Trên thực tế, nước Mỹ không chỉ có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, mà còn với cả các nước đồng minh và đối tác thương mại ở khắp châu Á. Đây là thách thức khó khăn đối với Tổng thống Trump.
Ngược lại, các nước nằm trong danh sách bị điều tra sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Dưới đây là nhận định về tác động đến châu Á từ cuộc điều tra kéo dài 90 ngày để tìm ra nguồn gốc thâm hụt thương mại mà chính quyền Donald Trump thực hiện, trong báo cáo của hai chuyên gia Chua Hak Bin và Lee Ju Ye thuộc Maybank Kim Eng (Singapore).
Theo đó, trong số các quốc gia châu Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc là những nước có thặng dư thương mại song phương lớn nhất với Mỹ. Tất nhiên, Trung Quốc đứng đầu danh sách với 350 tỷ USD, gấp 5 lần so với nước thứ 2 là Nhật Bản. Trung Quốc cũng bị Mỹ kiện tụng nhiều nhất với 21 vụ kiện thương mại. Tiếp theo sau là Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mexico và Nhật Bản (mỗi nước 6 vụ). Indonesia bị kiện 4 vụ trong khi Thái Lan, Malaysia và Việt Nam chưa có vụ nào.
Trung Quốc được cho là đã ngỏ ý sẵn sàng nhượng bộ Mỹ. (Nguồn: Yonhap) |
Hầu hết các vụ kiện mà Mỹ chống lại Trung Quốc nằm trong ngành ô tô, nông nghiệp, vi mạch điện tử, máy bay, kim loại và quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, mới chỉ có 5 vụ đã được giải quyết hoàn toàn. Indonesia bị kiện về các sản phẩm làm vườn, động vật và ô tô.
Trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký 2 sắc lệnh hành pháp nhằm đòi lại sự “công bằng” cho nước Mỹ trong thương mại. Theo đó, ông Trump ra lệnh cho các cơ quan chức năng hoàn tất một báo cáo quy mô lớn về vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ với từng đối tác, trên từng loại hàng hóa.
Báo cáo này sẽ tìm kiếm các bằng chứng và nguyên nhân được cho là của hành vi gian lận, thao túng tiền tệ, hợp đồng thương mại không làm theo các điều khoản đã được ký kết... và tìm biện pháp xử lý. Tổng thống Trump cũng yêu cầu củng cố các loại thuế chống gian lận đang có sẵn, các hình phạt chống phá giá vốn đang được áp dụng lên các sản phẩm nhập khẩu. Các chuyên gia của Maybank cho rằng, kể cả thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Hàn Quốc cũng có thể sẽ bị điều tra.
“Trực tiếp nhắm đến 16 quốc gia là một dấu hiệu cho thấy Chính quyền Mỹ thích các cuộc đàm phán song phương trực tiếp và giải quyết tất cả các vấn đề qua thuế biên giới”, báo cáo viết. “Cách thức tiếp cận có mục tiêu rõ ràng này sẽ giúp hạn chế các tác động lên toàn bộ hệ thống, giảm nguy cơ rủi ro cho thị trường và tốc độ tăng trưởng. Đa dạng hóa thương mại và nhu cầu, điều chỉnh chính sách tiền tệ sẽ là những giải pháp để đối phó, giảm thiểu bất cứ ảnh hưởng trực tiếp nào lên thương mại”.
Trung Quốc hiện được cho là nguồn gốc lớn nhất của các thâm hụt thương mại đối với Mỹ. (Nguồn: Acumen.sg) |
Nhưng dù có chuyện gì xảy ra, tác động về kinh tế tới các quốc gia sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Các chuyên gia của Maybank chỉ ra bằng chứng rằng, giai đoạn căng thẳng thương mại kéo dài giữa Mỹ và Nhật Bản trong những năm 1980 không có tác động đáng kể đến thị trường hay nền kinh tế Nhật Bản. “Chúng tôi không có lý do gì để nghĩ về một cuộc chiến thương mại sẽ dẫn đến tình trạng nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng hoặc thị trường bán tháo mạnh mẽ”, các nhà phân tích kết luận.
Trong khi đó, mới đây, Trung Quốc được cho là đã ngỏ ý sẵn sàng nhượng bộ Mỹ nhằm tránh chiến tranh thương mại. Theo đó, một số quan chức chính phủ Mỹ và Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ cho phép các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào thị trường tài chính của nước này dễ dàng hơn. Trung Quốc cũng sẵn lòng chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ, nhằm làm giảm căng thẳng thương mại giữa 2 bên.
Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức Trung Quốc rằng, nước này đã chuẩn bị nâng trần đầu tư theo hiệp ước đầu tư song phương (BIT) nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình lại từ sau chiến thắng của ông Trump. Còn vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý về một bản kế hoạch 100 ngày cho các cuộc đàm phán về thương mại. Tuy nhiên, hiện Bộ Thương mại hai nước vẫn chưa bình luận gì về vấn đề này.