TIN LIÊN QUAN | |
(Trực tuyến của Báo TG&VN): WEF ASEAN 2018 - Diễn đàn mở về Khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại CMCN 4.0 | |
(Trực tuyến Tọa đàm của Báo TG&VN): Start up 4.0 - Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo |
17h00, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 với chủ đề “Việt nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối và Sáng tạo” kết thúc, với những chia sẻ từ Tổng Giám đốc Citi Bank Vietnam Natasha Ansell và Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo về kinh nghiệm kinh doanh thành công tại Việt Nam. Đây là những bài học kinh nghiệm đáng được tham khảo khi kinh doanh tại Việt Nam và kết nối với thị trường thế giới.
VBS 2018 khép lại với tinh thần kinh doanh mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sự quyết tâm đổi mới của Chính phủ, cho thấy, "Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém quốc gia nào trên thế giới”, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
15h15: Phiên thảo luận Việt Nam – Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh
Phiên thảo luận có sự tham gia của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Đại học Fullbright Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Citi Bank Vietnam Natasha Ansell, Tổng Giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
15h00: Đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch WEF Borge Brende với cộng đồng doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Deloitte Việt Nam về lý do WEF lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công tư (PPP) và là địa điểm tổ chức WEF – ASEAN lần này, Chủ tịch WEF Borge Brende cho hay, câu trả lời một phần đến từ sự phát triển kinh tế thần kỳ của Việt Nam trong thập kỷ vừa qua, khi Việt Nam trở thành một quốc gia đứng đầu về xuất khẩu và có những bước đi quan trọng chuẩn bị cho tương lai.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch WEF Borge Brende và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đối thoại với doanh nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Thế giới đang thay đổi từng ngày với nhiều công nghệ, phương tiện sản xuất mới mà 20 năm trước đây, con người khó có thể tưởng tượng được. 7/10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay chỉ vừa mới hình thành và phát triển trong quãng thời gian này. Điều này cho thấy chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai. Việt Nam đã thể hiện tinh thần này khi tổ chức rất thành công WEF – ASEAN 2018 trong ba ngày qua, cũng như mở rộng hợp tác với WEF – ASEAN thời gian tới”, ông Borge Brende nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) đã đăt câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về triển vọng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và kế hoạch phê chuẩn CPTPP của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Hiệp định CPTPP là một Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và tiến bộ. Tại Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017, cùng với các nước khác, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đàm phán Hiệp định CPTPP và ngày 8/3 vừa qua, Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết tại Chile.
“Hiệp định CPTPP một khi được đi vào triển khai sẽ giúp cho sự phát triển của các quốc gia trong khu vực. Đăc biệt đối với Việt Nam, Hiệp định CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tiếp cận được nhiều thị trường mới, gia tăng cơ hội xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào tháng 10 này, Chính phủ Việt Nam sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP”, Thủ tướng thông tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những thách thức lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt từ cuộc CMCN 4.0. Thứ nhất, thể chế pháp luật của Việt Nam phải sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời đại mới. Thứ hai, Việt Nam cần hoạch định hướng phát triển của các doanh nghiệp thời gian tới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế. Thứ ba, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều phải chú trọng cải thiện chất lượng lao động, điều đặc biệt quan trọng trong CMCN 4.0.
Thủ tướng tin tưởng, trên tinh thần này, với niềm tin sâu sắc, ý chí và bản lĩnh Việt Nam, cùng sự hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, Hiệp định CPTPP sẽ được thực thi thành công tại Việt Nam.
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và mong muốn Chủ tịch WEF Borge Brende có thể chia sẻ một số lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như những hỗ trợ của WEF cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch WEF Borge Brende cho biết, Việt Nam và WEF đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của quốc gia, cho thấy cam kết của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi. Thứ hai, WEF ASEAN lần này có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp – cho thấy Việt Nam là thị trường thuận lợi đối với các nhà đầu tư kinh doanh. Thứ ba, WEF và Việt Nam đã trở thành đối tác trong quá trình chuyển đổi trong CMCN 4.0. WEF cũng hiểu rõ những cam kết của các SMEs từ Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp đã xây dựng quy trình sản xuất và phát triển nhiều sản phẩm đa dạng, dựa trên công nghệ hiện tại.
“Các SME cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa để có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn. Đã đến lúc xây dựng một trung tâm về CMCN 4.0 tại Việt Nam. Trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, mạng lưới vạn vật kết nối, in 3D… sẽ là tương lai của chúng ta, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, tạo ra sản phẩm mới, quy trình sản xuất mới. Hy vọng điều này sẽ trở thành động lực thành công của Việt Nam trong tương lai”, ông Brende nói.
Bên cạnh đó, ông Borge Brende cũng cho rằng, tinh thần kinh doanh là yếu tố hết sức quan trọng. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, được giáo dục bài bản, đây sẽ là lực lượng quan trọng sẽ nắm bắt tốt cơ hội xây dựng các SME, biến chúng thành những tập đoàn khổng lồ như Apple, Amazon, Google… Tuy nhiên, theo ông Borge Brende, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp Nhà nước song chưa có một thị trường tài chính lớn như ở Mỹ. Việc kiến thiết và xây dựng thị trường này sẽ đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.
“Với tư cách đối tác, WEF rất mong muốn Việt Nam sẽ trở thành một thành viên tích cực của WEF, tạo nên một hệ sinh thái thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương mại quốc tế”, ông Borge Brende đề xuất.
Trả lời câu hỏi về chiến lược và kế hoạch hành động Chính phủ điện tử từ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều quan tâm và chỉ đạo vấn đề này trong thời gian qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ đứng 88/193 trong thứ hạng các nước áp dụng mô hình Chính phủ điện tử và thứ 6 trong ASEAN.
Theo Thủ tướng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do đích thân Thủ tướng và Phó Thủ tướng làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Đây cũng là động thái rất quan trọng nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh hơn nữa.
Để thúc đẩy Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng, đầu tiên Việt Nam cần hướng tới xây dựng thể chế pháp luật về xác thực từng doanh nghiệp, chia sẻ, bảo vệ dữ liệu, thúc đẩy và hoàn thiện Luật Thương mại Điện tử, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Thứ hai, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dư liệu chung kết nối các lĩnh vực. Thứ ba, Việt Nam cần áp dụng CMCN 4.0 trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phi giấy tờ, tiến hành giao dịch điện tử. Thứ tư, Việt Nam cần nâng cao chất lượng hạ tầng kĩ thuật, cải thiện năng lực của lao động. Thứ năm, Việt Nam cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng Chính phủ điện tử.
Với sự phối hợp của Chính phủ, các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng Chính phủ điện tử tại Việt Nam sẽ sớm thành hiện thực.
14h45: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo với nội dung "Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, Hội nghị WEF về ASEAN có quy mô lớn tầm khu vực vừa kết thúc thành công. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày đã tạo nên hình ảnh đẹp trong cộng đồng kinh tế, cho thấy hợp tác hiệu quả giữa WEF và Việt Nam.
Chào mừng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Hội nghị VBS lần này, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, đây là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế, ASEAN và doanh nghiệp Việt Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm, kết nối sáng tạo để mở ra một cơ hội hợp tác mới trong niềm tin hứng khởi lan tỏa của Cuộc Các mạng Công nghệ 4.0; cơ hội hưởng ứng kết quả của Hội nghị WEF ASEAN và định hình tương lai phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, nguy cơ làm xóa nhòa niềm tin của xu thế tự do thương mại, đe dọa thể chế thương mại đa phương lẫn song phương. Tuy nhiên, với niềm tin, lạc quan về xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn nhất quán đề cao thương mại tự do và nhận thức rõ các cơ hội hợp tác rộng mở. Thương mại tự do, toàn cầu hóa là xu hướng chính và Việt Nam đi theo hướng này.
Việt Nam trong hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới cũng là thời gian Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập. Những thành tựu của Việt Nam không thể không gắn với cải cách theo hướng tự do hóa và mở cửa. Mặc dù có những giai đoạn đầy thách thức, nhưng nhìn chung mở cửa đã mang lại lợi ích thương mại to lớn cho Việt Nam.
Với chủ đề “Việt Nam và chuỗi giá trị toàn cầu”, thay vì kể qua những thành quả đạt được, Thủ tướng bắt đầu với một số thực trạng được đánh giá là chưa đạt kỳ vọng.
Một là Việt Nam đã tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tính theo độ sâu thì còn nhiều việc phải làm. Theo thống kê, mới có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 46% của các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của thế giới chưa tương xứng với tiềm năng và mục tiêu của Việt Nam.
Thứ hai, nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, những thành công của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở những khâu đơn giản như lắp ráp, đóng gói sản phẩm, đây là những mắt xích hạ nguồn của chuỗi cung ứng thường có giá trị gia tăng không cao. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước mới đạt chưa tới 27% tổng giá trị đầu vào, còn lại là mua của doanh nghiệp FDI khác và xuất khẩu.
"Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Trước thực trạng đó, Việt Nam đưa mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Chủ trương liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là chủ trương quan trọng đang được Việt Nam triển khai." Thủ tướng nói.
Thứ ba, về phía doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định phải tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị và độ tinh thông trong hoạt động, theo đuổi các giá trị về tầm nhìn dài hạn. Về phía Chính phủ, Chính phủ cam kết đóng vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành với doanh nghiệp trong toàn bộ tiến trình. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp FDI, cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình, tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là làm bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt không thua kém quốc gia nào trên thế giới”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cho rằng, phát triển doanh nghiệp, giải quyết nhiều việc làm cho người dân, đóng góp vào mục tiêu phát triển đất nước trên tinh thần dân giàu, nước mạnh là niềm tự hào của tất cả chúng ta
Thứ tư, Thủ tướng Chính phủ đề cập tới môi trường chính trị của Việt Nam luôn được đánh giá là ổn định trong khu vực và trên thế giới, điều này còn ý nghĩa hơn trong bối cảnh nền chính trị xã hội ở một số nước thường rơi vào bất ổn, đồng thời các yếu tố về kinh tế của Việt Nam được duy trì ổn định, có tăng trưởng cao liên tục, thương mại tăng trưởng hơn 15%/năm, nợ công, lạm phát được kiểm soát. Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định liên tục trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến động, điều này càng có ý nghĩa.
Với lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong ASEAN, được đào tạo cơ bản, cần cù, kỹ năng tốt, có năng lực tiếp thu và nắm bắt công nghệ nhanh chóng. Việt Nam hiện nay vẫn duy trì lợi thế nhân công giá rẻ trong khi một số nước bắt đầu mất lợi thế này.
Việc Việt Nam chủ động tham gia hội nhập quốc tế, là thành viên của WTO, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các FTA của ASEAN với các đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP đang được phê chuẩn, hiệp định RCEP thúc đẩy ký vào cuối năm nay, được Thủ tướng khẳng định sẽ góp phần phát triển kinh tế Việt Nam một cách nhanh chóng, mở ra cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế, cơ hội được kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.
“Giờ đây, khi đứng ở Việt Nam, các bạn có thể nhìn thấy cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới, đặc biệt với thị trường ASEAN, Việt Nam đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng bậc nhất, đồng thời Việt Nam có vị trí tối ưu cho chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được”, Thủ tướng khẳng định.
Thứ 5, trên nền tảng kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Khả năng đa dạng hóa cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí tốp đầu tiên trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, hạt điều, cá ba sa, tôm... Với một "mỏ vàng" nông nghiệp chưa được khai thác hết, đây là tiềm năng thu hút đầu tư của Việt Nam.
“Chúng tôi hiểu rằng, khi mình tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên, do vậy, với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, phải sáng tạo, đổi mới. Doanh nghiệp hãy đóng góp mạnh mẽ vào phát triển đất nước cường thịnh, thắng lợi của các bạn chính là thắng lợi của Chính phủ”, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi.
14h35: Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende phát biểu chào mừng "Vai trò mới của Việt Nam trong ASEAN".
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Việt Nam 2018, Chủ tịch WEF Borge Brende đánh giá diễn đàn WEF – ASEAN 2018 đã được tổ chức thành công và có tác động sâu rộng với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu tham dự, lãnh đạo cấp cao các nước, giới đầu tư không chỉ của khu vực ASEAN mà còn toàn thế giới.
Chủ tịch WEF đánh giá, trong vòng 8 năm kể từ lần cuối cùng WEF được tổ chức tại đây, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi, với khối lượng xuất khẩu tăng gấp ba và được dự báo sẽ tăng trưởng gần 7% trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán, đầu tư nước ngoài và giao dịch thương mại quốc tế đều có nhiều sự phát triển vượt bậc, lạm phát và tỷ lệ đói nghèo tiếp tục được kiểm soát.
Trong quá trình chuẩn bị cho WEF ASEAN, chúng tôi đã nhận thấy rằng bất chấp những thành tựu đã đạt được, Việt Nam không ngủ quên trên chiến thắng mà vẫn tiếp tục tiến về phía trước, tiến hành nhiều thay đổi cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Thành công của Việt Nam có thể là bài học cho một số quốc gia đang gặp khó khăn trong giải quyết tình trạng chậm phát triển.
Bài học đầu tiên của Việt Nam là việc có những chính sách hợp lý nhằm kiểm soát tình trạng nợ công. Sau một thời gian nợ công tăng cao, Việt Nam đã có nhiều biện pháp mạnh để hạn chế tỷ lệ này ở mức vừa phải, phù hợp với quy mô nền kinh tế, đảm bảo cho tính bền vững về tài chính. Đây là điều không phải quốc gia đang phát triển nào cũng có thể làm được.
Thứ hai, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực cải cách trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo một hệ thống minh bạch hơn, cởi mở hơn trong tương lai. Động thái này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh nhiều hơn - ở thời gian đầu, điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, song về lâu dài nó sẽ hỗ trợ tốt cho phát triển và có cơ hội tiếp cận với các thị trường khác.
Thương mại cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có sự phát triển nhanh và mạnh trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những quốc gia ủng hộ tự do thương mại mạnh mẽ nhất trên toàn thế giới, tham gia vào rất nhiều Hiệp định Thương mại Tự do, gần đây nhất là TPP, sau đó là CPTPP, đã được ký kết vào đầu năm nay. Chính phủ Việt Nam hiện cũng có nhiêu bước đi đê cải cách các doanh nghiệp nhà nước, lực lượng đóng góp tới 1/3 nền kinh tế Việt Nam. Trong quá khứ, các doanh nghiệp này đã tỏ ra “chậm chân” hơn so với các doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên giờ đây mọi chuyện đã khác. Chính phủ hiện nay đang tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản trị ở những tập đoàn còn yếu kém.
Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi tốt để đơn giản hóa thủ tục đầu tư vào Việt Nam – báo cáo kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đánh giá môi trường kinh doanh của một quốc gia cho thấy thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, từ vị trí thứ 82 lên vị trí thứ 68.
Tuy nhiên, ông Brende cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần cải tiến. Một trong số đó là tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh – tại Hội nghị thường niên, WEF luôn công bố báo cáo về cạnh tranh, những động lực góp phần tạo nên một nền kinh tế tốt, chất lượng giáo dục, hiệu quả hoạt động của thị trường lao động… Với CMCN 4.0 đang diễn ra, việc tiếp cận được công nghệ và ứng dụng chúng vào trong phát triển kinh tế không phải là điều đơn giản.
Báo cáo của WEF cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến bộ, nhưng khó khăn nhất đối với Việt Nam là đối mặt với những thay đổi đột phá đến từ CMCN 4.0 như mạng lưới vạn vật kết nối, đồng tiền ảo… đang ngày ngày chuyển hóa thế giới. Đây là những yếu tố lớn và quốc gia nào tận dụng được chúng sẽ thành công trong tương lai. CMCN 4.0 sẽ thay đổi cách chúng ta kinh doanh, hoạt động và sinh sống.
Cuốn sách “Sự kết thúc của lịch sử” của tác giả Francis Fukuyama từng nói rằng bất kỳ một mô hình kinh tế nào cũng đều có kết quả phát triển khác nhau. Chủ tịch WEF Borge Brende cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng, gặt hái được nhiều thành tựu trên con đường của mình. Tuy nhiên, để tiếp tục tiến về phía trước, vượt qua những khó khăn đến từ CMCN 4.0, các nước, trong đó có Việt Nam, cần tiến tới làm chủ công nghệ, có những chính sách, quy định cụ thể phù hợp với tình hình nhằm tận dụng cơ hội đến từ CMCN 4.0 này.
14h30: Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc VBS 2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, với một chương trình nghị sự dày đặc của Hội nghị WEF, chúng ta dường như đã đi vòng quanh thế giới để thảo luận về những vấn đề hệ trọng nhất của nền kinh tế đương đại: Từ những vấn đề thị trường, các dòng chảy thương mại-đầu tư, đến những xu hướng mới về công nghệ và quản trị, vấn đề phát triển bền vững và bao trùm, vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề việc làm, vấn đề bình đẳng giới và an ninh mạng… Tinh thần doanh nghiệp và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các thảo luận của chúng ta. Và chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng: Đó cũng chính là những động lực mới trong sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, hai năm gần đây, Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia có nhiều cuộc thảo luận nhất về Cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng được kỳ vọng là quốc gia có thể hiện thực hóa để bứt phá theo trào lưu của cuộc Cách mạng này.
Báo cáo của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu vừa công bố vào năm nay cho thấy, chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 6 trong số 54 nền kinh tế tham gia khảo sát. Kết quả nghiên cứu của AlphaBeta cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 2 về môi trường đầu tư công nghệ và thứ 3 về nhân tài số trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương… Đó là những lợi thế mới của Việt Nam trong nền kinh tế số, bên cạnh những lợi thế truyền thống: vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, sự ổn định về chính trị-xã hội, quy mô thị trường lớn được gắn kết nối với các hiệp định thương mại tự do, lực lượng lao động trẻ, dồi dào và chi phí thấp,… Những nỗ lực cải cách thể chế, chủ trương xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, cũng đang trở thành một động lực mới của nền kinh tế Việt Nam.
Chủ tịch VCCI cũng thông báo rằng, đầu tuần này, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ Điện tử do đích thân Thủ tướng làm Chủ tịch. Quyết định này lan tỏa một thông điệp mạnh mẽ: Chính phủ sẽ đi đầu trong nền kinh tế số - hướng tới một nền hành chính minh bạch và hiệu quả - yêu cầu quan trọng bậc nhất của một nền kinh tế thị trường hiện đại.
Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam hôm nay mang tên gọi: Việt Nam, We mean Business (Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy). Đó cũng chính là cam kết của chúng tôi với toàn thế giới.” Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tại Hội nghị này, ngoài những định hướng về tầm nhìn, chương trình cải cách và triển vọng phát triển của Việt Nam gắn kết với các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được chia sẻ trong các bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các vị Bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh doanh hàng đầu sẽ giới thiệu cụ thể các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong kỷ nguyên số, đặc biệt là các dự án đổi mới sáng tạo, các cơ hội đầu tư tài chính trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có các dự án phát triển cơ sở hạ tầng số trong nền kinh tế, để góp phần thực hiện ý tưởng về kết nối số với ASEAN và thế giới.
Đây là những lĩnh vực được dự báo là sẽ có sự phát triển bùng nổ trong một nền kinh tế có tốc độ phát triển cao và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam. Các cơ hội này càng lớn hơn, trong bối cảnh xung đột thương mại trong nền kinh tế toàn cầu có diễn biến phức tạp và chính sách hướng Nam mới ở các nền kinh tế Đông Bắc Á đang được gia tốc, và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một điểm đến thân thiện, an toàn.
Kết thúc diễn văn khai mạc, người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầy hào hứng, “với niềm tin như vậy, tôi hy vọng các doanh nghiệp quốc tế hãy đến Việt Nam, hãy “nắm chặt tay” các doanh nghiệp Việt Nam để cùng xây dựng nên các chuỗi giá trị có trách nhiệm toàn cầu”
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, VBS 2018 là Hội nghị về kinh doanh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại các nền kinh tế.
Với khoảng 1.200 doanh nghiệp tham gia sự kiện, VBS 2018 kỳ vọng sẽ mang đến thông điệp - Việt Nam là đối tác nghiêm túc, tin cậy, tiềm năng và sẽ tập trung vào hai điểm quan trọng là Kết nối và Sáng tạo. Đây là hai động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời là động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên khai mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Theo kế hoạch, sau phiên khai mạc sẽ diễn ra Đối thoại giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch WEF Borge Brende và cộng đồng doanh nghiệp.
Phiên tiếp theo với chủ đề "Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh" sẽ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick, Lãnh đạo cấp cao của nhiều Tập đoàn lớn trong nước và quốc tế... Tại phiên thảo luận này, các đại biểu sẽ cùng trao đổi về các chủ đề quan trọng như nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0; cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; cơ hội đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và phát triển, cơ sở hạ tầng và hợp tác công tư…
Diễn đàn WEF được coi như “phiên chợ ý tưởng”, là nơi hội ngộ của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. VBS 2018 sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, nắm bắt được các xu hướng toàn cầu, mô hình kinh doanh, công nghệ mới...
Báo Thế giới & Việt Nam sẽ trực tuyến sự kiện quan trọng này, mời quý độc giả đón đọc.
Mekong - khu vực trung tâm quan trọng Đó là nhận định của các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực Mekong nói về giả thiết khi Mekong là một nước thì ... |
Thủ tướng Lào chia sẻ về vụ vỡ đập thủy điện hồi tháng 7 Chiều 12/9, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018, chia sẻ về vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy hồi tháng 7 trong phiên ... |