Nhỏ Bình thường Lớn

Trở lại Việt Nam để tái sinh

“Tôi nghĩ ngày 30/4 là một dịp tốt để những người Mỹ nhìn nhận lại và lấy làm tiếc về những gì đã làm ở Việt Nam". Lời nói của cựu chiến binh Mỹ Suel D. Jones cách đây hơn 10 năm lại được chứng minh khi mới đây, ông đã cùng 14 người bạn trong tổ chức “Cựu chiến binh vì hòa bình” (Veterants for Peace - VFP) trở lại và thực hiện những công việc ý nghĩa tại Việt Nam.
Cựu binh Mỹ Suel D. John chụp ảnh với một cựu binh Việt Nam tại Quảng Bình.

Có thể nhiều người đã biết đến Suel D. Jones bởi ông đã từng viết một thư ngỏ kêu gọi lấy chữ ký ủng hộ của người dân Mỹ. Bức thư chúc mừng nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 30 thống nhất, chia sẻ những nỗi đau do chiến tranh và cam kết hành động vì hoà bình và hữu nghị giữa hai dân tộc. Thư ngỏ này đã được đăng trên trang web petitionline và thu hút sự ủng hộ của rất nhiều cựu binh Mỹ. "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ và tẩy sạch những đau thương do chiến tranh để lại, nhưng cùng nhau hành động, chúng ta có thể tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cháu và các thế hệ sau" – đó là những lời ngỏ chân thành đã mang lại sự đồng cảm cho rất nhiều người.

Suel D. Jones tham chiến tại Việt Nam năm 1968-1969. Lần đầu tiên ông trở lại nơi này vào năm 1998, làm việc cho làng Hữu Nghị, nơi nuôi dưỡng và chăm sóc khoảng 120 trẻ bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin. Trở về Mỹ, Suel đi khắp các trường đại học, các thành phố của nước Mỹ để nói chuyện về chất độc da cam ở Việt Nam, về những ảnh hưởng còn lại của một cuộc chiến đã kết thúc gần 30 năm mà vẫn khiến nhiều người mẹ, người cha Việt Nam không còn nước mắt để khóc. Năm 2000, Suel trở lại VN với tư cách là đại diện của Ủy ban quốc tế làng Hữu Nghị với sự tham gia của cựu binh Anh, Nhật, Mỹ, Pháp, Đức và Canada.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này (17/4-1/5), Đoàn của ông sẽ đi thăm nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin, một cơ sở chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, dự án tẩy rửa điểm ô nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Đà Nẵng, làm việc với Hội nạn nhân chất độc da cam tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng và gặp gỡ cựu chiến binh Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp 30/4... Đặc biệt, đây còn là cơ hội quý cho một số thành viên lần đầu tiên chứng kiến những đổi thay của Việt Nam và biết rõ hơn về công tác thực hiện các dự án nhân đạo, giải quyết hậu quả chiến tranh. Theo Suel D John, VPF sẽ không chỉ đơn thuần là cung cấp tài chính mà còn trực tiếp giúp đỡ bằng các hoạt động cụ thể như lên phương án hỗ trợ người dân về giáo dục tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Cũng giống như Suel D. John và 14 thành viên khác, John Chadwich – một cựu chiến binh Mỹ lần đầu trở lại Việt Nam đã bày tỏ sự xúc động đặc biệt. Điều họ cảm nhận được sâu sắc nhất chính là nhận những tình cảm nồng hậu, lòng vị tha cao cả của nhân dân Việt Nam. Với Suel D. John thì Việt Nam đã hồi sinh một cách kỳ diệu và mỗi lần trở về, ông lại có cảm giác như tìm về được với mái ấm của tình yêu thương, giúp tâm hồn ông bình yên lạ thường. Ông tâm sự, đã có rất nhiều người Mỹ tò mò hỏi ông về Việt Nam, về lý do tại sao ông lại có những việc làm tích cực như vậy. Và ông đã ngay lập tức trả lời họ rằng: Việt Nam chính là nơi ông được tái sinh. Trở lại Việt Nam sau chiến tranh, ông và những người bạn của mình đã có được những giây phút hạnh phúc không bao giờ có thể quên được.

TUẤN THANH