Trung Quốc nên tìm kiếm sự hợp tác chứ không phải đối đầu với Mỹ, một học giả nói. (Nguồn: AFP) |
“Nỗi đau” của căng thẳng thương mại
Dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào thứ Năm (ngày 13/6) cho thấy, leo thang căng thẳng thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng đầu tư từ Mỹ vào trung Quốc.
Cụ thể, đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc tăng 7,5% trong 5 tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức tăng 24,3% trong bốn tháng đầu năm 2019 và cũng thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 16,3% trong năm tháng đầu năm 2018.
Theo các chuyên gia, tuy Bộ Thương mại Trung Quốc không tiết lộ cụ thể tăng trưởng đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong tháng 5, nhưng sự sụt giảm trong năm tháng đầu năm dường như trùng khớp với thời điểm sụp đổ đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Điều này dẫn đến việc Mỹ tăng gấp đôi mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên 25%. Washington cũng đang cân nhắc về mức thuế mới - 25% đối với số hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc vào nước này, được chính phủ Mỹ định giá 300 tỷ USD. Còn Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế cao hơn đối với hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, cuộc chiến thương mại đã dẫn đến hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm tháng đầu năm giảm 29,6% tính theo USD, so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tăng tốc nhẹ lên 54,61 tỷ USD trong năm tháng đầu năm nay, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này lại chậm hơn mức tăng trưởng 3,5% trong giai đoạn bốn tháng đầu năm.
Ngược lại, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đã giảm 1% xuống còn 44,54 tỷ USD trong giai đoạn 5 tháng đầu năm. ODI mới vào Trung Quốc trong các lĩnh vực bất động sản, thể thao và giải trí trong năm nay.
Dữ liệu trên được Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra một ngày sau khi Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, FDI toàn cầu đang suy yếu dần, một phần là do căng thẳng thương mại gia tăng.
Trong Báo cáo Đầu tư Thế giới 2019, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, dòng vốn FDI toàn cầu giảm 13% trong năm ngoái, xuống còn 1,3 nghìn tỷ USD từ 1,5 nghìn tỷ USD của năm trước - mức giảm ba năm liên tiếp.
Trước thềm cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của Nhóm G20 tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tình hình chiến lược đang thay đổi đã gây ra những thiệt hại sâu sắc cho nền kinh tế toàn cầu, khiến thương mại toàn cầu giảm từ 2 - 4%.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng lo lắng, sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Căng thẳng ngày một leo thang giữa hai nước có thể gây ra suy thoái ở Mỹ, suy thoái toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại đã gây căng thẳng lớn cho mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Trong kịch bản xấu nhất là căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài sau Hội nghị thượng đỉnh G20 và sẽ có thêm mức thuế quan mới, Ngân hàng Morgan Stanley có trụ sở tại Mỹ dự báo, Trung Quốc sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tài khóa với giá trị khoảng 0,5% GDP và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
“Tuy nhiên, đó chỉ là một biện pháp để chống chế. Căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang sẽ là một trở ngại khá lớn đối với kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung", chuyên gia kinh tế Joseph Lupton của JPMorgan Chase nhận xét.
Trung Quốc nên thay đổi “cuộc chơi”
Theo Wang Jisi, Trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, chuyên gia và học giả nổi tiếng của Trung Quốc về các vấn đề Mỹ nhận định, nếu muốn chấm dứt căng thẳng thương mại, Trung Quốc nên cởi mở trong các cuộc đàm phán với Mỹ, ngừng đưa ra các biện pháp trừng phạt các công ty Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cần phải tìm cách hợp tác với nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ về các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ.
Chính phủ Mỹ đang ra sức hạn chế Huawei với mục đích kìm hãm Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu của mạng 5G và điện thoại thông minh 5G. Dẫu vậy, Huawei vẫn nên “khăng khăng” hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ để tiếp tục phát triển. Ngoài ra, “gã khổng lồ” công nghệ này cũng không cần phải cấm Apple ở Trung Quốc.
“Bắc Kinh không nên giữ lập trường cứng nhắc chỉ vì Washington đã làm như vậy. Thay vào đó, nước này nên quyết tâm hợp tác với các quốc gia nơi Mỹ đã tìm cách kêu gọi “tẩy chay” Huawei của Trung Quốc”, ông Wang Jisi nói.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang bất chấp những kỳ vọng rằng, các nhà lãnh đạo của họ có thể gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản trong hai tuần nữa.
Học giả Wang Jisi cho rằng, Bắc Kinh không nên bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng hiện tại và tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Washington. Hãy coi những căng thẳng như "một vài mâu thuẫn tạm thời" và tất nhiên, đó là những gồ ghề "không thể tránh khỏi trên con đường đàm phán”. Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ nên thúc đẩy một mối quan hệ dựa trên sự phối hợp và hợp tác.
“Thử thách đối với cả hai quốc gia là làm thế nào để thúc đẩy các yếu tố tích cực trong quan hệ song phương của họ. Từ đó, ngăn họ “lao vào hố đen” của cuộc đối đầu thương mại lâu dài”, ông Wang Jisi nói.