Đây là một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất của WEF trong khu vực, thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende đồng chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hội nghị là diễn đàn để các nhà lãnh đạo chính phủ và các doanh nghiệp lớn của các nước ASEAN và trong khu vực thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng và định hướng chính sách cho những vấn đề quan trọng của khu vực.
Hội nghị năm nay có chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Đây là chủ đề thiết thực đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và trong khu vực, đồng thời gắn kết với chủ đề của ASEAN năm nay là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo”.
Hội nghị dự kiến có khoảng 55 thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 như: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; Tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho cá nước ASEAN trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0…
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định, Hội nghị là một cơ hội rất tốt cho các bên gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuẩn bị tốt nhất khi bước vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thông tin tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoài các hoạt động chính, Hội nghị lần này với một tinh thần hợp tác chặt chẽ, WEF đồng ý cùng với Việt Nam tổ chức một số sự kiện, đặc biệt là “Diễn đàn Doanh nghiệp” vào chiều ngày 13/9 với sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo, tập đoàn thành viên của WEF và khoảng 2.000-3.000 doanh nghiệp Việt Nam.
Ban tổ chức Việt Nam và WEF đã gửi giấy mời tới các nhà lãnh đạo khu vực trong ASEAN, các nhà lãnh đạo các nước đối tác của ASEAN và hiện nay, sơ bộ nhận được sự khẳng định tham gia của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ của 7 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
“Hội nghị WEF ASEAN là một sự kiện rất quan trọng, chính vì thế mà sự tham gia của các tập đoàn, lãnh đạo tổng công ty hàng đầu thế giới cũng như phía Việt Nam sẽ là một cơ hội rất tốt cho các bên gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuẩn bị tốt nhất khi bước vào Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh thêm.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Tổ chức Hội nghị do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đứng đầu và phối hợp cùng với phía WEF do ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao đổi cụ thể các mặt về nội dung, lễ tân, hậu cần, thông tin tuyên truyền để bảo đảm tổ chức Hội nghị thành công toàn diện.
Ông Borge Brende nhấn mạnh, WEF muốn phối hợp cùng các quốc gia để đưa ra những cách thức và hướng dẫn để các quốc gia có thể ứng phó tốt trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. nhằm đạt được các lợi ích vì người dân. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Chia sẻ tại buổi họp báo, Chủ tịch WEF Borge Brende đánh giá cao mối quan hệ đối tác giữa WEF và Việt Nam; cho rằng mối quan hệ này sẽ giúp Việt Nam nhận định các khía cạnh để có thể phát triển.
Chủ tịch WEF nhận định, với ASEAN là một cơ chế hợp tác và Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, Hội nghị WEF ASEAN năm nay đang thu hút sự quan tâm rất lớn do nhiều quốc gia và các doanh nghiệp đã coi Việt Nam và ASEAN là một yếu tố ngày càng quan trọng hơn.
Mặc dù Việt Nam còn phải đối mặt với một số thách thức về kinh tế nhưng sự phát triển của Việt Nam rất đáng ghi nhận. Trong báo cáo về năng lực cạnh tranh, Việt Nam đã có những bước cải thiện trong những năm vừa qua với mức tăng trưởng 7%/ năm là một con số rất ấn tượng trong bối cảnh hiện nay.
Việt Nam đang là một quốc gia thu nhập trung bình và sẽ không còn được nhận vốn ODA. Do đó, Việt Nam sẽ cần thêm đối tác công tư khi mà WEF đang trở thành một tổ chức quốc tế đại diện cho mối quan hệ đối tác công tư.
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đề cập tới chủ đề Hội nghị năm nay “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạnh Công nghiệp lần thứ 4”, ông Borge Brende cho rằng: “Thế kỷ 20 được định hình bởi các quốc gia có sức mạnh quân sự và chính trị còn tôi tin rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ được định hình bởi những người nắm được công nghệ mới nhất”.
Khi được hỏi về những lợi thế của ASEAN khi bước vào Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Borge Brende nhấn mạnh rằng: “ASEAN bao gồm những nền kinh tế đang nổi lên rất nhanh. Do đó, các nước ASEAN có thể ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng. Chúng tôi nhận thấy nhiều dư địa mà các nước ASEAN hiện nay đang có để có thể tạo ra các bước đột phá về công nghệ và ứng dụng công nghệ”.
Bản thân ASEAN, xét về mặt kinh tế, có một tiềm lực kinh tế rất lớn. Dựa trên mối quan hệ đối tác giữa ASEAN và WEF, WEF hy vọng rằng hai bên sẽ hợp tác nhiều hơn trong tương lai để cùng ứng phó với thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Chủ tịch WEF Borge Brende đánh giá cao mối quan hệ đối tác giữa WEF và Việt Nam; cho rằng mối quan hệ này sẽ giúp Việt Nam nhận định các khía cạnh để có thể phát triển. (Ảnh: Tuấn Anh) |
WEF muốn phối hợp cùng các quốc gia để đưa ra những cách thức và hướng dẫn để các quốc gia có thể ứng phó tốt trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. nhằm đạt được các lợi ích vì người dân.
“Chúng tôi cần phải bảo đảm rằng những luồng luân chuyển của công nghệ phải được diễn ra một cách thông suốt. Chỉ có xây dựng một mối quan hệ đối tác hiệu quả, chúng ta mới có thể hỗ trợ nhau một cách hiệu quả vào hành trình này”, Chủ tịch WEF cho biết thêm.