📞

(Trực tuyến) Hội nghị Ngoại vụ 19: Phiên thảo luận về Công tác Đối ngoại phục vụ phát triển địa phương

09:52 | 12/08/2018
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 diễn ra ngày 12/8, các đại biểu đã bước vào phiên "Công tác đối ngoại phục vụ phát triển của địa phương".
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (phải) và Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Hoàng Long. (Ảnh: Tuấn Anh)

Mở đầu phần tham luận, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ rằng, cùng với xu hướng toàn cầu hóa và nhu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế chủ động và toàn diện, công tác đối ngoại, trong đó có công tác đối ngoại kinh tế luôn được đẩy mạnh, giúp Hà Nội phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Trong thời gian vừa qua, công tác đối ngoại kinh tế của Hà Nội không ngừng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động gặp gỡ, xúc tiến giữa lãnh đạo cấp cao của thành phố với các tập đoàn đa quốc gia, các công ty lớn trên thế giới, các chương trình hội nghị, hội thảo quốc tế và xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tại Hà Nội cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tăng cường giao lưu với các thành phố, thủ đô của các nước, triển khai các hiệp định song phương, đa phương về kinh tế,…

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu về Công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kết quả, công tác đối ngoại kinh tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội. Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 7,41%/năm), vị thế kinh tế Thủ đô không ngừng được nâng lên (trung bình chiếm 10% GDP cả nước; thu ngân sách chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách Nhà nước; giá trị kim ngạch xuất khẩu bằng 10% kim ngạch xuất khẩu cả nước); Hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã mở rộng ra 187 khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút đầu tư FDI đạt được bước tiến đáng kể.

Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động đối ngoại kinh tế phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, Thành phố đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng: tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; Ưu tiên trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại…; Hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Chung mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong vai trò cầu nối giữa các địa phương Việt Nam và Thủ đô Hà Nội với các đối tác nước ngoài; Hỗ trợ các địa phương khai phá những thị trường mới thông qua việc phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa; Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế; Tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm đối ngoại nói chung và đối ngoại kinh tế nói riêng.

Ông Nguyễn Đức Chung trao đổi cùng Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tú. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, Thành phố rất quan tâm đến việc tận dụng nguồn ngoại lực về vốn và công nghệ của thế giới. Tại HNNV lần này, ông chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai hợp tác quốc tế, tập trung vào 3 điểm chính: (1) tiêu chí xác định đối tác thiết lập quan hệ hợp tác; (2) vai trò của công tác đối ngoại trong phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác quốc tế cấp địa phương; (3) các đề xuất thúc đẩy các hoạt động hợp tác cấp địa phương trong thời gian tới.

Ông Liêm cho biết đến nay, Tp. HCM đã thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác với 50 địa phương nước ngoài trên cả 5 châu lục. Để quá trình hợp tác quốc tế cấp địa phương này phát huy tối đa hiệu quả, Thành phố luôn xác định rõ ràng các mục tiêu khi thiết lập quan hệ.

Ông Lê Thanh Liêm phát biểu về đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tp.HCM. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định các thành tựu này là đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của Thành phố. Bên cạnh đó, một số quan hệ hợp tác hữu nghị vẫn mang tính hình thức và chưa đi vào thực chất. Để nội dung này đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả, ông Liêm kiến nghị: Thứ nhất, cần có một kế hoạch hoặc định hướng tổng thể về thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài cho các địa phương. Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối, chủ trì cùng các cơ quan, địa phương xây dựng chiến lược tổng thể và định hướng về thiết lập quan hệ hợp tác giữa địa phương Việt Nam với các đối tác nước ngoài.

Thứ hai, cần thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa đơn vị chức năng của Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với địa phương nhằm cập nhật thường xuyên, hiệu quả thông tin, thay đổi chính sách đầu tư và những ưu tiên, định hướng trong phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài, cũng như các kế hoạch, hoạt động về hợp tác quốc tế của các địa phương với các nước.

Thứ ba, ông Liêm đề xuất với Bộ Ngoại giao cùng các Bộ ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại của tỉnh, thành địa phương trong cả nước ngày càng năng động, chuyên nghiệp, hiểu biết và chuyên sâu nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.


Tại Hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng có bài tham luận về Công tác đối ngoại của thành phố nhằm phát huy thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định Tuần lễ Cấp cao (TLCC) APEC 2017 từ ngày 6-11/11/2017 tại Đà Nẵng đã kết thúc tốt đẹp, đánh dấu thành công rực rỡ của Năm APEC Việt Nam 2017, góp phần nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế và tạo ra những cơ hội mới cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng.

“Ngay sau khi TLCC APEC 2017 kết thúc, vấn đề quan trọng đặt ra với Đà Nẵng là làm sao phát huy thành công, vận dụng kinh nghiệm, tranh thủ các cơ hội từ sự kiện TLCC APEC để tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, tạo động lực cho thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới” – ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, đến nay, Đà Nẵng đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác chính thức với 40 địa phương của 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Trong thời gian tới, thành phố sẽ chú trọng đẩy mạnh thiết lập quan hệ hợp tác với các thành phố lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như các địa phương khác đã đặt vấn đề thiết lập quan hệ với thành phố thông qua giới thiệu của Cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước” – ông Minh khẳng định.

Đại diện UBND TP. Đà Nẵng rất mong muốn thiết lập mạng lưới các địa phương đã tổ chức TLCC APEC, để bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thành công sự kiện TLCC, còn học tập lẫn nhau kinh nghiệm tranh thủ những cơ hội quý báu do TLCC mang lại để tạo bước phát triển đột phá cho thành phố. Tiếp nối những mối quan hệ với các tập đoàn, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tiếp xúc trong TLCC APEC, thông qua đó giới thiệu thêm nhiều nhà đầu tư khác đến với thành phố, đặc biệt trên các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, giáo dục – đào tạo, y tế, khởi nghiệp, tư vấn cho thành phố định vị mình trong chuỗi giá trị cung ứng của khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đi vào hiệu lực.

Ông Hồ Kỳ Minh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

“Thành phố rất mong Bộ Ngoại giao, với mạng lưới các Cơ quan đại diện ở nước ngoài và các bộ phận nghiên cứu kinh tế hỗ trợ cho thành phố trong công tác này” – ông Minh đề nghị.

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, nhằm nhằm phát huy thành công của TLCC, tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng đưa ra 5 kiến nghị với Bộ Ngoại giao.

Một là, giới thiệu các địa phương thuộc các nước phát triển có tiềm năng, định hướng phát triển phù hợp để Đà Nẵng thiết lập quan hệ hợp tác, và giới thiệu để Đà Nẵng tham gia các diễn đàn quốc tế dành cho các địa phương, đặc biệt về xây dựng thành phố thông minh, thành phố môi trường, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển công nghệ cao.

Hai là, hỗ trợ Đà Nẵng giao lưu với các thành phố đã từng tổ chức thành công TLCC APEC nhằm trao đổi kinh nghiệm phát huy cơ hội của TLCC để tạo động lực cho sự phát triển của thành phố. Đà Nẵng cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các thành phố sẽ đăng cai TLCC APEC trong những năm tới.

Ba là, giới thiệu nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đà Nẵng và tham gia vào những dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

Bốn là, tạo điều kiện để thành phố đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, có tầm cỡ và quy mô lớn; Hỗ trợ quảng bá du lịch và môi trường đầu tư tại thành phố Đà Nẵng trên các kênh truyền thông quốc tế, thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Năm là, tiếp tục hỗ trợ thành phố đào tạo nguồn nhân lực thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ, các chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong nước và tại nước ngoài, giới thiệu các chương trình học bổng của các nước để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực công của thành phố.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cùng các đại biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Nguyễn Phương Hồng cho biết vào thời điểm thành lập Tổng Lãnh sự quán năm 2009, tại khu vực Kyushu, về quan hệ hợp tác cấp tỉnh có 2 cặp địa phương đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về quan hệ hợp tác hữu nghị, đó là thành phố Hà Nội với tỉnh Fukuoka (02/2018), thành phố Hải Phòng với thành phố Kitakyushu (4/2009). Đến nay, đã có thêm cặp quan hệ tỉnh Quảng Nam với tỉnh Nagasaki (ký MOU tháng 6/2017). Ngoài ra, hiện có các cặp địa phương đang được kết nối, trước mắt lựa chọn lĩnh vực hợp tác, tiến đến ký MOU nhằm thiết lập quan hệ lâu dài như tỉnh Cà Mau với tỉnh Nagasaki, tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Oita… Bên cạnh đó, một số MOU cũng đã được ký nhằm tăng cường quan hệ hợp tác theo lĩnh vực.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Nguyễn Phương Hồng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trong phạm vi khu vực phụ trách và quy mô hoạt động tại sở tại, bà Hồng đã trao đổi một số kinh nghiệm triển khai công tác kết nối địa phương trong vài năm gần đây như: Đầu tiên, cần phát huy thuận lợi trong đà phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời tranh thủ xu hướng toàn cầu hóa và nhu cầu hội nhập quốc tế của các địa phương sở tại. Ở cấp quan hệ địa phương, việc nắm bắt, tranh thủ cơ hội và thúc đẩy triển khai các hoạt động đúng thời điểm là rất quan trọng.

Thứ hai, cần triển khai công tác kết nối trên quan điểm tạo cơ hội hợp tác lâu dài cho địa phương của Việt Nam cũng như địa phương của Nhật Bản, không chỉ là thu xếp các chuyến thăm, các cuộc chào xã giao. Các công tác trao đổi thông tin, tìm lĩnh vực có tiềm năng hợp tác cho cả hai bên, nếu được thực hiện theo đúng quan điểm này, sẽ có nội dung thực chất, đem lại hiệu quả.

Thứ ba, cần chủ động, sáng tạo thực hiện thật tốt các biện pháp cơ bản trong công tác đối ngoại, kết nối địa phương như: Thường xuyên tăng cường và củng cố quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan đại diện với chính quyền, các cơ quan, tổ chức kinh tế, xã hội, các viện nghiên cứu… tại sở tại; Xây dựng tài liệu thông tin cơ bản về khu vực cũng như về từng địa phương thuộc khu vực Cơ quan phụ trách và thường xuyên bổ sung, cập nhật; Tận dụng mọi cơ hội để quảng bá về Việt Nam qua các cuộc hội thảo, buổi nói chuyện, các bài phát biểu, các hoạt động quốc tế tại sở tại… cũng như trong giao tiếp với Lãnh đạo các địa phương, với các giới tại sở tại...

Cuối cùng, ngoài việc thực hiện tốt những biện pháp cơ bản nêu trên, Tổng Lãnh sự quán chủ động tìm và giới thiệu đối tác sau khi nhận “đặt hàng” từ địa phương của Việt Nam. Tổng Lãnh sự quán cũng chủ động thúc đẩy các địa phương bạn sang thăm Việt Nam, đặc biệt là “thăm đáp lễ” địa phương Việt Nam nhằm duy trì hoạt động giao lưu, tạo dịp hai địa phương tiếp tục tìm hiểu thế mạnh của nhau, xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài.