📞

Trung Quốc khởi động chiến lược cải tổ kinh tế

Minh Anh 08:00 | 17/03/2024
Lực lượng sản xuất chất lượng mới sẽ là “chìa khóa vàng” khởi động cỗ máy tăng trưởng cho nền kinh tế thứ hai thế giới?
Đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, Trung Quốc muốn đặt mức sàn cho sự suy giảm kinh tế. (Nguồn: Business Today)

Trong báo cáo công tác chính phủ Trung Quốc tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc mới đây, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là “khoảng 5%”. Ông cho biết, mục tiêu tăng trưởng xem xét toàn diện tình hình trong nước và quốc tế cùng nhiều yếu tố, tiềm năng kinh tế, các điều kiện hỗ trợ, phản ánh yêu cầu chủ động, dám nghĩ dám làm.

Ông tin rằng, mục tiêu 5% vừa cần thiết vừa khả thi, nhưng cũng thừa nhận, việc đạt được các mục tiêu dự kiến trong năm nay không dễ dàng, đòi hỏi những nỗ lực chính sách tập trung và cần có sự hỗ trợ trên “tất cả các mặt trận”.

Tại sao chỉ 5%?

Để đạt mục tiêu này, nền kinh tế thứ hai thế giới tính đưa thâm hụt ngân sách về 3% GDP, giảm so với 3,8% năm ngoái; tạo hơn 12 triệu việc làm mới ở thành thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp quanh 5,5%; tỷ lệ lạm phát khoảng 3%, tăng trưởng thu nhập của người dân đồng bộ với tăng trưởng kinh tế và duy trì cân bằng thanh toán quốc tế cơ bản.

Bắc Kinh muốn phát hành 1.000 tỷ Nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn trong vài năm tới, không được tính vào ngân sách.

GDP của Trung Quốc năm 2023 tăng trưởng 5,2% trên nền thấp sau thời kỳ phong tỏa do đại dịch, bởi vậy, con số 5% của năm nay được dự báo khó đạt vì nền so sánh cao hơn.

Khởi đầu năm 2024, kinh tế Trung Quốc đứng trước dự đoán không khả quan. Mặc dù chính phủ nước này vẫn duy trì thái độ lạc quan, nhưng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ sụt giảm, ước tính từ mức 5,4% năm 2023 xuống chỉ còn 4,6%.

Bên cạnh đó, sau khi giá các loại cổ phiếu rơi xuống mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây, xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc được dự báo tiếp tục diễn ra.

Nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã giảm tốc trong hơn một thập kỷ và sự suy giảm ngày càng sâu hơn trong hai năm qua, đưa mức tăng trưởng trung bình chỉ trên 4% một chút. Vì vậy, việc Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng 5%, được giới phân tích nhận định là tín hiệu rõ ràng cho thấy, họ muốn đặt mức sàn cho sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế - đánh dấu năm thứ hai trong một thập kỷ quyết không hạ mục tiêu tăng trưởng.

Đây cũng là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của “người khổng lồ” châu Á trong nhiều thập kỷ qua (trừ thời kỳ đại dịch Covid-19). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tìm lối thoát cho nền kinh tế thông qua “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.

Triệu tập “lực lượng mới”

Tờ SCMP bình luận, khái niệm “lực lượng sản xuất chất lượng mới” mang lại hy vọng và động lực cho việc đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc.

Điều này cho thấy Bắc Kinh nhận thức được rằng, “lực lượng sản xuất cũ” đã không thể thúc đẩy đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh nợ gia tăng, lợi nhuận đầu tư giảm, mô hình truyền thống thúc đẩy đầu tư dựa vào nợ để tăng trưởng đã đạt đến giới hạn.

Thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khi thực hiện chuyến khảo sát Hắc Long Giang vào tháng 9/2023 - “đẩy nhanh hình thành lực lượng sản xuất chất lượng mới, tăng cường động lực phát triển mới”.

Về sau, khái niệm này được đề cập tại Hội nghị công tác kinh tế Trung ương vào cuối năm 2023, cũng như cuộc họp của Bộ Chính trị cuối tháng Hai vừa qua.

Trong báo cáo của Thủ tướng Lý Cường, mục đầu tiên trong nhiệm vụ công tác của chính phủ năm 2024 được xác định rõ: Đẩy mạnh xây dựng hệ thống sản xuất công nghiệp hiện đại hóa, đẩy nhanh phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới.

Về phương pháp, bên cạnh thúc đẩy chuyển đổi cao cấp hóa, thông minh hóa và xanh hóa các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống, ông Lý Cường đề cập việc tích cực tập trung cho ngành công nghiệp mới nổi và ngành công nghiệp tương lai, cũng như thúc đẩy sâu sắc phát triển đổi mới kinh tế số.

Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc nêu rõ, cần phải củng cố và mở rộng lợi thế dẫn đầu của các ngành công nghiệp cụ thể, như ô tô năng lượng mới kết nối mạng thông minh… đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp như năng lượng hydro tiên tiến, vật liệu mới, thuốc sáng tạo… tích cực tạo ra các động lực tăng trưởng mới như sản xuất sinh học, hàng không vũ trụ thương mại, kinh tế tầm thấp.

Đồng thời, nước này phải mở ra những hướng mới như công nghệ lượng tử, khoa học đời sống… đi sâu nghiên cứu phát triển và ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), triển khai thực hiện chương trình “AI+”, tạo ra quần thể công nghiệp số có sức cạnh tranh quốc tế.

Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn, khi các động lực tăng trưởng truyền thống như bất động sản suy thoái, đồng thời phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng từ bên trong và bên ngoài, như nhu cầu trong nước chưa khởi sắc, lợi thế dân số không còn, giảm phát nghiêm trọng, khủng hoảng nợ địa phương và quan hệ với phương Tây căng thẳng…

Trong bối cảnh đó, thuật ngữ “lực lượng sản xuất chất lượng mới” được truyền thông đón nhận nồng nhiệt, coi là một trong những bước đột phá chiến lược để thúc đẩy nền kinh tế. Bắc Kinh đẩy nhanh lực lượng sản xuất chất lượng mới, muốn tìm ra lối thoát cho nền kinh tế đồng thời để cạnh tranh ngang hàng với các đối thủ phương Tây trên phạm vi toàn cầu; mở rộng lực lượng lao động thu nhập cao, từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Như Bloomberg đánh giá, Trung Quốc đã thành công ở một số phương diện nhất định trong mục tiêu đẩy nhanh phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới”, như ô tô điện, pin mặt trời, mạng truyền thông lượng và đang đuổi sát đối thủ trong ngành chip.

Tuy nhiên, “lực lượng sản xuất chất lượng mới” khó có thể nhanh chóng thay thế “lực lượng sản xuất cũ”, đặc biệt những ngành từng là động lực tăng trưởng chính như bất động sản, dịch vụ… trong khi tốc độ tăng trưởng các ngành công nghệ mới chưa đủ “cất cánh”. Bởi vậy, khi nền kinh tế gặp khó trong mục tiêu nâng cao thu nhập và thúc đẩy tiêu dùng đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với mục tiêu kỳ vọng.

Kỳ vọng vào tương lai, ông Lý Cường cho rằng, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lớn hơn các yếu tố bất lợi. Các ngành nghề mới, mô hình mới, động lực mới đang tăng tốc, xu hướng cơ bản là phục hồi và sự cải thiện lâu dài của nền kinh tế là không thay đổi.

Thực hiện được những cải cách có ý nghĩa, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đảo ngược tình trạng tăng trưởng kinh tế suy giảm kéo dài 10 năm trong năm 2024, hơn nữa bảo đảm đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.