Cả Trung Quốc và EU đã mất 7 năm để đàm phán về thoả thuận về đầu tư. (Nguồn: dw) |
Đúng một ngày trước khi để lại năm cũ ở phía sau và bước vào năm mới, EU và Trung Quốc ký kết thoả thuận về đầu tư. Tính đặc biệt của thời điểm ký kết cho thấy cả hai phía đều rất coi trọng việc hoàn tất việc này càng sớm càng tốt.
Chất lượng mới cho quan hệ
Cả hai phía đã mất cả thảy 7 năm để đàm phán về thoả thuận này và dường như trong suốt thời gian 7 năm ấy hai bên chủ ý dềnh dàng với chuyện đàm phán bao nhiêu thì trong những ngày cuối năm 2020 vừa qua lại quyết tâm dồn chân nhanh bước bấy nhiêu.
Nhìn vào danh nghĩa thì thoả thuận này đương nhiên đánh dấu bước chuyển biến mới với chất lượng mới trong mối quan hệ nói chung giữa EU và Trung Quốc.
Không phải thế sao khi mỗi thoả thuận hợp tác mới đều thể hiện mức độ mới trong thể chế hoá quan hệ hợp tác song phương, phương cách ràng buộc lẫn nhau mới vào cam kết chung và nếu không được nhiều thì cũng có thêm chút ít trên phương diện tăng cường sự tin cậy lẫn nhau. Không phải như thế sao khi hợp tác càng được thúc đẩy thì nguy cơ đối đầu càng được giảm thiểu.
Năm 2020 là một năm rất đặc biệt trong mối quan hệ song phương này. Thật nghịch cảnh rõ ràng khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra bùng phát và tác oai tác quái ở Trung Quốc hồi đầu năm nhưng vào thời điểm cuối năm thì EU quá thê thảm bởi dịch bệnh trong khi Trung Quốc về cơ bản đã kiềm chế được dịch bệnh.
Cũng trong năm cũ này, EU nói chung và không ít thành viên EU nói riêng làm găng với Trung Quốc rõ rệt hơn bao giờ hết trong những chuyện liên quan đến chính sách và hành động của Trung Quốc ở Hồng Công và ở Tân Cương, ở khu vực Biển Đông, trong ứng phó dịch bệnh cũng như đối với Đài Loan. Nhưng trước khi năm cũ hết, hai bên lại kịp có thoả thuận để thể hiện quan hệ song phương rất tốt đẹp.
Thực chất của một thỏa thuận
Nhìn vào thực chất của thoả thuận thì lại không thể không thấy có sự khác biệt rất cơ bản và rất rõ giữa cái được và cái chưa được của hai bên. EU đạt được nhượng bộ của Trung Quốc về mở cửa thị trường cho doanh nghiệp của EU và cam kết của Trung Quốc về đảm bảo các tiêu chuẩn lao động chung nhưng Trung Quốc không đáp ứng đòi hỏi của EU về doanh nghiệp của EU được bình đẳng và công bằng tham gia đấu thầu các dự án đầu tư và mua sắm công ở Trung Quốc cũng như về bảo hộ đầu tư ở Trung Quốc.
Thoả thuận này vì thế chỉ là thoả thuận về hợp tác đầu tư mà hợp tác đầu tư cũng chưa phải trong tất cả các ngành mà chỉ ở một số ngành nhất định. Nó hoàn toàn chưa phải là hiệp định bảo hộ đầu tư song phương.
Đương nhiên là EU cũng phải nhượng bộ Trung Quốc. Có thể nói Trung Quốc chỉ được chứ gần như không mất mát đáng kể gì trong khi EU lại mới chỉ được cái không thật sự cơ bản và chắc chắn từ Trung Quốc. Bởi thế, sẽ chẳng sai gì khi EU thất thế so với Trung Quốc trong thoả thuận này.
Nếu không vì hai điều sau đây thì chắc cả Trung Quốc lẫn EU đều không vừa cần vừa vội với việc ký kết thoả thuận nói trên.
Điều thứ nhất là ở Mỹ sắp có sự thay đổi Tổng thống mà người mới là ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ đối xử EU khác và tiếp tục đối xử Trung Quốc như người tiền nhiệm là ông Donald Trump. Trung Quốc cần và phải vội với thoả thuận này với EU vì chỉ như thế mới có thể ngăn cản được khả năng ông Biden liên thủ với EU cùng đối phó Trung Quốc.
Trung Quốc chủ trương hoà với EU để đối phó Mỹ và nếu có thể được thì lôi kéo, tranh thủ EU cùng đối phó Mỹ. EU cần và phải vội với thoả thuận này với Trung Quốc vì chủ ý tạo sự đã rồi trước khi ông Biden chính thức nhậm chức, để duy trì mức độ tự chủ và độc lập riêng trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, tức là để hạn chế nguy cơ bị phía Mỹ dồn ép phải liên quân với Mỹ cùng đối phó Trung Quốc. EU còn có thể dùng thoả thuận trước này với Trung Quốc để tăng thế trong quan hệ tới đây với Mỹ.
Điều thứ hai là thoả thuận này tuy đã được ký kết nhưng rồi đây khi nào mới có hiệu lực và liệu có hiệu lực hay không lại là chuyện khác. Nó để ngỏ khả năng rồi đây hai phía phải đàm phán lại. Tức là cái cần và cái vội nói trên của họ chỉ mang tính sách lược.
Phía Đức muốn có thoả thuận này vì ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Đức được lợi nhiều nhất. Nhưng rất có thể phía Pháp khi đảm trách cương vị chủ tịch luân phiên EU vào nửa đầu năm 2022 mới chịu vận hành quy trình phê chuẩn trong EU để có vai trò.
Sẽ có không thiếu thành viên EU không tán thành sự phân vai này giữa Đức và Pháp, coi đấy là hành động Đức và Pháp dàn xếp chuyện chung của EU với nhau vì lợi ích riêng trên đầu họ. Cả EU và Trung Quốc vì thế đều ý thức được rằng việc ký kết thoả thuận không có nghĩa là thoả thuận sẽ có hiệu lực và sớm có hiệu lực.
Nhưng nếu việc ký kết đưa lại hiệu ứng chính trị và tâm lý mà cả hai bên đều muốn có được thì tội gì hai bên không ký và vì thế mà cả hai đều cùng phải vừa cần vừa vội.