Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã phản đối kết quả điều tra của EC về các biện pháp chống trợ cấp đối với xe điện của nước này. (Nguồn: Reuters) |
Đây là lần thứ hai Trung Quốc quyết định khởi kiện EU liên quan đến luật áp thuế xe điện.
Trước đó, ngày 30/10, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã phản đối kết quả điều tra của Ủy ban châu Âu (EC) về các biện pháp chống trợ cấp đối với xe điện của nước này.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho rằng, cuộc điều tra tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với quy định, là hành động bảo hộ dưới danh nghĩa “cạnh tranh công bằng”.
Việc khối 27 thành viên áp thuế đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, với mức thuế lên đến 45,3% kéo dài trong vòng 5 năm, chính thức có hiệu lực từ ngày 31/10, trong đó, mức thuế suất cụ thể tùy thuộc vào từng hãng xe.
BYD chịu thuế 17%, Geely là 18,8%, trong khi SAIC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc chịu mức cao nhất là 35,3%. Khi cộng thêm thuế nhập khẩu tiêu chuẩn 10% của EU, các mức thuế này tăng lên lần lượt thành 27%, 28,8% và 45,3%.
Những công ty khác sản xuất xe tại Trung Quốc như Volkswagen và BMW chịu thuế suất 20,7%, còn Tesla là 7,8%.
Tuần trước, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc SAIC cũng đã đệ đơn kiện kết quả điều tra của EU ra Tòa án Công lý châu Âu nhằm "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình".
Theo SAIC, cuộc điều tra không xác đáng khi “bỏ qua” các thông tin và lập luận quan trọng của công ty.
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU hiện đang leo thang, thậm chí đã lan sang các dòng sản phẩm khác như rượu mạnh, sản phẩm từ sữa và hóa chất.