📞

Trung Quốc 'đau đầu' vì tín dụng bị 'ế khách'

Phương Nga 13:16 | 02/06/2022
Giới chức Trung Quốc đang đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc làm sao để thuyết phục các công ty và hộ gia đình tăng cường vay tín dụng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và việc ngừng hoạt động liên tục đang làm suy giảm niềm tin tiêu dùng.
Người dân Trung Quốc thờ ơ với các khoản vay thế chấp. (Nguồn: Bloomberg)

Nhu cầu vay nợ giảm

Sau khi tăng trưởng tín dụng trong tháng 4/2022 xuống mức tồi tệ nhất của gần 5 năm, kinh tế Trung Quốc tiếp tục ghi nhận một vài dữ liệu cho thấy sang tháng 5, mọi thứ sẽ không khả quan hơn.

Việc doanh số bán nhà tiếp tục giảm cho thấy tâm lý thờ ơ của người dân đối với các khoản vay thế chấp và nhu cầu tín dụng thấp của các công ty bất động sản.

Các ngân hàng đã phải thử nhiều cách khác nhau để tìm kiếm khách hàng và đáp ứng các quy định về cho vay doanh nghiệp. Tâm lý ngại đi vay bắt nguồn từ sự không chắc chắn liên quan đến các biện pháp hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó là tâm lý lo ngại rằng, liệu các đợt bùng phát trong tương lai có thể dẫn đến nguy cơ phải đóng cửa lặp lại như đã diễn ra ở Thượng Hải trong nhiều tuần hay không?

Các doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất và cắt giảm việc làm, khiến doanh thu sụt giảm và lợi nhuận lao dốc, nhiều công ty phải trì hoãn các kế hoạch mở rộng.

"Nhu cầu tín dụng sụt giảm phản ánh kỳ vọng xấu đi giữa các thực thể thị trường và xu hướng mở rộng kinh doanh chậm lại", chiến lược gia cấp cao của ngân hàng ANZ tại Trung Quốc Xing Zhaopeng cho biết.

Điều này cho thấy triển vọng phục hồi của kinh tế Trung Quốc có thể yếu đi ngay cả trong quý III/2022, vì nhiều hoạt động đầu tư chỉ có thể bắt đầu sau khi các khoản vay được đảm bảo.

Kịch bản này là một thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, những người đang cố gắng thúc đẩy các ngân hàng cho vay nhiều hơn.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC, ngân hàng trung ương) tuần trước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng "dốc toàn lực" vào việc gia tăng hoạt động cho vay. PBoC cũng thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp và kêu gọi ổn định cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Hệ quả là hệ thống tài chính của Trung Quốc giờ đây đang tràn ngập tiền mặt và bất kỳ sự nới lỏng tiền tệ nào từ phía ngân hàng trung ương - chẳng hạn như cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản - cũng có thể trở nên kém hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cho vay ngắn hạn liên ngân hàng giảm là một dấu hiệu cho thấy hoạt động tín dụng doanh nghiệp của các ngân hàng không sôi nổi.

Tuần trước, lãi suất đối với chấp phiếu ngân hàng (bankers' acceptances - giấy cam kết của một ngân hàng để trả một khoản tiền nhất định cho người nắm giữ chấp phiếu vào một ngày nhất định được ghi rõ trên chấp phiếu) đến hạn thanh toán trong một tháng đã giảm xuống còn 0,01% vào đầu tuần trước.

Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch Thương mại Thượng Hải, đây là lần thứ tư kể từ tháng 12/2021, mức lãi suất này tiệm cận 0% vào giai đoạn cuối tháng.

Các công ty Trung Quốc cũng không quan tâm đến việc bán nợ. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tháng 5/2022, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước lần đầu tiên trong bảy tháng thấp hơn đến 102 tỷ Nhân dân tệ so với giá trị trái phiếu đáo hạn lần đầu tiên trong cùng kỳ. Điều này có nghĩa là số nợ được trả nhiều hơn số tiền đã vay.

Nỗ lực từ phía chính phủ

Các nhà chức trách đã thực hiện nhiều bước phối hợp để thúc đẩy hoạt động cho vay trên thị trường bất động sản. PBOC đã cắt giảm lãi suất thế chấp kỷ lục trong tháng này và các ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay trong 5 năm, khiến lãi suất cho vay mua nhà giảm tới 35 điểm cơ bản.

Ngoài ra, giới chức cũng cho biết họ sẽ hỗ trợ nhu cầu nhà ở hợp lý, trong khi nhiều thành phố cũng đang thực hiện điều chỉnh hoạt động cho vay mua nhà bằng cách giảm lãi suất thế chấp, cho phép người dân từ các thành phố khác mua nhà hoặc thực hiện các cách tiếp cận khác.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn thận trọng đối với việc vay nợ. Doanh số bán bất động sản nhà ở tại 50 thành phố trọng điểm do Trung tâm Thông tin Bất động sản Trung Quốc theo dõi chỉ đạt tổng cộng 131,5 tỷ Nhân dân tệ trong hai tuần đầu tháng 5/2022, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước.

Sự sụt giảm này cho thấy số liệu về thế chấp có thể vẫn yếu trong tháng 5, sau khi đã giảm vào tháng 4, với tín dụng hộ gia đình trung và dài hạn giảm.

Các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính CRIC Securities cho biết trong báo cáo tháng 5: “Nhu cầu nhà ở khó có thể tăng ngay lập tức. Người mua không chắc liệu các chủ đầu tư có thể giao dự án đúng tiến độ hay không, liệu giá nhà có giảm hay không và liệu họ có thể tiếp tục trả các khoản thế chấp hay không”.

Theo CRIC Securities, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh đã làm giảm kỳ vọng của người dân về triển vọng thu nhập ổn định.

Điều này khiến PBoC phải kêu gọi các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các khoản cho vay, yêu cầu các tổ chức tài chính lớn "gánh vác trách nhiệm, tận dụng mọi nguồn lực để kết nối hiệu quả nhu cầu tín dụng và tăng cường truyền tải chính sách".

Một chuyên gia đến từ công ty dịch vụ tài chính Everbright Securities cho rằng điều này có thể thúc đẩy các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh lớn và các ngân hàng chính sách - tăng tốc cho vay vào tuần cuối cùng của tháng Năm.

Chuyên gia này nói: “Chúng ta hãy chờ xem số liệu về tín dụng sẽ diễn ra như thế nào trong cả tháng”.

(theo Bloomberg)