📞

Trong đại bão Yagi, nghĩ về truyền thống, lịch sử, hiện tại và tương lai của quốc gia, dân tộc

TS. Vũ Đăng Minh 13:55 | 14/09/2024
Đại bão Yagi gây tổn thất vô cùng lớn khiến nhiều người đau xót, nhưng cũng ấm lòng vì nghĩa tình đồng bào, tương thân, tương ái trên cả nước.

Đại bão Yagi “sáu mươi năm mới có một lần” gây tổn thất vô cùng lớn về người, vật chất và môi trường sống. Thiên tai thảm khốc khiến nhiều người đau xót, nhưng cũng ấm lòng vì nghĩa tình đồng bào, tương thân, tương ái trên cả nước. Ai đó nói, chuyện hy sinh quên mình thời chiến tranh qua rồi, bây giờ người ta sống “khôn hơn”, “thực tế hơn”, nghĩ tới “cái tôi nhiều hơn”! Thực tế cho thấy điều khác hẳn.

Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố miền Bắc Việt Nam bị thiệt hại nặng nề về người và của. (Nguồn: UNICEF)

Truyền thống, văn hóa dân tộc trong thiên tai, địch họa

Đảng, Nhà nước huy động mọi nguồn lực quốc gia, lực lượng vũ trang có mặt ở nơi khó khăn, nguy hiểm nhất, với chủ trương, không để ai bị đói rét, bị khát, không có chỗ ở... Tinh thần “ai có của giúp của, ai có công giúp công, có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít…” gợi nhớ lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Tinh thần “chiến tranh nhân dân” được khơi dậy mạnh mẽ, đầy xúc động trong bão lụt.

Hàng triệu người, theo cách của mình, sẵn sàng quên thân cứu nạn, sẻ chia vật chất, tình người cho vùng bão lụt. Họ chỉ là những người rất đỗi bình thường, nhưng khi hoạn nạn, thì gác lo toan mưu sinh, “mình vì mọi người”, có những hành động phi thường. Tinh thần ấy gieo niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Việc nhóm xe ô tô chạy chậm che bão cho người đi xe máy trên cầu cùng nhiều câu chuyện cảm động khác lan tỏa khắp thế giới hình ảnh một Việt Nam giàu lòng nhân ái.

Không chỉ trong thảm họa Yagi, mà mỗi khi đất nước chịu thiên tai, địch họa thì phẩm chất, truyền thống anh hùng, kiên cường, bất khuất, đoàn kết, nhân ái, “thương người như thể thương thân”… lại trỗi dậy mạnh mẽ, tạo sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Điều gì hun đúc nên truyền thống, phẩm chất đặc biệt ấy?

Từ thuở khai thiên lập địa, cộng đồng người Việt đầu tiên đã chọn dừng chân ở vùng đất này, rồi cần cù mở mang bờ cõi về phương Nam, dựng nên đất nước hình chữ S, có thế chiến lược, lưng tựa núi, mặt hướng về biển. Đất nước ấy có tài nguyên phong phú nhưng cũng lắm thiên tai, địch họa. “Thủy hỏa, đạo, tặc” mùa nào cũng có; ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thực dân đô hộ, ba mươi năm chống chọi “hai đế quốc to”, nhưng quyết không khuất phục, quyết không bị đồng hóa.

Đời trước truyền đời sau lời hịch, “Đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Một quốc gia, dân tộc như vậy, muốn tồn tại, phát triển ắt phải và đã tôi rèn nên những phẩm chất đặc biệt; tự chủ, kiên cường, anh hùng, bất khuất trước kẻ thù; cần cù, sáng tạo trong lao động, chung sống hài hòa với thiên nhiên; đoàn kết, nhân ái, nhân nghĩa, bao dung, hòa hiếu, “uống nước nhớ nguồn”…

Truyền thuyết “bọc trăm trứng” thiêng liêng có sức sống, lưu truyền đến muôn đời sau. Cái vỏ thần thánh ẩn chứa một điều cốt lõi, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam gọi nhau là “đồng bào”, với ý nghĩa chung một bọc sinh ra, chung một cội nguồn, “con Rồng cháu Tiên”. Là người Việt, dù sinh sống ở đâu, trong hay ngoài nước đều thuộc nằm lòng câu, “Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Giỗ Tổ Hùng Vương - Quốc Tổ, là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân kiên cường chống ngoại xâm giữ nước. Trên thế giới, không nhiều quốc gia, dân tộc có truyền thống thờ chung một Tổ.

Mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có lịch sử, truyền thống của mình. Ngoài những giá trị chung, Việt Nam có bản sắc riêng, có niềm tự hào về lịch sử, truyền thống, nền văn hóa dân tộc. Từ lịch sử, truyền thống hào hùng, từ lòng dân trong những ngày quốc tang, từ đại bão Yagi…, nổi lên ba vấn đề cơ bản:

Một, lòng dân là sức mạnh “đẩy thuyền” vô cùng to lớn, tài nguyên vô giá của đất nước, dân tộc; một nhân tố cơ bản để Việt Nam vượt muôn vàn khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển. Hai, một quốc gia, dân tộc như vậy nhất định phải được hưởng độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba, cần làm gì, làm thế nào để hiện thực hóa ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng truyền thống ấy, khát vọng ấy?

Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai phát động quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi). (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Trung Quốc)

Kế thừa và phát triển trong kỷ nguyên mới

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Việt Nam phát triển đến một tầm cao, nhưng hành trình của đất nước vẫn tiếp bước vào kỷ nguyên mới.

Lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc thực sự có giá trị vĩnh hằng khi được kế thừa, phát huy trong hiện tại và tương lai. Trách nhiệm vô cùng vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề thuộc về Đảng, Nhà nước Việt Nam. Kỷ nguyên mới với điểm nổi bật là cuộc cách mạng 4.0 và cách mạng chuyển đổi số; kỷ nguyên vươn mình, mở rộng không gian sinh tồn, phát triển của đất nước, dân tộc; cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít.

Sứ mệnh cầm quyền lãnh đạo đòi hỏi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới với tư duy mới, tốc độ nhanh hơn, phát huy cao hơn tinh thần “5 tự”: Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; nắm bắt cơ hội, biến nguy thành cơ; phát huy mạnh mẽ nội lực tinh thần, vật chất của dân tộc để kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhất với nguồn lực từ bên ngoài. Đảng, Nhà nước vạch ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt thắng lợi công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, đảng viên có vai trò quyết định, là khâu đột phá trong hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhân dân nhìn vào thái độ, hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên, từ Trung ương đến cơ sở mà củng cố lòng tin, nỗ lực phấn đấu theo con đường Đảng, Nhà nước vạch ra. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có tầm nhìn, tư duy chiến lược, phẩm chất, năng lực hành động tương xứng với vị trí công tác và đạo đức cách mạng trong sáng. Thiếu một trong những tiêu chí cơ bản ấy, cán bộ, đảng viên sẽ không thể đảm đương được trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó.

Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát huy tinh thần “6 dám”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”; đồng thời phải “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Đi đôi với lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, phải chú trọng rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và công tác kiểm tra, giám sát. Làm tốt và phát huy thực sự dân chủ cơ sở, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội và “tai mắt nhân dân”.

Dân tộc Việt Nam có những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, nhưng trong một bộ phận vẫn có “điểm trừ”. Đó là, giỏi chịu đựng nhưng có phần bảo thủ; năng động nhưng còn tùy tiện, thiếu ý thức chấp hành pháp luật mọi lúc, mọi nơi; bệnh thành tích, hình thức, chủ quan, tự mãn, bè phái, cục bộ, nói chưa đi đôi với làm…

Để hạn chế, loại trừ các “thói hư, tật xấu” cần tiếp tục xây dựng, thực thi “hệ giá trị quốc gia”; xây dựng, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Xây dựng, phát huy đồng bộ: nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới; nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc và nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp tích cực với cộng đồng thế giới.

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả “bốn nền”, tạo nền tảng để đất nước Việt Nam bay xa, vươn lên tầm cao mới.