An