GS. TSKH Đặng Lương Mô trong một buổi nói chuyện chuyên đề tại Trung tâm ICDREC. |
Sau hơn 40 năm sống tại Nhật Bản, GS. Đặng Lương Mô quyết định về ở hẳn tại Việt Nam. Là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao Bằng Tiến sĩ khoa học, công nghệ và phong hàm Giáo sư, ông đã có hơn 300 công trình nghiên cứu và 10 bằng phát minh sáng chế, làm rạng danh người Việt trên lĩnh vực khoa học của thế giới.
Không chỉ làm khoa học
Không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc, GS. Đặng Lương Mô còn được biết đến như một dịch giả thông thạo 3 thứ tiếng Nhật, Anh và Pháp. Điển hình như cuốn sách nghiên cứu vi mạch được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, hay danh tác Bích câu kỳ ngộ của Việt Nam được chuyển thể sang tiếng Nhật. Và giờ đây, dù đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng Giáo sư chưa một lần nghĩ rằng, mình đã cống hiến đủ cho đất nước.
GS. Đặng Lương Mô chia sẻ: "Tôi thấy bây giờ, có rất nhiều kiều bào tâm huyết với Việt Nam. Tôi hy vọng, ngày càng có nhiều kiều bào trở về Việt Nam và cùng với chúng ta xây dựng quê hương này mỗi ngày một tốt đẹp hơn".
Là một người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp và được giới khoa học thế giới, thế nhưng, ngày trở về Việt Nam đối với GS. Đặng Lương Mô là một ngày hết sức đặc biệt. "Tôi ở nước ngoài trên 40 năm và đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian đó, lúc nào tôi cũng canh cánh một ước muốn trở về Việt Nam, trở về quê hương. Vì thế, trước khi đến tuổi nghỉ hưu, chúng tôi đã quyết định là ngay sau khi về hưu thì chúng tôi sẽ không ở nước ngoài thêm nữa. Ở địa vị của tôi khi đó, tôi có thể ở thêm, làm thêm cho Đại học Nhật Bản 5-7 năm nữa, nhưng chúng tôi vẫn quyết định trở về Việt Nam ngay" - GS. Mô cho biết.
Ngày 31/3/2003 là ngày vị Giáo sư quê gốc Hải Phòng chính thức nghỉ hưu. Ngay ngày hôm sau, vợ chồng ông lên máy bay trở về Việt Nam với hành trang không hề có một thứ gì có giá trị vật chất lớn, mà chỉ toàn là sách. Dù đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến trở về này và từng trở về Việt Nam nhiều lần trước đây, nhưng khi bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, vợ chồng Giáo sư vẫn trào nước mắt khi biết mình đã thực sự trở về.
"Mặc dù ở Nhật Bản 40 năm nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác mình ăn nhờ, ở đậu - mình dường như không hoàn toàn là mình. Mình phải trở về Việt Nam, sống ở trên đất nước Việt Nam. Khi về đến nơi, tôi mới thấy mình thực sự là người Việt Nam, thở không khí Việt Nam, với sự thương yêu của gia đình, của bà con lối xóm và được hưởng thụ cảm giác mình hoàn toàn làm chủ được mình trên quê hương" - Giáo sư chia sẻ.
Với công nghiệp vi mạch Việt Nam
Trước khi trở về Việt Nam định cư, GS. Đặng Lương Mô đã có khoảng hơn 10 năm đi đi, về về để chuẩn bị cho công việc làm vi mạch tại Việt Nam. Ông nói: "Tôi chỉ có một đam mê là làm thế nào để gây dựng cơ sở đào tạo và phát triển nền công nghiệp vi mạch cho Việt Nam bởi tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta nắm bắt được nền công nghiệp vi mạch này thì về mặt kinh tế, chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn, cũng như về mặt khoa học - công nghệ và đặc biệt là giáo dục - đào tạo, chúng ta sẽ có những bước tiến nhảy vọt".
Gần 5 năm sau chuyến trở về thực sự và đặc biệt ấy, con chíp vi xử lý đầu tiên tại Việt Nam đã được ra đời vào tháng 1/2008. Việc chế tạo thành công con chíp thuần Việt đã tạo tiền đề cho sự ra đời của những con chíp “Made in Vietnam” khác với những tính năng vượt trội, có tính cạnh tranh cao. Người đứng sau tất cả những thành công này chính là Giáo sư Đặng Lương Mô. Ông cũng là người đã đặt nền móng cho sự ra đời của ICDRECT - Trung tâm đầu tiên nghiên cứu, chế tạo thiết bị vi xử lý tại Việt Nam.
Hải Anh
Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Đặng Lương Mô sinh năm 1937 tại Hải Phòng. Ông nhận bằng kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ , tất cả đều trong lĩnh vực kỹ thuật điện tử, từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) lần lượt vào các năm 1962, 1964 và 1968. Từ năm 1968 đến năm 1971, ông là chuyên viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu Toshiba Nhật Bản. sau đó, ông về nước giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học KHoa học tự nhiên Tp.HCM). Từ năm 1973, ông là Viện trưởng Học viện quốc gia kỹ thuật (tương đương với chức danh Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Tp.HCM). Năm 1976, ông trở lại Nhật tiếp tục nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Toshiba. Năm 1983, ông giảng dạy tại trường Đại học Hosei (Tokyo, Nhật Bản). Năm 2003, ông về nước với mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé cho đất nước.
|