📞

Trong 4 năm, đã có hơn 8.400 người thiệt mạng trên đường di cư đến châu Âu

Hạnh Lê 17:42 | 16/02/2023
Theo báo cáo của tổ chức Save the Children, đã có hơn 8.400 người thiệt mạng trên đường di cư đến châu Âu trong vòng 4 năm qua.
Những người di cư từ Eritrea và Sudan bị lật thuyền trên vùng biển gần đảo Lampedusa phía Nam Italy, Địa Trung Hải vào tháng 8/2022. (Nguồn: AP)

Tổ chức Save the Children đã thống kê số liệu từ năm 2019, có khoảng 500.000 người đã tìm cách vượt Địa Trung Hải đến châu Âu, trong đó 8.468 người đã thiệt mạng hoặc mất tích trên hành trình vượt biển này.

Theo phân tích của Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), một phần nguyên nhân dẫn đến những vụ thiệt mạng ở biên giới châu Âu là do xu hướng gia tăng sử dụng vũ lực của các nước thuộc “Lục địa già”, nhằm ngăn chặn những người tị nạn xâm nhập vào lãnh thổ của những nước này. Bên cạnh đó, nhiều người di cư còn bị trục xuất ngay sau khi vừa “cập bến” châu Âu, trong đó có các nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy.

Báo cáo trên cũng khẳng định, theo luật pháp quốc tế, việc trục xuất những người di cư là bất hợp pháp. Vì vậy, Liên minh châu Âu (EU) đã vi phạm quyền xin tị nạn và nguyên tắc pháp lý cấm trục xuất bất kỳ ai quay trở lại nơi mà họ có nguy cơ bị ngược đãi, tra tấn hoặc đe dọa đến tính mạng.

Theo đó, tổ chức Save the Children cho rằng các nước châu Âu áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc đối phó với người di cư đến từ khu vực Trung Đông và châu Phi, cũng như những người tị nạn do xung đột Nga-Ukraine trong năm qua.

Tổ chức này cũng xác nhận, kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái, hơn 8 triệu người di cư từ Ukraine, với gần một nửa là trẻ em, đã được phép vào châu Âu. Đặc biệt, ông Daniel Gorevan, cố vấn cấp cao của tổ chức, đã đề xuất “cách tiếp cận mới của châu Âu”, trong đó chú trọng vào quyền lợi của trẻ em trong các chính sách tị nạn.

Số liệu thống kê của Save the Children đã cho thấy, hàng chục nghìn người từ Bắc Phi đã tìm cách vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu với mục đích tránh nghèo đói và xung đột ở khu vực châu Phi và Trung Đông, cũng như tìm kiếm cuộc sống tốt hơn.

Libya đã trở thành điểm trung chuyển chính của người di cư kể từ khi nước này rơi vào bất ổn chính trị năm 2011. Trong những năm gần đây, các nước châu Âu đã thúc đẩy chính quyền Libya và lực lượng bảo vệ bờ biển nước này ngăn chặn người di cư tìm cách vượt biên giới trên biển của EU.

Theo UNHCR, hơn 24.680 người di cư đã bị chặn trước khi vào lục địa này và được đưa trở lại Libya.

(theo AP)