📞

Trên bục giảng thời số hóa…

12:00 | 10/02/2016
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc giảng dạy có thể được thực hiện một cách chất lượng, hiệu quả và thuận lợi hơn, đồng thời tạo ra những thách thức không nhỏ do người học có thể tiếp cận thường xuyên với nhiều nguồn thông tin đa dạng, đa chiều...
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Nghiệp vụ Ngoại giao, nguyên Trưởng khoa Luật quốc tế Học viện Ngoại giao.

Đây là những đánh giá của Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Nghiệp vụ Ngoại giao, nguyên Trưởng khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao. Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề giáo, cô Lan Dung đánh giá công nghệ ngày càng có ý nghĩa và ảnh hưởng “đa chiều” đối với mọi mặt đời sống - giáo dục là một trong các lĩnh vực hoạt động chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi công nghệ trong mọi giai đoạn, khía cạnh, từ việc xác định mục tiêu, đến cách thức tiếp cận và phương pháp thực hiện.

Xu hướng tất yếu

Theo cô Lan Dung, đối tượng của giáo dục ở bậc phổ thông và đại học là giới trẻ, lứa tuổi đặc biệt nhanh nhạy với những xu thế mới, thành thạo với công nghệ hiện đại. Cô vẫn thường nói vui rằng, ở nhà, con cái thường “am hiểu” về các chức năng của máy móc, trang thiết bị hơn bố mẹ, còn ở trường, học trò thường “hi-tech” hơn các thầy cô.

Cũng bởi vậy mà thay vì tách giới trẻ ra khỏi Internet, cô Lan Dung cho rằng bản thân các thầy cô giáo nên bắt kịp với những công nghệ mới. Bởi việc sử dụng công nghệ trong giáo dục là xu hướng tất yếu để các cơ sở đào tạo của Việt Nam theo kịp được sự phát triển tiến bộ của các cơ sở đào tạo trên thế giới, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và đảm bảo nguyên tắc lấy người học là trung tâm.

Ở Học viện Ngoại giao nói chung và khoa Luật quốc tế nói riêng, công nghệ thông tin được các giảng viên sử dụng từ khâu tra cứu tài liệu nghiên cứu và hỗ trợ cho bài giảng. Sử dụng máy chiếu và bài giảng điện tử, kết hợp văn bản, sơ đồ, hình ảnh minh hoạ là phương pháp phổ biến mà hầu hết các giảng viên lựa chọn. Ngoài ra, một số giảng viên của Học viện còn sử dụng bài giảng online và yêu cầu sinh viên ghi hình phần thuyết trình của mình để nhận xét và đánh giá.

Với đặc thù của Học viện Ngoại giao là các môn chuyên ngành quốc tế nên một số giảng viên còn sử dụng các đoạn băng ghi âm, ghi hình (phát biểu tại các tổ chức quốc tế, phiên xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế, phiên họp của Hội đồng Bảo an...) để minh hoạ hỗ trợ cho các bài giảng.

Cẩn trọng mặt trái

Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, cô Lan Dung đánh giá việc giảng dạy một mặt có thể được tiến hành một cách chất lượng, hiệu quả và thuận lợi hơn, mặt khác cũng tạo ra những thách thức không nhỏ do người học có thể tiếp cận thường xuyên với nhiều nguồn thông tin đa dạng, đa chiều.

Đơn cử như việc trình chiếu bài giảng trên màn hình được coi là sử dụng công nghệ tiến bộ trong giảng dạy. Cô Lan Dung cho biết cô luôn cẩn trọng trong việc sử dụng phương pháp “hi-tech” này vì nếu trình chiếu bài giảng đó một cách tẻ nhạt hoặc quá mức sẽ tăng tính chuyển tải thông tin một chiều, và có thể làm giảm cơ hội tương tác, khả năng gợi mở tư duy và tranh luận trong giờ học của sinh viên.

Mặt khác, việc tiếp xúc với các nguồn thông tin trên Internet, trong một số trường hợp không rõ về độ tin cậy của nguồn cung cấp, có thể làm người dùng, đặc biệt là giới trẻ bị những ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, theo cô Lan Dung, các giảng viên cần định hướng cho học viên về phương pháp tiếp cận, phân tích, chọn lọc, xử lý thông tin qua các trang thông tin điện tử.

Đổi mới phương pháp

So sánh với thời xưa, khi việc tra cứu và truy cập thông tin không đa dạng và dễ dàng, cô Lan Dung nhận xét rằng cách tiếp cận trong giáo dục đào tạo hiện nay buộc phải đa chiều hơn và gắn với thực tế hơn để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và phù hợp với sự phát triển của công nghệ và đời sống. Phương pháp thực hiện cũng phong phú, đa dạng hơn với sự trợ giúp của công nghệ.

Lấy dẫn chứng về Phòng triển lãm Risupia Panasonic tại Hà Nội, cô Lan Dung bày tỏ ấn tượng trước những bí quyết và công nghệ nghe nhìn tiên tiến của Panasonic được lồng ghép với các nguyên lý và định luật nổi tiếng của khoa học và toán học thế giới trong các hoạt động vui chơi đa dạng cho trẻ em thuộc độ tuổi từ 11 đến 17. Với phương thức truyền thụ sống động qua năm giác quan, trẻ có thể “vừa học vừa chơi” dễ dàng tiếp thu các kiến thức toán học, vật lý, đồng thời khuyến khích niềm đam mê, khám phá học hỏi của các em.

Khi nhà ngoại giao là… học viên

Khi được hỏi rằng quá trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao cho các học viên là nhà ngoại giao có khác với việc giảng dạy sinh viên không, cô Lan Dung cười trả lời: “Có cái giống mà cũng có cái khác”.

Giống vì có thể vận dụng một số phương pháp sư phạm cũng như việc ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao. Tuy nhiên, khác vì mục đích và đối tượng đào tạo khác nhau nên phương pháp thực hiện không thể giống nhau.

Theo cô Lan Dung, các diễn giả trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại giao thường là các nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, cần thúc đẩy hình thức thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các chương trình cũng đòi hỏi tính thực tiễn và ứng dụng rất cao nên bên cạnh các công nghệ như máy chiếu và các trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy, các giảng viên thường cố gắng sử dụng các đoạn băng ghi âm, ghi hình để minh họa cho bài giảng, kết hợp với việc tăng thời lượng thực hành.

“Nói chung, trên bục giảng thời số hóa thì giảng viên cũng phải số hóa mà học viên cũng phải số hóa. Tất nhiên không nên lạm dụng công nghệ nhưng thật khó có thể tưởng tượng việc rời xa công nghệ trong thời buổi ngày nay”, cô Lan Dung chia sẻ.