Với 24 tác phẩm, Triển lãm tư liệu Nhựa: ô nhiễm và giải pháp sẽ kể cho về đời sống của nhựa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ trong đời sống thường nhật, cho đến khi được phát tán trong môi trường đất và nước.
Dù đề cập đến thực trạng ở Việt Nam nhưng không giới hạn ở một quốc gia hay một lãnh thổ nhất định, triển lãm sẽ giúp người xem hiểu và cảm nhận được những thách thức mang tính địa phương và toàn cầu liên quan đến nhựa, một chất liệu phổ biến nhưng hậu quả đối với môi trường mà nó mang lại ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Thông qua 24 tác phẩm, triển lãm sẽ kể câu chuyện sinh động về thực trạng ô nhiễm nhựa. (Nguồn: BTC) |
Để đối mặt với thực trạng khủng hoảng rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm điều chỉnh "sự sống hoang dã của nhựa", giảm thiểu rác thải và tối ưu hóa chuỗi thu gom, xử lý rác.
Thông qua 21 tác phẩm tư liệu ảnh và biểu đồ kèm lời bình do IRD thực hiện, triển lãm là hồi chuông cảnh báo thực sự nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều có một phần trách nhiệm và có khả năng đưa ra các giải pháp.
Trong số các tác phẩm trưng bày, có 3 tác phẩm sắp đặt bằng chất liệu sắt của sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội và các trường đại học kiến trúc của Pháp mô phỏng khả năng áp dụng quy định EPR tại các điểm thu gom rác trong thành phố nhằm cải tiến các công cụ và phương tiện lao động của công nhân thu gom rác, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về việc phân loại rác.
Đây là các ý tưởng được thực hiện trong khuôn khổ Hội thảo Thiết kế không gian cảnh quan điểm tập kết rác đường Phùng Hưng, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm - một hợp phần của hoạt động thí điểm Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa của các bên liên quan do Viện nghiên cứu vì sự phát triển (Pháp) và Đại học Kiến trúc Hà Nội triển khai.
Hoạt động này thuộc Dự án Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển do Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) đồng tài trợ, triển khai bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Cơ quan Hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France).
Cũng về chủ đề này, Tọa đàm Quá khứ, hiện tại và hương lai của đồng nát ở Việt Nam cũng sẽ được tổ chức vào ngày 14/1 tại Hội trường Viện Pháp tại Hà Nội trong khuôn khổ các hoạt động về môi trường do Viện Pháp tại Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội và Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.