📞

​Trung Quốc: G20 nên chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm

09:50 | 01/12/2018
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/11 đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) duy trì sự cởi mở, hợp tác, đổi mới và tính toàn diện, đồng thời chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm. 

Phát biểu trên được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Buenos Aires, Argentina.

Ông Tập Cận Bình cũng cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về sự gia tăng nhanh chóng các nguy cơ kinh tế toàn cầu, đồng thời cam kết Trung Quốc sẽ kiên quyết đẩy mạnh cải tổ và mở cửa, gia tăng nỗ lực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như hoạt động nhập khẩu.

Cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi tất cả các quốc gia có trách nhiệm, hành động và tăng cường phối hợp trong tiến trình đa phương nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 6 từ phải qua, hàng đầu) và các nhà lãnh đạo khác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, ngày 30/11. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trước đó cùng ngày, quan chức cấp cao của Nga tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G2), bà Svetlana Lukash cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất sử dụng nền tảng G20 để phát triển các cách tiếp cận với việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo bà Lukash, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra đề xuất trên khi phát biểu khai mạc cuộc họp làm việc thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20. Đề xuất này phục vụ cho tình hình hiện tại của kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho hay, các nhà lãnh đạo G20 đã thảo luận chủ đề "Xây dựng sự đồng thuận" tại một cuộc họp kín.

Cùng ngày 30/11, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Oreshkin tuyên bố các nhà lãnh đạo G20 có khả năng sẽ ký một tuyên bố cuối cùng, hay một thông cáo, khi mà Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khai mạc tại Argentina và văn kiện này vẫn cần được hoàn tất.

Ngoài ra, Bộ trưởng Oreshkin cũng cho biết, các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã ký một tuyên bố lên án chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu.

(theo THX)