Máy bay Tu-160M của Nga được trang bị tên lửa thế hệ mới. (Nguồn: AiF) |
Tu-160M là phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom chiến lược siêu thanh mang tên lửa của Nga. Chuyến bay đầu tiên của Tu-160M dự tính được thực hiện vào đầu năm sau.
Điểm đáng chú ý nhất trong chương trình hiện đại hóa máy bay Tu-160M là việc trang bị tên lửa có tầm bắn siêu xa Kh-BD. Vũ khí mới này có thể nâng cao đáng kể khả năng tác chiến của máy bay.
Theo nhận định của giới chuyên gia, tên lửa Kh-BD là vũ khí tấn công trên không của quân đội Nga từ bên ngoài vùng tác chiến của hệ thống phòng không đối phương.
Ký hiệu “BD” biểu thị tầm bắn của tên lửa, nghĩa là tầm xa. Đây cũng chính là sự khác biệt cơ bản của phiên bản mới so với các loại tên lửa hiện có trong kho vũ khí của Nga.
Tên lửa tầm xa Kh-BD được nâng cấp từ tên lửa hành trình Kh-101. Cả phiên bản mới và phiên bản gốc đều là sản phẩm của phòng thiết kế chế tạo máy “Raduga” - nghĩa là cầu vồng. Phòng thiết kế “Raduga” nằm trong biên chế của Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga.
Tất cả thông tin về đặc tính kỹ, chiến thuật của Kh-BD vẫn được giữ bí mật. Chỉ biết rằng tầm bắn của nó lớn hơn rất nhiều so với phiên bản gốc, có thể đạt từ 5.500-7.500km thậm chí là 8.500km. Đầu đạn của tên lửa Kh-BD có thể tách rời và tiêu diệt 2 mục tiêu cách nhau hàng trăm km.
Đầu đạn của tên lửa đời mới Kh-BD liệu có phải là đầu đạn hạt nhân hay không thì vẫn chưa được xác định.
Tên lửa hành trình Kh-101, phiên bản gốc của tên lửa tầm xa Kh-BD, được trang bị cho quân đội Nga từ năm 2013, sở hữu hệ thống dẫn đường hỗn hợp, bao gồm dẫn đường quán tính và dẫn đường quang học - điện tử.
Ở giai đoạn tiếp cận mục tiêu, đầu đạn có khả năng tự dẫn. Qua các đợt thử nghiệm, kết quả cho thấy, ở tốc độ cực đại của tên lửa, sai số đánh trúng mục tiêu là 7m. Khi tiêu diệt những mục tiêu di động, sai số là 10m.
Tên lửa Kh-101 có thể tiếp nhận thông tin về quỹ đạo và tọa độ của mục tiêu. Khi đang bay, Kh-101 có thể thay đổi mục tiêu cần tiêu diệt.
Năm 2015, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS của Nga đã sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 để tấn công phiến quân ở chiến trường Syria.
Đáng lưu ý, cả phiên bản gốc Kh-101 và phiên bản mới Kh-BD đều được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, nhờ vậy mà chúng có thể đánh lừa tên lửa phòng không của đối phương, gây nhiễu cho các tổ hợp radar, làm rối loạn hoạt động của hệ thống phòng không của địch.
Nhờ có tầm bắn xa, các tên lửa của Nga có thể vòng tránh những khu vực phong tỏa của hệ thống phòng không và lá chắn tên lửa của đối phương để đánh trúng mục tiêu đã chọn.
Khi được trang bị tên lửa Kh-BD, “thiên nga trắng” Tu-160M có thể qua mặt được hệ thống phòng không và lá chắn tên lửa của đối phương, phóng tên lửa từ vùng biển trung lập, không đi vào vùng tác chiến của địch.
Hiện nay, những thông số về phiên bản tên lửa nâng cấp Kh-BD vẫn chưa được công bố. Ngay cả phiên bản gốc Kh-101 (đầu đạn thông thường), Kh-102 (đầu đạn hạt nhân) đến nay vẫn chưa có đối thủ tương tự trên thế giới.
Được biết, đầu đạn hạt nhân của Kh-102 có công suất từ 250 kiloton (kt), đến 1 megaton (Mt). 1 kiloton tương đương 1.000 tấn TNT, 1 megaton tương đương 1 triệu tấn TNT.
Phiên bản gần giống nhất của Mỹ là AGM-86 nhưng tầm bắn chỉ đạt 2.780km. Mỹ đã nâng cấp tên lửa AGM-86 thành phiên bản mới AGM-129 ACM, trang bị công nghệ tàng hình nhưng quân đội đã từ chối tiếp nhận từ cuối những năm 2000. Tầm bắn của phiên bản mới này cũng chỉ đạt 3.700km.