Ngày 24/8, Cục Báo chí (Bộ Thông tin Truyền thông) đã tổ chức Hội nghị tập huấn dành cho báo chí về chủ đề “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Buổi tập huấn đã thông tin cho 100 phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương khu vực miền Bắc về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Đặng Khắc Lợi phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Đặng Khắc Lợi cho biết, hiện nay, internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại, song hành những tiện ích lành mạnh mà internet mang lại là những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Để an toàn trên môi trường mạng và không lạc lối khi bước vào thế giới này, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng, nhận biết cần và đủ.
Để cung cấp cho trẻ cũng như các bậc phụ huynh những thông tin, kiến thức tự bảo vệ trên môi trường mạng, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác thông tin và truyền thông. Theo thống kê của Cục Báo chí, từ ngày 1/1 đến nay, các cơ quan báo chí đã có 145.130 tin bài phản ánh liên quan đến trẻ em. Số lượng này rất lớn, ngày nhiều nhất lên tới 1.186 tin bài (1/6/2022).
Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền một cách hiệu quả, không vi phạm các quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Tại hội nghị tập huấn, các chuyên gia về báo chí, truyền thông, cán bộ quản lý trong lĩnh vực trẻ em và công nghệ đã chia sẻ, cung cấp những thông tin, tư liệu hữu ích để các phóng viên báo chí có thể lan tỏa thông điệp và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho trẻ em trên môi trường mạng.
Trong chuyên đề thứ nhất, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Nga đã trao đổi về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và một số quy định liên quan.
Theo bà Nga, trẻ em sử dụng mạng internet ngày càng nhiều. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em thường sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Cùng với những mặt tích cực thì cũng kèm theo những mặt tiêu cực.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em sử dụng internet rất cao. Có 89% trẻ em (từ 12 – 17 tuổi) truy cập và sử dụng internet trong 3 tháng trước khảo sát. Trong số 89% trẻ em sử dụng internet có 87% sử dụng internet hằng ngày. Nhưng chỉ có 36% (hầu hết là trẻ lớn hơn, độ tuổi 16 – 17) tham gia khảo sát hộ gia đình đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng.
Thống kê từ tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng đầu năm có 266 cuộc gọi. Nhiều cuộc gọi liên quan đến tư vấn, hỗ trợ liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục liên quan đến môi trường mạng.
Từ thực trạng, bà Nga cho rằng, việc cấm đoán trẻ em không dùng internet không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay mà cần có sự đồng hành của cha mẹ, nhà trường và cộng đồng trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; trong đó nâng cao kỹ năng khi dùng internet, được ví như là “vaccine số” giúp bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng.
Khảo sát của Cục Trẻ em và một số tổ chức quốc tế cho thấy, hầu hết việc biết kỹ năng bảo vệ trẻ em trên mạng là do tự tìm hiểu trên mạng hoặc truyền tai nhau. Còn giáo dục bài bản gần như chưa có. Đâu đó tại nhà trường có một chút thông tin ở môn tin học, nhưng chưa đầy đủ. Một số trường có tổ chức lớp ngoại khoá. Do đó, tiến tới, kỹ năng này sẽ sớm được trang bị từ nhà trường và tăng độ bao phủ rộng hơn.
Buổi tập huấn có sự tham gia của 100 phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và các cơ quan báo chí địa phương khu vực miền Bắc. |
Trong chuyên đề thứ hai, bà Đinh Thị Như Hoa đến từ Trung tâm VNCERT/CC đã trình bày về xu hướng công nghệ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bà Hoa cho biết, có 82% trẻ em độ tuổi 12 – 13 tuổi sử dụng internet; trẻ độ tuổi từ 13 – 14 tuổi sử dụng internet là 93%; trẻ từ 16 – 17 tuổi sử dụng internet chiếm 97%. Do đó, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết.
Quy tắc ứng xử trên không gian mạng là: Cẩn thận khi tham gia internet, thận trọng trước khi chia sẻ các thông tin liên quan đến cá nhân của mình và người khác trên mạng xã hội. Trẻ chia sẻ với bố mẹ, giáo viên, bạn bè, nhân viên bảo vệ trẻ em, những người tin tưởng khi có bất kỳ vấn đề nào cần đến sự hỗ trợ. Cha mẹ cùng đồng hành bảo vệ, lắng nghe che chở trẻ em khi trẻ gặp bất kỳ sự khó khăn nào; hướng dẫn trẻ em cách xử lý tình huống gặp phải phù hợp với độ tuổi. Cha mẹ luôn chú ý theo dõi, giám sát hoạt động của trẻ em khi tham gia không gian mạng.
Tại buổi tập huấn, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông cũng phổ biến quy định pháp luật liên quan đến an toàn thông tin, tài liệu hướng dẫn bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhất là Nghị định 53 mới ban hành liên quan việc gỡ bỏ thông tin không phù hợp, trong đó có liên quan trẻ em.
| Liên hợp quốc cảnh báo thảm họa môi trường mang tính tàn phá Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo về tình trạng gia tăng số lượng các thảm họa môi trường trong thập niên tới do Trái đất ... |
| So sánh 'con nhà người ta', 'vợ, chồng nhà người ta' cũng là bạo lực khiến người trong cuộc cảm thấy tổn thương Chia sẻ với báo TG&VN, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ ... |
| Từ câu chuyện trẻ trầm cảm: Phụ huynh có giật mình tự hỏi 'mình đã đúng trong cách giáo dục con'? Thời gian qua, xảy ra những câu chuyện buồn liên quan đến trẻ trầm cảm, tự tử vì những áp lực khác nhau, có lẽ ... |
| Trẻ trầm cảm, phụ huynh cũng cần được 'giải cứu' Trẻ áp lực học tập dẫn đến trầm cảm và có những suy nghĩ tiêu cực, hành động dại dột không phải là câu chuyện ... |
| Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con trước những hiểm nguy trên mạng xã hội? Hội Bảo vệ quyền trẻ em tại Anh khuyến nghị cha mẹ nên trò chuyện với con về phim khiêu dâm và quấy rối tình ... |