Trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) mới đây đăng bài viết của tác giả Anton Lucanus, làm việc tại trường Đại học Tây Australia về mối quan hệ căng thẳng hơn bao giờ hết giữa Trung Quốc và Australia trong năm 2020.
Việc Trung Quốc ban hành các lệnh cấm nhập khẩu một số mặt hàng từ Australia khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước trở nên hiện hữu, nhất là khi Australia thúc đẩy điều tra về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19).
Từ quyền lực mềm
Nhà văn người Mỹ Robin Hobb từng nói "ngoại giao là chiếc găng tay bằng nhung che đi nắm đấm quyền lực”. Trong 1 thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi khoảng 10 tỷ USD để thúc đẩy “quyền lực mềm” trên khắp thế giới, tập trung vào việc đạt được hợp tác thông qua viện trợ kinh tế.
Trước đây, Trung Quốc tăng cường mở các Viện Khổng tử trong các trường đại học Australia,và hào phóng tài trợ các phương tiện truyền thông Australia để quảng bá hình ảnh tích cực của Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ khi GDP của Trung Quốc vượt Nhật Bản năm 2010 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chính sách đối ngoại của nước này cũng trở nên quyết liệt và giọng điệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn. Cùng với Mỹ, Canada, Anh và nhiều nước khác, Australia cũng là một đối tượng mà Trung Quốc nhắm mũi tên công kích.
Đến các tranh cãi chính sách
Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm qua vì các tranh cãi chính sách và các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Căng thẳng gia tăng khi Thủ tướng Australia Scott Morrison hồi tháng 4/2020 kiên quyết bảo vệ ý định thực hiện lời kêu gọi mà ông cho là “hoàn toàn hợp lý” về một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19 ở Trung Quốc.
Sau tuyên bố này, đại sứ Trung Quốc tại Australia đưa ra những lời đe dọa rằng hành động đó có thể gây chia rẽ giữa hai nước. Lời đe dọa đó là đáng ngại khi Australia là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia kể từ năm 2016, với khoảng 32,6% hàng hóa xuất khẩu của Australia có điểm đến là Trung Quốc. Thịt bò, thịt cừu, len, rượu vang và lúa mạch là 5 sản phẩm của Australia giúp nước này thu được hơn 1 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhà phân tích Tim Hunt từ Ngân hàng Rabobank nói: “Gần 1/3 thu nhập từ xuất khẩu của ngành nông nghiệp Australia đến từ Trung Quốc".
Để trả đũa Australia, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với lúa mạch và thịt bò của Australia. Ngoài ra, sản phẩm rượu vang của Australia cũng bị "tấn công".
Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm qua. (Nguồn: abc.net.au) |
Hiện tại, các nhà xuất khẩu tôm hùm của Australia lo ngại rằng họ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 95% tôm hùm xuất khẩu trị giá 750 triệu USD của Australia.
Gần đây, hàng tấn tôm hùm sống của Australia đã bị mắc kẹt tại một sân bay Trung Quốc do các vấn đề về thủ tục hải quan, vấn đề là những con tôm hùm này không thể sống quá 48 giờ.
Ngoài ra, có những dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ cấm thêm một lượng hàng hóa xuất khẩu của Australia trị giá 6 tỷ USD, trong đó có gỗ và lúa mì, có thể là cả các mặt hàng đồng và đường. Một cơ quan tình báo hàng hải có uy tín cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ chặn xuất khẩu than, quặng đồng, lúa mạch, gỗ và đường của Australia, ngay cả khi các nhà nhập khẩu đã thanh toán tiền và hàng đã được đưa đến các cảng của Trung Quốc.
Theo các cơ quan báo cáo giá hàng hóa, gần đây Bắc Kinh đã đưa ra chỉ thị “bằng miệng” cho một số nhà máy thép, công ty điện lực và thương nhân than ngừng nhập khẩu than của Australia.
Ngay sau đó, một số khách hàng Trung Quốc của công ty khai thác mỏ khổng lồ BHP của Australia đã hoãn các đơn đặt hàng. Trung Quốc nhập khẩu 55% trong số 170 triệu tấn than xuất khẩu hàng năm của Australia, với giá trị thương mại là 23 tỷ USD.
Richard McGregor, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lowy (Australia), cho biết “Trung Quốc dường như quyết tâm trừng phạt Australia và lấy nước này làm gương cho các nước khác. Trung Quốc đã cảnh báo hồi đầu năm nay rằng nhiều hàng hóa mà Australia xuất khẩu sang Trung Quốc hoàn toàn có thể được thay thế và bây giờ là lúc Trung Quốc sẽ thực hiện thay thế”.
Bên cạnh những tổn thất thương mại ngày càng gia tăng này, Australia phải đối mặt với khoản lỗ thêm 28 tỷ USD đối với xuất khẩu dịch vụ. Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu công dân Trung Quốc tuân theo các cảnh báo từ chính phủ nước này về việc không đi du lịch đến Australia, qua đó sẽ cản trở sự phục hồi sau đại dịch của Australia trong lĩnh vực du lịch và giáo dục quốc tế.
Đó rõ ràng là tin không mấy khả quan đối với Australia khi nước này đang phải vật lộn để thoát khỏi cuộc suy thoái lần đầu tiên sau 30 năm. Một cuộc khảo sát của Viện Lowy cho thấy 41% người dân Australia coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh, chứ không phải là một đối tác kinh tế.
Cuộc chiến tự cường
Chuyên gia nghiên cứu Michael Shoebridge của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) tin rằng các ngành công nghiệp nước này vẫn có khả năng cạnh tranh quốc tế nếu không có Trung Quốc.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Kinh tế He-Ling Shi thuộc trường Đại học Monash nhận xét rằng mặc dù một số hàng hóa có thể được bán ở các thị trường khác, song các lĩnh vực như giáo dục quốc tế của Australia sẽ gặp khó khăn hơn khi lượng sinh viên Trung Quốc tới Australia học tập giảm sút trong thời gian tới.
Chuyên gia phân tích Malcolm Davis từ ASPI cũng cho rằng “Trung Quốc là một bá chủ đang trỗi dậy, đầy quyết đoán, muốn thay đổi trật tự thế giới. Australia nhận ra rằng phải làm gì đó để ngăn chặn điều này xảy ra”.
Trong khi xoay xở chống lại sự độc quyền đang xâm lấn của Trung Quốc, theo tác giả Anton Lucanus, Australia cần phải "sống sót" trong cuộc chiến thương mại hiện tại với một trong những đối tác thương mại lớn nhất của nước này và trở nên tự cường hơn.