Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh lý ung thư ngày 6/3 do các nhà khoa học của Trung tâm Ung thư thuộc Đại học Colorado thực hiện.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ trẻ nhỏ, bao gồm cả trẻ sơ sinh mắc các bệnh ung thư có diễn biến phức tạp có xu hướng tăng. Thậm chí nhiều trẻ khi sinh ra đã bị ung thư ở giai đoạn tiến triển, trong khi đó việc chẩn đoán sớm lại chưa được chú trọng và gặp nhiều khó khăn.
Nếu được chẩn đoán mắc ung thư sớm và được áp dụng các biện pháp điều trị sẽ tăng khả năng sống sót của trẻ. (Nguồn: THX) |
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích một nền tảng dữ liệu có tên chương trình Giám sát, dịch tễ học và kết quả cuối cùng (SEER) của Mỹ, tập hợp bệnh án của hơn 36.000 bệnh nhi ung thư trong khoảng thời gian gần 20 năm (từ 1992 đến 2011). Kết quả cho thấy, có tới 6,2% trường hợp trẻ bị ung thư tủy đã tử vong mà chưa được trải qua đợt điều trị nào. Tỷ lệ tỷ vong ở bệnh nhi đã qua điều trị bệnh chỉ là 1,6%.
Các nhà khoa học còn rà soát các trường hợp tử vong do các loại bệnh ung thư trong hệ thống SEER, kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong ở trẻ em bị ung thư giai đoạn đầu đã cao hơn từ 2 đến 3 lần so với các trường hợp đã qua điều trị.
Cũng trong nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện tổng cộng 555 trường hợp - tương đương 1,5% số bệnh nhi trong chương trình SEER - đã tử vong chỉ trong 1 tháng sau khi được chẩn đoán bị ung thư. Thậm chí nhiều trẻ còn tử vong rất nhanh khi chưa được 1 tuổi.
Trưởng nhóm nghiên cứu Adam Green (A-đam Grin) thuộc Trung tâm Ung thư của Đại học Colorado đồng thời là bác sỹ chuyên khoa ung thư nhi của Bệnh viện Nhi Colorado nhận định công trình này sẽ là nền tảng thiết thực để đẩy nhanh việc điều trị sớm đối với những bệnh nhi ngay từ khi được chẩn đoán mắc ung thư, tránh những rủi ro tử vong cao.
Các số liệu nghiên cứu này cho thấy có hơn 80% trẻ em được chẩn đoán mắc ung thư và sớm theo phác đồ điều trị đã sống thêm 5 năm, hoàn toàn trùng khớp với nhận định của một nghiên cứu trước đó.