Nhiều người cho rằng chỉ cần con học Toán ổn, chữ viết không quan trọng. (Ảnh: YN) |
Câu chuyện bắt đầu từ việc, một đoạn tin nhắn được cho là của một cô giáo và phụ huynh đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Trong đoạn tin nhắn này, người được cho là cô giáo khen học sinh học Toán ổn nhưng Tiếng Việt thì hơi kém vì chữ viết còn gãy, không đều nét...
Người được cho là phụ huynh đã trả lời rằng "Toán ổn là được rồi, sau này dùng điện thoại, máy tính chủ yếu là gõ nên không cần lo chữ xấu...". Suy nghĩ này ngay lập tức gây tranh cãi.
Nét chữ, nết người
Chị Hồ Thu Trang (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Rèn chữ không chỉ để cho viết đẹp mà còn là rèn nết, rèn chí, rèn tâm. Nếu ngay từ nhỏ đã viết cẩu thả thì sau này với mọi việc khó mà kiên trì được”.
Chị Trang cho biết hàng ngày, chị vẫn yêu cầu con gái đang học lớp 3 ngoài làm bài tập cô giao thì phải có 30 phút luyện chữ.
“Tôi bảo với con rằng nhìn vào quyển vở sạch, chữ ngay hàng thẳng lối thì ai cũng có cảm tình ngay. Giống như bước vào một ngôi nhà ngăn nắp sạch sẽ vậy, người ta sẽ đánh giá ngay chủ nhà. Nhất lại là con gái, tôi muốn con có nề nếp gọn gàng, sạch đẹp từ việc nhà đến việc học”.
Cùng chung quan điểm với chị Trang, chị Hà Thị Hằng (Lạng Sơn) cho rằng câu “Nét chữ, nết người” các cụ dạy không bao giờ sai.
“Khi trẻ còn nhỏ phải rèn cho nên người. Tập viết chữ không phải là kĩ năng để làm việc hay giúp ích được nhiều trong công việc, nhưng nó rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại. Để khi lớn lên, các con có nhận thức rồi muốn ẩu thế nào thì ẩu”.
Anh Nguyễn Hữu Nguyên nhớ lại “ngày bé đi học cô giáo bảo nét chữ nết người nhưng tôi… không nghe. Sách vở xem lại thì khiếp lắm, tôi viết rất ẩu, chữ rất xấu, đến giờ thậm chí nhiều khi tôi không đọc được mình ghi chép cái gì nữa. Bản thân tôi cũng thấy mình khá luộm thuộm, làm đâu bừa đấy mà không khắc phục được”.
“Nên bây giờ, vợ chồng tôi rút kinh nghiệm cho đám con, cảm thấy việc cho bọn nhỏ viết chữ cẩn thận là rất quan trọng, để rèn nếp của chúng từ nhỏ luôn. Đứa nào tôi cũng cho đi học viết chữ đẹp một thời gian cho vào nếp”.
Chị Nguyễn Thanh Hằng (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định cứ cho rằng trong tương lai, hay như ngay hiện nay đang phải học online, mỗi học sinh sở hữu một máy tính hay thiết bị điện tử để học và làm bài, nhưng chắc chắn các con vẫn phải tập viết. Vì trong cuộc đời, rất nhiều lúc phải viết tay chứ không chỉ trông cậy vào máy tính như khi đi thi…
“Không phải rèn chữ chỉ để viết chữ đẹp, mà còn rèn sự kiên trì, nhẫn nại và tuân thủ những quy tắc được đề ra.
Cứ nói sau này không dùng đến, thì ngay cả môn Toán đấy, nhiều người nói rằng đi làm rồi có dùng tới mấy công thức Toán nữa đâu. Vậy học giỏi Toán để làm gì, có máy tính, Google đó rồi”.
Đoạn hội thoại đang gây tranh luận sôi nổi trên Diễn đàn Toán học Việt Nam. |
“Tôi không cần con viết chữ đẹp”
Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh cùng quan điểm “không cần lo chữ xấu”. Anh Trần Hà Nam (Hà Nội) cho biết anh không yêu cầu các con phải viết chữ đẹp hay nắn nót.
Anh Nam khẳng định đã đi học thì phải tập viết, nhưng “chỉ cần con viết rõ ràng, đủ nét, đủ dấu, đọc được là được. Thời gian luyện chữ đẹp chẳng thà tôi để cho con đọc sách, đi bơi, chơi đá bóng…, hay thậm chí là ra sân nghịch đất còn hơn”.
Lý giải cho quan điểm của mình, anh Nam cho rằng bản thân anh hồi nhỏ đã từng được đi thi vở sạch chữ đẹp. Tuy nhiên, đó là khi học cấp 1, còn có thời gian mà nắn nót. Anh đã từng bị bố mẹ kèm cặp rất sát sao về việc này, đến mức “phát sợ”.
“Tôi vẫn nhớ những ngày gò lưng ngồi luyện chữ trong khi đám bạn chơi đùa ầm ĩ ngoài sân, khi đó, tôi đã rất ấm ức”.
Hơn nữa, lên tới cấp hai rồi cấp 3, khi bài vở phải ghi chép nhiều hơn, anh không thể duy trì được sự “sạch, đẹp” nữa mà ban đầu, chính cái nếp phải viết đẹp đã khiến anh lúng túng khi phải ghi chép nhanh.
“Nên bây giờ, tôi quyết định “tha” cho con khỏi áp lực chữ đẹp”, anh Nam chia sẻ.
Chị Lê Thị Phương Nhung (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tại sao lại phải bắt con mình phung phí thời gian vào việc luyện chữ, khi nó đã có quá nhiều thứ phải học. Và chữ đẹp thì có giúp được nó có cơm ngon áo đẹp sau này không?”.
Chị Nhung cho biết ngay từ khi con bắt đầu vào lớp 1 đã không chạy theo các lớp luyện chữ đẹp, mà chỉ dạy cho con cách cầm bút, cách viết đúng, nhất là phải viết đúng chính tả.
“Sau này, tôi sẽ cho cháu học cách gõ máy tính nhanh, cách viết tốc ký. Từ quá trình làm việc của tôi, tôi nghĩ đó mới là những kỹ năng cần thiết ở thời đại 4.0 này chứ không phải chữ đẹp”, Chị Nhung kể.
Anh Vũ Anh Duy (TP. Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ dù con mới học lớp 2 nhưng quả thực gia đình cũng hơi thiên vị hơn đối với môn Toán.
Anh Duy cho biết: “Hồi bé tối ngày tôi nghe bố chê môn Văn và ép học Toán. Bố bảo "giỏi văn có kiếm ra tiền không?", sau này lớn lên thấy bố nói đâu có sai. Theo tôi, trước hết phải cứ giỏi Toán để có nền tảng học các môn khoa học tự nhiên khác, và phải học tốt cả Tiếng Anh.
Ngoài Toán, tôi cho con học thêm cờ vua, để rèn luyện khả năng tập trung, óc phán đoán và tư duy logic. Tất nhiên không thể bỏ qua Tiếng Việt, nên tôi vẫn yêu cầu con xếp lịch đọc sách mỗi tuần. Còn việc luyện chữ đẹp thì… miễn”.
Theo anh Duy, quan niệm “nét chữ, nết người” đã nhiều phần lạc hậu. “Thôi thì ví dụ đâu xa, “chữ bác sĩ” nổi tiếng lâu nay, nhưng có ai đánh giá “nết người” qua đó không? Tôi cũng biết một số người viết chữ đẹp, mà cái nết có ra gì", anh Duy nói.