TIN LIÊN QUAN | |
Hà Nội với những khuôn mặt cười | |
Mang nụ cười trở lại trên môi con trẻ |
Gần đây, các nhà khoa học nghiên cứu cái cười bằng phương pháp thể nghiệm khoa học và phát hiện ra một số điểm mới. Thứ nhất, cười không phải chỉ là đặc thù của con người, mà là một bản năng của các loài vật sống quần thể, đặc biệt là loài khỉ. Trẻ con thường 4 tháng đã biết cười. Thứ hai là không nên quá chú trọng cắt nghĩa cái cười hài hước, cười trí tuệ.
Giáo sư Mỹ Provine đã bỏ ra hai chục năm nghiên cứu cái cười một cách khoa học. Mới đầu, ông chiếu cho một số sinh viên xem phim hài và theo dõi phản ứng của họ. Sau này, ông đi “thực địa”, nghiên cứu ở các phố phường, chợ búa, ngoại ô, theo dõi hàng nghìn trận cười tự nhiên. Kết quả, ông thấy 80-90% trận cười xuất phát không phải do câu nói hóm hỉnh, dí dỏm thông minh, mà từ những câu vớ vẩn, tầm thường.
Ông kết luận: Cái cười là một công cụ bản năng để tồn tại trong xã hội. Vì vậy, nói chung cái cười không phải là trò chơi trí tuệ, mà để chứng tỏ là mình muốn hòa mình với xã hội, muốn cùng cười để có bạn bè. Vì vậy, trong xã hội, những người ở bậc thang dưới thường dễ cười hơn những người ở vị trí cao, vì họ cần có nhiều người đồng tình ủng hộ.
Quan niệm này về chức năng xã hội của cái cười khiến ta nhớ đến lý thuyết nổi tiếng về cái cười của triết gia Pháp Bergson, người đã đạt giải thưởng Nobel Văn học năm 1927. Theo ông, cuộc sống không bao giờ cứng nhắc, máy móc. Xã hội loài người phải tôn trọng điều ấy. Vì vậy, khi cử chỉ, lời nói, hành động có gì máy móc, cứng nhắc thì người ta cười để điều chỉnh lại cho hợp với cuộc sống xã hội.
Từ quan điểm trên, Bergson phân biệt tính chất khác nhau giữa hài kịch và kịch drame (phản ánh hỉ nộ, ai lạc, cuộc sống toàn vẹn). Loại hài kịch tính cách, chọn trong nhiều yếu tố, lấy một tính cách lố bịch nhất, ngược cuộc sống nhất, để xây dựng một nhân vật gây cười (như “Lão hà tiện”, “Những bà cô thông thái”… của Molière). Cái cười của hài kịch làm chức năng giám sát của xã hội.
Cái cười của người Việt Nam và của những dân tộc Đông Á chịu ảnh hưởng của Khổng học nói chung lại có một chức năng xã hội. Nhiều bạn Pháp, Mỹ, Đức… bảo tôi: Cái cười của người Việt Nam đôi lúc thật khó hiểu. Họ cho một số thí dụ: Một bà người Đức không hiểu tại sao chị giúp việc người Việt khi xin phép nghỉ hai ngày để về quê đưa tang mẹ lại vừa nói vừa mỉm cười. Sao lại vô tình đến thế? Một ông giám đốc công ty Pháp gọi thư ký Việt Nam lên để nhẹ nhàng phê bình một việc làm sai. Ông chờ đợi anh thư ký nhận lời và hứa sẽ làm tốt hơn. Chỉ thấy cậu ta cúi đầu hơi mỉm cười, ông bực mình lắm, cho là bị coi thường.
Cách đây hơn một thế kỷ, năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết một bài báo phê phán về cái cười “vô duyên” của người Việt Nam: Người ta khen hay chê đều cười, tốt cũng cười, xấu cũng cười. Thật là lố bịch và đôi khi vô lễ.
Trong một bản luận án (1997) so sánh văn hóa Nhật và văn hóa Việt, Y. Higuchi viết: “Ở Việt Nam, cái mỉm cười dùng để thể hiện những tình cảm như: sung sướng, thân thiện, lúng túng, e thẹn, buồn rầu, nhẫn nhục, tức giận”. Bà cũng kể chuyện một bà mẹ Nhật Bản đến báo tin cho thầy giáo là con mình chết mà lại mỉm cười.
Tại sao lại có cái cười vô duyên và vô lý của người Nhật và ta? Một số nhà nhân học văn hóa trả lời là do các nền văn hóa Phương Đông, đặc biệt là Đông Á, được đặc trưng bởi tính cộng đồng. Do ý thức cộng đồng mạnh nên tính sĩ diện rất cao, văn hóa đặc trưng bởi sự xấu hổ. Cái cười có nhiệm vụ che giấu sự xấu hổ, những cảm xúc không muốn lộ ra, vì vậy khi lúng túng không biết phản ứng bằng cách nào thì cười hay mỉm cười.
Nguyễn Tuân tìm ra hơn một trăm từ ngữ Việt để chỉ các loại cười Việt Nam. Ông khẳng định là nhờ cái cười mà dân tộc ta mới tồn tại được qua mấy ngàn năm sống một cuộc sống nghiệt ngã, thiên tai và ngoại xâm. Cái cười khiến dân tộc ta sát cánh chịu đựng và tụ hội. Phải chăng đó cũng lại là một chức năng của cái cười?
“Tình yêu cười”: Thông điệp ý nghĩa về tình yêu gia đình "Tình yêu cười" là những tiểu phẩm nhẹ nhàng, hài hước, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu, tình cảm gia đình. |
2015: Năm của biểu tượng mặt cười Ngoài dòng chữ khi nhắn tin, người dùng thiết bị di động còn có thể sử dụng Emoji (biểu tượng mặt cười) làm công cụ ... |