📞

(Trực tuyến của Báo TG&VN): WEF ASEAN 2018 - Diễn đàn mở về Khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0

09:53 | 11/09/2018
Sáng 11/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ diễn ra sự kiện quan trọng đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4” diễn ra từ ngày 11 - 13/9. Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” diễn ra từ 10h00 - 11h30, Báo TG&VN thực hiện trực tuyến sự kiện này.

11g15: Kết thúc Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, các diễn giả dành thời gian giao lưu với sinh viên đến từ một số trường Đại học của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của sinh viên Đại học Bách Khoa về điều mà thanh niên cần phải làm để thích ứng với những thay đổi của CMCN 4.0, Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq cho rằng, họ không đơn giản là cần thích ứng, tuân theo những quy tắc thông thường. Đặc biệt, thanh niên ASEAN, cần thay đổi tư duy của mình, làm những việc vượt ra ngoài khuôn khổ, giới hạn bản thân. "Giới trẻ hãy theo đuổi những đam mê của mình, cho dù mục tiêu có thể khó khăn như trở thành chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp trẻ…", ông Syed Saddiq kêu gọi.

Ông Lê Hồng Minh Tổng Giám đốc Công ty VNG Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Giáo sư Annie Koh cho rằng, thanh niên cần suy nghĩ thế hệ của mình sẽ cần gì trong vòng 10 năm tới – họ là những người trẻ, có tham vọng, chấp nhận rủi ro, sẵn sàng theo đuổi đam mê bằng những nỗ lực phi thường để đạt được những kết quả khác thường. Một khi theo đuổi đam mê, họ có thể làm nên nhiều điều kì diệu.

Vấn đề việc làm cho giới trẻ trong CMCN 4.0 cũng được các diễn giả chia sẻ theo nhiều khía cạnh khác nhau. Bà Chủ tịch tập đoàn kinh tế số của Malaysia Yasmin Mahmood cho rằng, CMCN 4.0 sẽ khiến những người lao động có kỹ năng thấp bị thay thế. Vì vậy, giới trẻ, nếu không muốn bị thất nghiệp cần phải phát huy tính tò mò.

"Tôi băn khoăn sự tò mò ở giới trẻ hiện nay như thế nào, tìm hiểu công nghệ đằng sau những kỹ thuật mới ra sao? Chính sự tò mò tạo ra bản sắc cho chúng ta. Chúng ta cần học hỏi những điều mới, đó là điều vô cùng quan trọng", bà Yasmin nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, CEO tiêu biểu Lê Hồng Minh đưa ra lời khuyên với giới trẻ, cần chú trọng đến việc tiếp cận cái mới. Vị CEO VNG đề cập về những áp lực mà giới trẻ hiện đang phải đối mặt. Trong 5 năm, ngành marketing đã trở thành lỗi thời, kiến thức trong trường học không còn nhiều giá trị thực tế bởi sự thay đổi quá nhanh chóng. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ, vì vậy, ông Minh cho rằng, các bạn trẻ phải luôn cập nhật, không có công việc nào là cố định.

Các diễn giả chụp ảnh sau diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bên cạnh khả năng cập nhật, tính sáng tạo cũng rất quan trọng. "Trong kinh doanh, phương thức thông thường là nghiên cứu những mô hình thành công. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải sáng tạo chứ không phải là sao chép nguyên bản. Khi tôi đến Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ thì tôi nghĩ có thể đặt một văn phòng ở đó chứ không phải sao chép nó tại Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải sáng tạo trong một môi trường phù hợp khi thế giới đang hình thành những trung tâm sáng tạo", ông Minh bày tỏ quan điểm. 

Là một người trẻ tuổi nhưng lại giữ cương vị khá cao trong Chính phủ Malaysia, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cho rằng, CMCN 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khi chúng ta đang có một nền giáo dục rất tốt. Chúng ta không thể hình dung thế giới 20 năm tới sẽ ra sao. Thời gian đào tạo cũng sẽ nhiều hơn nhưng chi phí có thể rẻ đi vì đã được số hóa. Vì thế, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào những gì chúng ta cần học mà thôi.

Đối với các công ty khởi nghiệp, đại diện Google cho biết, Google đang nỗ lực đồng hành cùng với các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ họ thông qua các chương trình liên quan tới số hóa, thực hiện chương trình huấn luyện trong vòng 6 tháng. Google phấn khích trước tinh thần khởi nghiệp tại ASEAN, cởi mở và sẵn sàng đồng hành.

Cũng đề cập tới các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng CEO Minh nhấn mạnh ở một khía cạnh khác, đó là năng lực gọi vốn. "Doanh nghiệp khời nghiệp cần chủ động làm thế nào để nhà đầu tư muốn đưa tiền cho mình." Ông Minh đưa ra lời khuyên.

Cuối cùng, các diễn giả thống nhất gửi tới giới trẻ một thông điệp rằng: "Các bạn hãy nghĩ về giấc mơ, những điều kỳ diệu tạo cảm hứng cho các bạn trong tương lai. Khi cơ hội gõ cửa, chúng ta hãy mở cửa. Bản sắc chỉ có thể được tạo dựng nếu chúng ta có đam mê."

 


10g10: Phiên thảo luận trực tiếp có sự tham gia của CEO MBIC - Yasmin Mahmood; Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Công ty Google Ấn Độ - Rajan Anandan; Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman; Biên tập viên cao cấp kênh truyền hình Deutsche Amrita Cheema; Giáo sư của trường Đại học quản lý Singapore Annie Koh, Giám đốc điều hành, Tổng công ty VNG Việt Nam - Lê Hồng Minh.

Về việc ASEAN đã thực sự đón nhận làn sóng của CMCN 4.0 hay chưa, Giáo sư của trường Đại học quản lý Singapore Annie Koh cho rằng, ASEAN đang rất phấn khích với với CMCN 4.0.

Giáo sư Annie Koh cho biết, 2 năm trước, chúng ta nói nhiều về việc xây dựng bản sắc ASEAN và giờ đây chúng ta bàn về số hóa và công nghệ trong ASEAN. Có thể nói, số phận của ASEAN nằm trong tay thanh niên ASEAN và việc chúng ta nắm bắt được CMCN 4.0. Bà Annie Koh cho rằng, ASEAN chúng ta cần nắm chắc được 4 chứ "I" trong đó có Identity - bản sắc; Innovation - sáng kiến, theo đó chú trọng tới những tiến bộ về công nghệ; Inclusive- bao trùm, nhấn mạnh tới việc sử dụng công nghệ để lấp đầy khoảng cách số và chữ "I" cuối cùng là intergration - sự hội nhập, chúng ta cần chăm chỉ hơn, đi đầu về xã hội. "Nếu chúng ta có đủ "4 chữ I" này thì ASEAN có thể sẵn sàng đi về tương lai", bà Annie Koh nhấn mạnh.

Bà Annie Koh, Phó Chủ tịch văn phòng phát triển kinh doanh, Singapore. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đồng tình với quan điểm của bà Annie Koh, ông Rajan Anandan Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Công ty Google Ấn Độ - Rajan Anandan nhấn mạnh, tiềm năng của ASEAN ở vai trò và vị thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp phần trăm rất lớn vào GDP của khu vực, cũng như là lực lượng tạo ra phần lớn công việc cho người dân. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng của SMEs cũng vô cùng quan trọng.

Ông Rajan Anandan cho biết, vừa qua Google đã cam kết đào tạo 3 triệu chủ SMEs trong ASEAN để đảm bảo nền kinh tế số, thực sự khai thác được tốt nhất CMCN 4.0. Ông nhấn mạnh, SMEs là xương sống của nền kinh tế ASEAN.

Ông Rajan Anandan - Giám đốc Điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

"Về phía Google, chúng tôi muốn đảm bảo giải quyết được rào cản ngăn cản các công dân của các nước tiếp cận mạng Internet, chúng tôi sẵn sàng thảo luận với chính phủ các nước giải quyết những vấn đề liên quan tới chính sách. Chúng tôi phấn khích với môi trường Việt Nam và muốn các bạn khai thác tốt nhất Google để phát triển", đại diện Google cho biết.

Dù có những lo lắng về tỷ lệ thất nghiệp tăng hay một số việc làm sẽ bị xóa bỏ khi mọi thứ được tự động hóa toàn toàn nhưng theo Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, tương lai đang khá lạc quan khi dân số ASEAN tương đối trẻ, còn nhiều tiềm năng để phát triển, cộng đồng kinh doanh tăng trưởng tốt.

Bộ trưởng cho biết, từ năm 2001, Chính phủ Malaysia đã tập trung tạo ra một hành lang số, nỗ lực tạo ra một Thung lũng Sillicon và khuyến nghị thanh niên Malaysia chuẩn bị cho cuộc CMCN 4.0.

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahnam - Bộ trưởng Thể thao và Thanh niên Malaysia. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“Tương lai đang vô cùng sáng lạn và điều quan trọng nhất là giới trẻ sẽ tham gia vào quá trình thay đổi này như thế nào”, ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman nhấn mạnh.

Ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cho rằng, nhiều người trẻ hiện nay có năng lực rất tốt và đã đến lúc các Chính Phủ, lãnh đạo của các tập đoàn, công ty cần nhìn nhận lại về vai trò của người trẻ và đưa ra những chính sách thích hợp về giáo dục, sử dụng nhân tài. “Tương lai của cuộc CMCN 4.0 sẽ được định nghĩa bởi những người trẻ như chúng tôi”, ông khẳng định.

Theo CEO MBIC - Yasmin Mahmood, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra rất nhanh chóng. Nếu như trước đây, phải mất đến 25 năm để điện thoại đạt được con số 100 triệu người sử dụng thì điện thoại thông minh chỉ mất có 16 năm để đạt được con số này. Thậm chí trò game Angry Birds chỉ mất có 35 ngày để đạt được con số 50 triệu người dùng.

“Tốc độ phát triển công nghệ hiện nay đang diễn ra nhanh, làm thế nào để các quốc gia có thể sử dụng các yếu tố nội tại để trở thành người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này? Những người chiến thắng sẽ là những người nắm bắt được cơ hội. Vậy trong cuộc CMCN 4.0, các quốc gia cần phải chuẩn bị như thế nào?”, bà đặt vấn đề.

CEO MBIC - Yasmin Mahmood. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bà Yasmin Mahmood khuyến nghị, với cuộc CMCN 4.0 sẽ có những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn trước khi thu được những lợi ích trong dài hạn. Vì vậy, các Chính phủ cần có những chính sách thích hợp để tận dụng được những cơ hội từ cuộc Cách mạng này.

Chia sẻ câu chuyện khởi  nghiệp, Giám đốc điều hành, Tổng công ty VNG Việt Nam - Lê Hồng Minh cho biết, thế hệ của ông là một thế hệ may mắn khi sinh trưởng đúng vào thời điểm máy tính để bàn đã khá phổ biến và mạng internet đã bắt đầu xuất hiện rộng rãi.

“Máy tính và mạng internet – những khái niệm mà các bạn trẻ ở đây ngày nay cho rằng rất bình thường thì 20 năm trước, ở thế hệ của chúng tôi là một điều kỳ diệu. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã quyết định xây dựng công ty, sự nghiệp của riêng mình. Những điều chúng tôi coi là kỳ diệu thì đã trở thành những điều bình thường trong tương lai”, ông Minh kể lại

Ông Minh chia sẻ, thế hệ trẻ ngày nay nên hình dung về tương lai 20 năm nữa: “Đó chính là tương lai của các bạn. Các bạn hãy xây dựng một công ty hàng tỷ USD tại Việt Nam và châu Á. Đừng cho rằng những gì chúng ta đang tiếp nhận là bình thường. Đừng làm những điều bình thường, hãy làm những điều khác biệt. Đó chính là cách chúng ta phát triển”, ông Minh nhấn mạnh.

Đưa ra lời khuyên cho giới trẻ, ông Lê Hồng Minh cho rằng, giới trẻ nên kiên định với sở thích của mình, dám làm những điều mình hứng thú. “Tôi hy vọng 20 năm nữa, Diễn đàn Kinh tế thế giới sẽ tìm đến các bạn để phỏng vấn về cách các bạn đã khởi nghiệp như thế nào”, ông Minh nói.


10g05: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Chu Ngọc Anh phát biểu chào mừng.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, chúng ta cùng chứng kiến cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên sự phát triển và những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo để biến thách thức thành thời cơ, chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm và gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ tư.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề xuất Hội nghị tập trung thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần xây dựng nền kinh tế, xã hội các quốc gia ASEAN ngày càng trở nên thông minh, hiệu quả hơn.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận đầu tiên tại Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo thông tin của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến năm 2035; kịch bản cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của mình, Việt Nam luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng với WEF và các nước ASEAN, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp, các nguồn lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước với mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong toàn ASEAN và trên toàn thế giới.

Từ đó, ông bày tỏ mong muốn của Việt Nam được tăng cường trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF, đặc biệt là cá nhân Giáo sư  Klaus Schwab về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ASEAN, tăng cường năng lực liên kết giữa các nước ASEAN về đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất những thời cơ, ứng phó hiệu quả với những thách thức của cuộc CMCN 4.0.


10g00: Người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF - Klaus Schwab phát biểu khai mạc Diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nhà sáng lập và điều hành WEF Klaus Schwab. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu mở màn sự kiện, Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab cho rằng so với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Ba, Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) toàn diện hơn, với những công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, mạng lưới vạn vật kết nối, robot… “sẽ định hình lại phương cách sản xuất, hình thức tiêu thụ, cách thức chúng ta giao tiếp, thậm chí là cách chúng ta sống…

Là một trong những nhà kinh tế học đi tiên phong, dành nhiều thời gian, tâm huyết, trí tuệ nghiên cứu về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab khẳng định, CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng tới không chỉ cách con người sinh hoạt, như thế nào, mà còn “định nghĩa” lại xem chúng ta là ai”.

Theo ông, kết thúc cuộc CMCN 4.0 này, con người sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa công nghệ số, vật chất và tinh thần. Ông Klaus cho rằng, đặc điểm nổi bật của cuộc CMCN 4.0 này là tốc độ - khi ông còn làm một kỹ sư, ông đã được chứng kiến sự thay đổi ấy: những thứ mà vài năm trước tưởng chừng như bất khả thi, thì chỉ vài năm sau đã trở thành hiện thực. 

Những ai muốn thành công trong tương lai cần tận dụng lợi thế đến từ cuộc CMCN 4.0. Đầu tiên, họ cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của sự chuyển mình này. Yếu tố quan trọng nhất, theo ông Klaus, là xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ càng cho những gì sắp tới. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngay cả khi trọng tâm của CMCN 4.0 là công nghệ, con người vẫn không nên trở nên quá phụ thuộc vào chúng, mà nên nắm bắt, tận dụng những công nghệ này để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch WEF ASEAN Klaus Schwab đánh giá cao việc tổ chức WEF tại Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, một trong quốc gia phát triển nhanh nhất trong khu vực, với nhiều dự án khởi nghiệp năng động, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến tới CMCN 4.0 sắp tới. Ông mong rằng đây sẽ là nơi để lãnh đạo những dự án này có thể trao đổi kinh nghiệm, tìm ra hướng đi trong thời gian tới. Ông cũng nhấn mạnh về vai trò then chốt của giới trẻ như một lực lượng chủ chốt trong thời đại CMCN 4.0 sắp tới. Chủ tịch WEF ASEAN cũng chào đón sự tham dự tích cực hơn của Việt Nam trong quá trình tiến tới CMCN 4.0. 


Nếu Hội nghị WEF ASEAN được đánh giá là cơ hội lớn để các nước ASEAN đánh giá thời cơ, cũng như khắc phục các thách thức trong kỷ nguyên công nghệ số. Diễn đàn mở về Khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 sẽ bàn về cách khởi nghiệp tại ASEAN có thể thúc đẩy các cơ hội mới như thế nào trong CMCN 4.0.

Thông tin về Hội nghị WEF ASEAN 2018 phủ kín các con đường chính dẫn đến Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phiên thảo luận đặc biệt này là sự hợp tác giữa WEF và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhằm tạo nên một diễn đàn mở cho giới trẻ, sinh viên, doanh nhân, chuyên gia trẻ và công chúng một cơ hội để thảo luận về tương lai của chính mình, trong một giai đoạn phát triển chưa từng có của công nghệ trong khu vực ASEAN. Sự kiện cũng nhằm thúc đẩy, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và chia sẻ khởi nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 với mong muốn xây dựng một ASEAN 4.0 cho tất cả mọi người.

Đúng như dự kiến, sự kiện WEF ASEAN 2018 đã thu hút sự quan tâm và tham dự của chính phủ các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ, các chuyên gia tư vấn cùng cộng đồng DN các nước ASEAN và trên thế giới.

Sáng 11/9, tại Hà Nội, Diễn đàn toàn thể về khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN). (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngay trong sự kiện đầu tiên, nhiều tên tuổi trong làng công nghệ và kinh doanh đã góp mặt trong vai trò diễn giả, như: Người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF - Klaus Schwab; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Chu Ngọc Anh; Giám đốc điều hành, Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Công ty Google Ấn Độ - Rajan Anandan; Giáo sư Tài chính (Thực hành) Đại học Quản lý Singapore - Annie Koh; Giám đốc điều hành, Tổng công ty VNG Việt Nam Lê Hồng Minh…

Trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhận định, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Họp báo quốc tế về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị Bùi Thanh Sơn và Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới Justin Wood đồng chủ trì. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mở ra cơ hội và thách thức cho tất cả các doanh nghiệp, ai chuẩn bị sẵn sàng thì người đó sẽ đạt được thành công, nếu chậm chân, chúng ta thậm chí còn có thể bị tụt hậu rất xa, đối với một quốc gia cũng vậy và đối với một doanh nghiệp cũng vậy”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới với hơn 630 triệu người, trong đó trên 40% dân số thường xuyên truy cập Internet. Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây chính là lợi thế để chuyển đổi nhanh sang kinh tế số và 4.0 sẽ là thời đại khai thác tài nguyên trí tuệ, phát huy tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới cho ASEAN.

Quan hệ Việt Nam – WEF phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Từ vai trò cầu nối cho Việt Nam phát triển quan hệ kinh tế với các nước phát triển trong điều kiện Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Sau gần 30 năm, WEF đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển.

Việt Nam và WEF đã mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kinh tế và xã hội số hóa, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, nông nghiệp và an ninh lương thực…luôn tham gia có hiệu quả các sáng kiến của WEF như ”Tầm nhìn mới cho nông nghiệp”; “Tăng trưởng châu Á”, “Liên minh hành động vì tăng trưởng xanh”, “Định hình hệ thống sản xuất toàn cầu”.

Các doanh nghiệp Việt nam đã từng bước tham gia vào các hoạt động của WEF. Hiện có 10 tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam trở thành thành viên của WEF. Thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được các mạng lưới hợp tác, trao đổi kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp, đóng góp vào hệ giá trị kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, WEF mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam – quốc gia đóng vai trò tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế của ASEAN, là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và luôn chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng, đi đầu trong việc xây dựng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.