Những vụ trẻ em bị xâm hại, rơi từ tầng lầu, đuối nước... được gọi là tai nạn nhưng phía sau đó là 'cái hất tay' với con trẻ. (Nguồn: Internet) |
Hai bé gái bị xâm hại, trong đó một bé bị sát hại; cháu bé 4 tuổi ngã từ tầng 24 chung cư tử vong và hàng loạt ca đuối nước... Chỉ trong vài ngày, dồn dập xảy ra những sự việc đau thương với trẻ nhỏ, còn quanh năm cũng xảy ra liên tục.
Những sự việc này được xem là tai nạn, xảy ra trong những tình huống sơ sẩy, nhưng hầu hết xuất phát từ việc chủ quan, lơ là của người chăm sóc trẻ.
Những đứa bé kết thúc sự sống trong đau đớn, hoảng loạn tột cùng để lại những tiếng kêu cứu và lời cảnh báo về việc: Trẻ nhỏ đang bị bỏ rơi!
Cứ sau những tiếng kêu cứu chấn động, sẽ kéo theo làn sóng phụ huynh sốt sắng canh chừng con, mua sách về phòng chống xâm hại tình dục, lắp lưới an toàn, cho con đi học bơi.
Có còn hơn không, muộn còn hơn không! Dù rằng đó là những việc hiển nhiên bố mẹ phải làm, không cần chờ đánh động từ tính mạng của những đứa trẻ khác.
Nhưng những "lưới an toàn" đó chỉ về mặt kỹ thuật, vật lý. Nhiều tình huống, chỉ có trẻ tự bảo vệ được mình bằng chính nội lực từ bên trong. Điều đó tìm đâu ra khi con trẻ bị bỏ rơi ngay khi có bố mẹ bên cạnh đang diễn ra nhan nhản.
Hình ảnh dễ thấy nhất là bố mẹ ngày nay quá dễ dàng... quăng cho con chiếc điện thoại, ipad, tivi trong mọi bối cảnh. Từ chuyện ăn uống, vui chơi, hay cái mè nheo khó ở nào của trẻ đều được phụ huynh giải quyết nhanh gọn bằng cái điện thoại.
Có rất nhiều bà mẹ, khi con ăn mặc định... bật điện thoại, tivi. Trẻ chỉ cần ngồi xem, mẹ đút vào là nhai, nuốt cái ực, kể cả những đứa trẻ đã 6 - 7 tuổi. Khi trẻ lắc đầu từ chối ăn tiếp, có phụ huynh lại dọa tắt điện thoại để trẻ tiếp tục nuốt.
Bố mẹ chỉ cần: Con đưa vào bụng cho hết khẩu phần! Còn nhận định, cảm xúc, chính kiến của con họ không quan tâm! Rất nhiều đứa trẻ kết thúc bữa ăn mà không biết mình vừa ăn cái gì, có ngon không, vị như thế nào.
Chuyện bát cơm của mình, đi thẳng vào bao tử mình, ngay có bố mẹ sát cạnh, mà nhiều đứa trẻ còn không được chỉ dẫn ăn thế nào cho hợp lý, cái nào thì tốt, cái nào nên tránh xa... Thì ai sẽ dạy các em nhận diện vô số bất an, nguy hiểm quanh mình? Làm sao nhận diện nổi đừng nghe lời ông kia bà này rủ rê, dụ dỗ; đừng lại chỗ kia không an toàn?
Nhiều phụ huynh đã khước từ quyền và trách nhiệm dạy con, còn các em dễ dàng bị bố mẹ tước đi những năng lực làm người cơ bản nhất. Ngoài việc nhận diện, việc dạy trẻ bảo vệ bản thân, cốt lõi, cần nhất, quan trọng nhất là cho con biết giá trị của mình.
Nhưng hàng ngày, đó là cảnh những trẻ thảm thiết xin bố mẹ chơi cùng, nói chuyện cùng. Đổi lại, bao nhiêu người hất tay con ra khỏi mình, quăng cho cái điện thoại, cậy hết vào rất nhiều người giữ trẻ trôi nổi trên mạng như YouTuber Thơ Nguyễn?
Cái hất tay này diễn ra nhiều vô kể. Đó còn là việc trẻ không được bố mẹ lắng nghe, sẻ chia, không được bố mẹ dành thời gian, bị áp đặt, kỳ vọng, chê bai, so sánh, bắt con nghe lời...
Cái hất tay đó, chúng ta đã trao cho con thông điệp: "Con không có giá trị ngay với chính bố mẹ!" một cách mạnh mẽ nhất.
Lao vào kiếm tiền, công danh, quay cuồng trong các mối quan hệ, thú vui xã hội, không ít bố mẹ đang đặt con trẻ nằm dưới cùng trong vùng quan tâm, ưu tiên. Nhiều đứa trẻ bỏ rơi ngay trong gia đình mình, ngay bên cạnh bố mẹ.
Một tiến sĩ tâm lý trường Đại học Sư phạm TP. HCM từng cảnh báo thực trạng, nhiều đứa trẻ ngày nay không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho mình. Các em nói, bố mẹ chỉ yêu tiền và... yêu điện thoại. Các em thấy mình không có giá trị với chính bố mẹ!
Khi trẻ không cảm nhận được tình yêu từ bố mẹ, không thấy mình có giá trị với bố mẹ. E rằng, mọi bài học, kỹ năng "bảo vệ bản thân" hay mọi tấm lưới an toàn đều dễ dàng bị vô hiệu hóa.
Lưới an toàn nào giữ nổi khi các con muốn nhảy lầu, tự vẫn, trầm cảm, chán chường, mất niềm tin?
Tiền bạc, thời gian là vấn đề ai cũng gặp nhưng không có lý do nào để biện minh cho việc bỏ rơi con trẻ. Làm bố mẹ là đi cùng trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng hiện nay, nhiều người sinh con ra nhưng mất sự háo hức nuôi dạy con, hay nói thẳng là lười, vô trách nhiệm. Tôi, bạn, chúng ta có đang hất tay con mình ra không?