Chuyển về sống tại quê vợ ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) 10 năm trước, công nhân 54 tuổi, Chen Dongtao, đã gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm bạn giao lưu, nhất là khi phần đông các đồng nghiệp đều ở độ tuổi còn trẻ. Rồi đến năm 2017, khi người vợ bắt đầu nghỉ hưu và chuyển đến sống với cậu con trai ở Bắc Kinh vài tháng, Chen phải làm quen với những bữa tốt đơn độc, giải trí bằng game điện thoại hoặc làm bạn với chú chó để chống chọi với nỗi cô đơn, hiu quạnh.
Ông Chen là một trong số lượng người đang ngày càng nhiều lên ở Trung Quốc có hoàn cảnh tương tự. Nhiều năm qua, Trung Quốc đã cạnh tranh - thậm chí trong nhiều trường hợp đã vượt qua Nhật Bản ở một số lĩnh vực như kinh tế, thể thao. Tuy nhiên, hiện tại, quốc gia này đang phải đối diện với một thực tế không mong muốn là sẽ được trao danh hiệu mà Nhật Bản đang nắm giữ lâu nay: “Nền kinh tế cô đơn ở châu Á”.
Karaoke - Giải pháp giúp xoa dịu sự cô đơn ở Trung Quốc |
Theo một nghiên cứu được tiến hành năm 2017 của hai công ty Trung Quốc là Momo và Xiaozhu, 67% trong số 10.000 người được phỏng vấn có độ tuổi dưới 47 tuổi cho biết họ phải xem truyền hình để xoa dịu sự cô đơn, 46% đến quán bar, và cứ 4 trong 10 người lại lựa chọn phòng tập hoặc đến các phòng karaoke để giải trí.
Tái hiện kịch bản Nhật Bản
Khái niệm “Nền kinh tế cô đơn” xuất hiện ở Nhật Bản vào những năm 1980, khi nước này phải đối diện với vấn đề già hoá dân số. Và giờ đây, một số yếu tố được xem là căn nguyên tạo nên một xã hội đang ngày càng có nhiều người bị cô đơn ở Nhật Bản đã xuất hiện ở Trung Quốc vài thập kỷ qua. Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sự di cư của lực lượng trong độ tuổi lao động từ nông thôn ra thành thị khiến cho số lượng người (bao gồm cả người lớn tuổi và thanh niên) phải đối diện với tình trạng cô đơn có xu hương gia tăng. Thậm chí, ngay cả những người tìm kiếm những cơ hội kinh doanh/việc làm mới khi đến những miền đất hứa với mức thu nhập cao hơn nhiều lần cũng không phải là trường hợp ngoại lệ đối với sự cô đơn. Một cuộc khảo sát hồi tháng 5 vừa qua của công ty việc làm Trung Quốc, Zhaopin, cho thấy, 53% số công nhân cổ trắng cảm thấy cô đơn mỗi ngày, nhất là sau giờ làm việc. Trong đó, 40% số người cho rằng, chỉ có cách kiếm nhiều tiền mới giúp họ vượt qua được sự cô đơn.
Ông Si Wenjiao, một giáo viên ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc tâm sự, “những người cô đơn thường cảm thấy xấu hổ khi nói chuyện với gia đình và bạn bè về điều này. Nhiều bạn của tôi sống một mình, đi ăn một mình, thậm chí đến phòng tập hoặc đến rạp hát cũng một mình. Đó là một điều khó nói ở Trung Quốc".
Có địa vị, có tiền bạc, nhưng chưa chắc đã không cô đơn |
Miếng bánh kinh doanh béo bở
Số lượng người đang phải đối diện với tình trạng cô đơn có xu hướng gia tăng ở Trung Quốc vô hình chung lại mở ra những cơ hội kinh doanh béo bở cho các tập đoàn của chính Trung Quốc và nước ngoài. Tính từ năm 2015, hơn 20.000 quầy giải trí/thu âm mini đã xuất hiện tại các siêu thị và trung tâm mua sắm nhằm giúp cho những người cô đơn xả “stress”. Thậm chí, ngày 11/11 hàng năm – Ngày độc thân của giới trẻ Trung Quốc cũng được xem làm một cơ hội béo bở đối với ngành dịch vụ mua sắm giải trí. Tương tự Ngày Black Friday tại Mỹ, doanh thu của Ngày 11/11/2017 tại Trung Quốc đã ghi nhận con số kỷ lục 25 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Bên cạnh đó, cũng giống như ở Nhật Bản, dịch vụ cho thuê “bạn hẹn hò, người thân” cho những buổi tâm sự, ra mắt gia đình, bữa cơm gia đình đang đứng trước những cơ hội làm ăn lớn.
Còn với những công ty nước ngoài như Microsoft, tập đoàn này đã phát triển một chatbot (một chương trình máy tính tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên dưới dạng một giao diện đơn giản, âm thanh hoặc dưới dạng tin nhắn. ) mang tên Xiaoice, có chức năng bắt chước tiếng con người nhằm giúp những người Trung Quốc đang cô đơn cảm thấy bớt hiu quạnh. Để sống động hơn, chatbot này đã được kết nối Internet nhằm tạo các cuộc trò chuyện có độ tương tác thực sự như giữa những người thực. Ra mắt từ năm 2014, Xiaoice hiện có 120 triệu người dùng hàng tháng tại Trung Quốc, có thể tương tác dựa trên 15 nền tảng khác nhau.
Tuổi già vẫn lủi thủi một mình |
Theo các số liệu thống kê, một trong những “người hưởng lợi” từ cuộc khủng hoảng cô đơn này ở Trung Quốc là ngành công nghiệp karaoke của nước này. Công ty khai thác dữ liệu của Trung Quốc, iiMedia Research, ước tính đến hết năm 2018, hoạt động kinh doanh quầy thu âm/giải trí mini ở Trung Quốc sẽ tăng 120% so với năm ngoái lên 1 tỷ USD. Các nhà hàng được thiết kế cho những khách hàng quen độc thân cũng sẽ mọc lên ngày một nhiều hơn và làm ăn phát đạt như “nắng hạn gặp trời mưa”. Khi đó, những người độc thân sẽ có không gian riêng cho mình và không phải quá lo lắng về sự kỳ thị.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ngành công nghệ trực tuyến mới thực sự là “người thụ hưởng” nhiều nhất. Một loạt các sản phẩm sử dụng trí thông minh nhân tạo, hướng đến tương tác bắt chước với con người, đã ra mắt tới người tiêu dùng ở Trung Quốc (thậm chí ở cả Hongkong và Đài Bắc – Trung Hoa là những nơi cũng có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự như ở Trung Quốc đại lục) trong hai năm qua. Tháng 5 vừa qua, chú chó robot mang tên Fuli được hỗ trợ bởi AI đã ra mắt. Hay tháng 12/2016, startup công nghệ Linglong đã nhanh tay ra mắt trợ lý ảo thông minh là một chiếc loa tương tự Amazon Echo hay Google Home. Điểm khác biệt lớn nhất là trợ lý ảo này có thể nói và nhận diện tiếng Trung Quốc, các tính năng cũng được phát triển phù hợp với người sử dụng bản địa hơn. Theo chuyên gia tâm lý tại Đại học Oxfor Amy Orben, "Thực tế ảo đã hướng tới việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, tuy nhiên, họ sẽ thành công về tài chính nếu tạo ra được một công nghệ có khả năng tạo cảm giác gần gũi hơn với con người”.
Từ câu chuyện Nhật Bản, và giờ là câu chuyện Trung Quốc, chưa ai biết liệu sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo nhằm thay thế kết nối vật lý có thể góp phần giải quyết vấn đề cô đơn hoặc chí ít là gợi ý một giải pháp nào không. Tuy nhiên, công nghệ bây giờ đã ăn sâu trong việc hình thành các mối quan hệ của con người và nó trở thành một vấn đề trong mối quan hệ giữa con gà và quả trứng”, Amy cho biết.
Tuy nhiên, hiện tại, điều đó không quá quan trọng đối với các công ty như Alibaba, Microsoft và Ichiran bởi họ đang đối điện với những cơ hội kinh doanh béo bở từ một thị trường được xem là đang và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa là Trung Quốc.