📞

Trong, đục tiếng cười trên sân khấu kịch

16:06 | 06/05/2008
Sân khấu kịch mang đến tiếng cười cho khán giả là điều cần thiết. Nhưng phải để người xem nhận ra những giá trị đích thực đằng sau tiếng cười.

Nét hài duyên dáng tạo nên những tiếng cười trong veo không khiên cưỡng trong các vở kịch luôn là một làn gió nhẹ thổi vào lòng người, xoa dịu những cảm giác xót xa khi sự thật được phơi bày, những cảm xúc nội tâm của nhân vật được bộc lộ. Nhưng không phải vở kịch nào trên các sàn diễn TPHCM thời gian qua cũng có được tiếng cười trong veo đó...

Cười để giấu tiếng khóc

Phần đầu các vở kịch thường mang đến tiếng cười thoải mái cho khán giả bằng những tình huống, lời thoại nghịch ngợm, hài hước.

Mảng chìm nội tâm và ý nghĩa sâu sắc của vở sẽ dần bộc lộ qua các lớp diễn sau, đưa khán giả vào một không gian khác, một tâm tư khác, như đi ngược chiều với tiếng cười mà các nhân vật đã tạo ra ban đầu. Chính hai mặt đối lập này khiến cho tính cách và cuộc đời của nhân vật khắc sâu hơn vào tâm trí người xem.

Trong vở Hợp đồng mãnh thú (vở diễn luôn cháy vé trên sân khấu kịch Idecaf), vai cô vũ nữ giả dạng để kiếm tiền của Thành Lộc luôn chọc cười khán giả bằng những động tác hài hước, nhưng cũng chính vì những động tác buộc phải thực hiện để mua vui ấy mà nỗi tủi nhục của những phận gái bán hoa mới được bộc lộ.

Xem vở Tiếng vạc sành, khán giả được dịp cười nghiêng ngả trong phần đầu của vở qua lối diễn hài hước, duyên dáng của Hữu Châu và Đại Nghĩa. Cái cách hai ông bạn già nói chuyện với nhau, cách ông chủ trại hòm “thị phạm” cho những “thiết kế sáng tạo” của mình tưng tửng mà hồn hậu chiếm cảm tình của khán giả một cách dễ dàng.

Cũng chính vì niềm vui cứ ngỡ là tồn tại hiển nhiên của nhân vật mà người xem thấy đắng lòng hơn khi cuối cùng nhận ra rằng, khuôn mặt cười của một ông già luôn chọc ghẹo mọi người chỉ là một chiếc mặt nạ để giấu đi một ký ức đau xót khác. Sự yên bình trong đôi mắt cũng chỉ là một tấm phông màn để che đậy những con sóng u uẩn trong lòng.

Tạo cho nhân vật những lớp diễn hài hước cũng chính là tạo cho khán giả một sự thoải mái, nhẹ nhàng hơn trước khi tìm thấy phần chìm nội tâm và những dấu lặng trong cuộc sống của nhân vật.

Lời thoại giản dị, tự nhiên, không cố gắng chọc cười khán giả nhưng vẫn tạo nên tiếng cười thật sự bởi tính dung dị của ngôn ngữ, tình huống gần gũi và những phát hiện dí dỏm của nhân vật về cuộc sống. Cách xây dựng các nhân vật mang nhiều tiếng cười để giấu tiếng khóc cũng chính là một cách tạo nên một sức sống cho vở diễn.

Lạc lõng và phản cảm

 

Tuy nhiên, cũng có những lời thoại, tình huống hài hước xen lẫn chỉ là để tạo ra một tiếng cười gượng ép, lạc lõng với mạch kịch làm giảm đi giá trị tính cách của nhân vật cùng những khoảng lặng của vở diễn. Trong vở Trinh nữ - vở diễn mới nhất của kịch Sài Gòn - vì muốn tạo tiếng cười cho khán giả mà đạo diễn đã xen vào một phân đoạn hài hước trên cái nền những cảm xúc bi kịch của nhân vật chính.

 

Khán giả cũng được dịp cười với những tung hứng của các diễn viên Việt Anh, Bảo Châu, tuy nhiên tiếng cười có lúc trở nên kệch cỡm và vô tâm khi những bác sĩ cười cợt trên nỗi đau của một bệnh nhân muốn chuyển đổi giới tính, khi một người con gái lấy chuyện trinh tiết ra làm trò đùa, hay những lời tư vấn của bác sĩ lại là những lời lẽ vô tâm đến tàn nhẫn...

 

Trong vở Ba chị em cũng vậy, khi phát hiện con gái bỏ nhà đi vì những u uất tâm lý, người mẹ vừa khóc lại vừa hỏi “xem trong nhà có mất cái gì không?”. Hoặc khi người ông đi tìm cháu thì cũng không thấy nỗi lo thắc thỏm mà chỉ có những dáng điệu, cử chỉ cố tình chọc cười khán giả.

 

Người xem đủ tinh tế để nhận ra đâu là tiếng cười thật và đâu là sự lạc điệu khi tác giả kịch bản và đạo diễn muốn xen vào. Những lời thoại, những cử chỉ hài hước chen ngang vào tình huống không dành cho tiếng cười chỉ khiến cảm xúc của khán giả dành cho những khoảnh khắc nội tâm của nhân vật bị tắc nghẽn giữa chừng.

 

Sân khấu kịch mang đến tiếng cười cho khán giả là điều cần thiết. Nhưng phải để người xem nhận ra đằng sau tiếng cười ấy là những cung bậc gì của cảm xúc, những giá trị gì của cuộc sống, chứ không phải là những tiếng cười dễ dãi, dễ quên.

 

Theo Người Lao Động