Căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức cao, trên nhiều lĩnh vực và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lẽ thường, nhất là với những cái đầu nhiều mưu mẹo của cháu chắt Tôn Tử, Trung Quốc sẽ hòa hoãn với các đối tác khác, nước láng giềng để tập trung đối phó đối tượng chủ yếu.
Nói cho khách quan, Trung Quốc cũng có những hành động, tuyên bố “mềm mỏng” như: cùng ASEAN xây dựng COC, sẵn sàng hỗ trợ Lào trước nguy cơ thiếu tiền, nợ công tăng quá cao, đẩy mạnh “ngoại giao khẩu trang”, “ngoại giao vaccine” thời Covid-19 hay chuyến thuyết khách của Ngoại trưởng Vương Nghị đến 5 nước châu Âu vừa qua…
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại họp báo với người đồng cấp Đức trong chuyến thăm Berlin ngày 1/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Nhưng nhìn tổng thể, “màu nóng” vẫn là gam màu chủ đạo của Trung Quốc. Họ tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông cùng với lực lượng chấp pháp và 16.000 tàu cá (có nhiều tàu quân sự trá hình) tràn ngập Biển Đông, gây sức ép, răn đe, cản trở hoạt động kinh tế biển phù hợp với luật pháp quốc tế trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước khác.
Họ tiếp tục gây căng thẳng trên biển với Nhật Bản, đụng độ biên giới trên bộ với Ấn Độ, căng thẳng ngoại giao với Australia, đe dọa Chủ tịch Thượng viện CH Czech vì chuyến thăm Đài Loan, nêu yêu sách thành phố Vladivostok (vùng Viễn Đông, Nga) là lãnh thổ cũ của Trung Quốc… Nói như giới học giả, đây là chính sách “Ngoại giao lang chiến”.
Bốn nguyên nhân chủ yếu
Thái độ, chính sách của Trung Quốc có thể do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất là sự thúc đẩy không thể cưỡng lại của “Giấc mộng Trung Hoa” mà các lãnh đạo Trung Quốc ôm ấp. Họ cho rằng đây là thời cơ, điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu chấn hưng Trung Quốc, vươn lên số 1 thế giới.
Thứ hai, Trung Quốc đánh giá sức mạnh kinh tế tầm thế giới của họ là không thể đảo ngược; họ là chủ nợ của Mỹ và nhiều nước khác và là nguồn cung cấp hàng hóa, vật liệu sản xuất không thể thay thế cho cả thế giới.
Trung tâm nghiên cứu phát triển (DRC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc dự báo tỉ trọng thương mại Trung Quốc trong GDP thế giới tăng từ 16,2% hiện nay lên 18,1% năm 2025; đến năm 2032 kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế số 1 thế giới.
Về quân sự, Trung Quốc đã sản xuất, trang bị cho quân đội nhiều loại vũ khí hiện đại (máy bay, tên lửa, tàu nổi, tàu ngầm…) và nằm trong top đầu các nước xuất khẩu vũ khí.
Về khoa học công nghệ, Trung Quốc cũng đang nắm giữ nhiều công nghệ hàng đầu, trong đó có công nghệ 5G. Sáng kiến Vành đai Con đường là sự hiện thực hóa sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao, chính trị, an ninh, giúp họ nắm giữ nhiều vị trí chiến lược trên các châu lục và chi phối nhiều quốc gia, trong đó có các nơi vốn là “sân sau” của Mỹ.
Thứ ba, bối cảnh quốc tế có lợi cho Trung Quốc. Thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Các nước, ngay cả nước lớn cũng gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. GDP của Mỹ, Nhật Bản, EU và các nền kinh tế lớn khác giảm sút mạnh.
Cách đây gần 50 năm, Mỹ bắt tay với Trung Quốc để chống Liên Xô, tháo gỡ một phần khó khăn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trung Quốc tranh thủ cơ hội, tận dụng nguồn lực, công nghệ từ Mỹ và phương Tây đã thực hiện thành công “bốn hiện đại hóa”, trở thành một thế lực khó có thể ngăn chặn, “phả hơi nóng” vào gáy Mỹ.
Trong khi Mỹ đang gặp khó khăn, chính quyền Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế, tỏ ra không mặn mà với đồng minh khi thấy không có nhiều lợi ích, bị thất thế trên một số địa bàn chiến lược. Các nước khác, kể các nước lớn loay hoay trong vấn đề đối nội phức tạp, vấn đề lợi ích quốc gia.
Trong bối cảnh đó, chính sách “chia để trị” của Trung Quốc đã phát huy tác dụng. Dư luận quốc tế, thái độ của nhiều chính phủ bị phân li, có phần làm ngơ trước các thách thức, hành động của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng thế giới đang cần họ, đang bận tâm với các vấn đề riêng, sẽ ít để ý đến hành động của họ.
Thứ tư là xuất phát từ những vấn đề bên trong của Trung Quốc. Bên cạnh thành công, Trung Quốc cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp như Đài Loan, Hong Kong, Tây Tạng, Tân Cương, phân hóa giàu nghèo, bất ổn xã hội gia tăng, thiên tai, suy thoái môi trường nghiêm trọng… Hội nghị Bắc Đới Hà vừa qua yên ắng nhưng cũng ẩn chứa những bất thường.
Khi mâu thuẫn bên trong gia tăng, lãnh đạo Trung Quốc thường chuyển hóa, hướng dư luận vào các vấn đề bên ngoài. Hơn thế nữa, với cách tuyên truyền mô tả Trung Quốc bị các nước xâm phạm chủ quyền, lợi ích và Trung Quốc là trung tâm thế giới, đẩy tư tưởng dân tộc cực đoan trong nhân dân lên cao, trở thành “con dao hai lưỡi”. Lãnh đạo Trung Quốc khó có thể nói, làm khác!
Với nhận thức, điều kiện như vậy, Trung Quốc vừa lôi kéo, tranh thủ, vừa sẵn sàng tiến hành các hành động gây căng thẳng, kể cả bằng quân sự với các nước có tranh chấp. Qua đó, Trung Quốc muốn khẳng định sức mạnh của mình, có thể đối phó đồng thời với nhiều thách thức, răn đe các nước có tranh chấp, bị cho là muốn ngả theo Mỹ đối trọng với Trung Quốc.
Không chỉ có màu hồng
Ý đồ, tính toán là vậy, nhưng thực tế với Trung Quốc không chỉ có màu hồng. Chính sách “Ngoại giao lang chiến” và các hành động của Trung Quốc phản tác dụng. Nhiều nước ngày càng nhận ra chính sách chia để trị của Trung Quốc; lo ngại các thách thức an ninh, bẫy nợ, sự chi phối độc lập, chủ quyền từ Sáng kiến Vành đai và Con đường và các dự án hợp tác với Trung Quốc.
Một số nước chuyển từ thận trọng, né tránh sang hành động cụ thể, thậm chí là phản đối công khai. Cuộc chiến “công hàm” liên quan đến vấn đề Biển Đông của một số nước trong và ngoài khu vực vừa qua là một ví dụ.
Một số nước đã hủy bỏ dự án hợp tác kinh tế, Thái Lan trì hoãn dự án mua tàu ngầm của Trung Quốc, Nga sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu mua vũ khí của Ấn Độ; kết quả chuyến thăm 5 nước châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc vừa qua rất hạn chế…
Mỹ đã thể hiện lập trường cụ thể hơn về vấn đề Biển Đông, phản đối hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và có nhiều hành động chưa từng thấy nhằm kiềm chế Trung Quốc trên các lĩnh vực. Trong cuộc cạnh tranh quyền lực, lợi ích giữa hai nước lớn, Mỹ vẫn có ưu thế và còn những con bài khác.
Tuy nhiên, chỉ một mình Mỹ khó có thể ngăn cản Trung Quốc. Các nước cần hợp tác, tạo dư luận, áp lực chung đủ lớn, không nhằm đối đầu, gây xung đột mà buộc Trung Quốc hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung.
Thế giới cần Trung Quốc phát triển, hợp tác và Trung Quốc cũng cần môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Nếu lãnh đạo Trung Quốc nhận thức đầy đủ điều đó thì sẽ có lợi cho chính dân tộc, nhân dân mình và cho an ninh, ổn định, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.
| Tin tức ASEAN buổi sáng 15/9: Philippines số ca tử vong vì Covid-19 cao kỷ lục, ASEAN giữ thăng bằng trong cạnh tranh Mỹ-Trung TGVN. Philippines ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 kỷ lục, ASEAN giữ thăng bằng trong cạnh tranh Mỹ-Trung... là những thông tin chính ... |
| Thượng đỉnh EU-Trung Quốc: Không đạt được thỏa thuận chung, Châu Âu kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông TGVN. Tối 14/9, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự đồng chủ ... |
| Đồn đoán về khả năng thay thế Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và mâu thuẫn quanh bài báo không được đăng TGVN. Những lời khen ngợi của Ngoại trưởng Mike Pompeo dành cho Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad trên Twitter được xem như ... |