📞

Triển vọng Ukraine gia nhập khối NATO: Nói dễ, làm khó

20:00 | 05/05/2021
Đề xuất gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine đang được hưởng ứng, song chừng liệu đã đủ để Kiev trở thành một phần của khối? Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Mới đây, nhân kỷ niệm 230 năm ngày Hiến pháp tháng Năm của Ba Lan, lãnh đạo Ukraine, Lithuania, Latvia và Estonia đã tề tựu tại Warsaw. Tại hội đàm bên lề sự kiện, lãnh đạo các bên đã thảo luận về mối quan ngại an ninh từ Moscow, trong đó có chuyện đưa Ukraine gia nhập khối NATO.

Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda khẳng định Ba Lan cùng những quốc gia khác ủng hộ việc kích hoạt Kế hoạch hành động thành viên (MAP) dành cho Kiev.

Tưởng rất gần…

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại họp báo chung ngày 4/5. (Nguồn: Rubryka)

MAP là nghị trình của NATO nhằm tư vấn, hỗ trợ về mặt chính sách và thực tế phù hợp với nhu cầu của các quốc gia thành viên mong muốn gia nhập NATO. Hiện Bosnia và Herzegovina đang là thành viên duy nhất trong chương trình này. Dù theo quy chế, tham gia MAP không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của NATO về tư cách thành viên trong tương lai, song đây rõ ràng là bước đệm phù hợp dành cho các quốc gia mong muốn gia nhập NATO, trong đó có Ukraine.

Trong tuần tới, bên cạnh câu chuyện về Belarus, vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận tại thượng đỉnh ở thủ đô Romania với sự tham dự của các quốc gia thành viên NATO tại Đông Âu bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, Hungary và CH Czech.

Theo ông Duda, câu chuyện Ukraine và NATO cũng sẽ là một trọng tâm trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 6 tới. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ thảo luận về nghị trình, các điều kiện cần thiết và quy trình để Ukraine trở thành một phần của NATO.

Theo quy chế, tham gia MAP không ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của NATO về tư cách thành viên trong tương lai. Dù vậy, đây rõ ràng là bước đệm phù hợp dành cho các quốc gia muốn gia nhập NATO, trong đó có Ukraine.

Kiev cũng nhiều lần bày tỏ thái độ sốt sắng trong chuyện này. Trong điện đàm với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng nhận định rằng gia nhập NATO là “cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Donbass”.

Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Taran cho rằng Kiev đang là tiền đồn mạnh mẽ trên sườn phía Đông của NATO.

…mà lại rất xa

Liệu nỗ lực của một số quốc gia phương Tây và Ukraine sẽ “đơm hoa kết trái”? Không hẳn.

Thứ nhất, Moscow đã nhiều lần bày tỏ thái độ gay gắt, đe dọa và gây áp lực với Kiev về NATO. Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo những ai tìm cách đưa Ukraine và Georgia vào quỹ đạo NATO “nên suy nghĩ về hậu quả từ chính sách vô trách nhiệm”.

Đồng thời, ông nhấn mạnh Moscow sẽ “phản ứng phù hợp với động thái hung hăng, đe dọa trực tiếp tới Nga”.

Thứ hai, theo điều 5 Hiến chương NATO, một nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể. Theo đó “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một, hay một số thành viên của liên minh đều được coi là cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh… mỗi thành viên, với quyền tự vệ cá thể hay tập thể chính đáng theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ hỗ trợ một bên hoặc các bên”.

Như vậy, nếu Ukraine trở thành một phần của NATO, các nước thành viên có nguy cơ phải tham gia đối đầu trực tiếp với Nga. Đây là điều mà gần như không quốc gia nào trong khối mong muốn.

Thứ ba, ý kiến của một số quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ, về Ukraine khá phức tạp.

Theo Hiến chương NATO, mỗi thành viên đều có quyền phủ quyết và nếu có bất kỳ thành viên nào không hài lòng, Ukraine sẽ tiếp tục phải ngồi ngoài khối.

Đơn cử như câu chuyện của Macedonia. Trước áp lực của Hy Lạp, Macedonia từng có thời gian dài không thể gia nhập NATO và buộc phải nhượng bộ, đổi tên thành Bắc Macedonia để có thể nhận được cái gật đầu từ Athens.

Tương tự, Ukraine có quan hệ phức tạp với một thành viên NATO là Hungary. Do đó, không loại trừ khả năng Kiev sẽ phải cân nhắc nhượng bộ Budapes nếu thực sự muốn là một phần của NATO.

Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo về hệ quả nếu Ukraine gia nhập NATO. (Photo: AFP)

Bản thân Mỹ, quốc gia từng dẫn dắt NATO cũng tương đối thận trọng trước câu chuyện tư cách thành viên của Ukraine. Một mặt, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki từng nhận định Ukraine từ lâu đã muốn gia nhập NATO - do đó, Washington và Kiev đang tích cực thảo luận về vấn đề này.

Mặt khác, câu chuyện về Ukraine là đề tài gây tranh cãi trong nội bộ chính trường Mỹ, khi con trai của Tổng thống Joe Biden từng bị cáo buộc có quan hệ không minh bạch với giới lãnh đạo Ukraine.

Thêm vào đó, Mỹ nhận thức rằng đưa Ukraine trở thành một phần của NATO là vấn đề rất nhạy cảm với Nga. Ngay cả khi duy trì lập trường cứng rắn với Moscow, song chính quyền của Tổng thống Joe Biden rõ ràng không muốn gây thêm căng thẳng với ông Vladimir Putin khi không cần thiết.

Do đó, ở bên ngoài, các thành viên NATO có thể ủng hộ Ukraine trở thành người của khối, song lá phiếu cuối cùng của họ chưa chắc phản ánh điều đó. Nói thì dễ, nhưng làm lại khó là vậy.