📞

Trung Quốc-Nga: Giới hạn trong 'tình bạn không giới hạn'

Hà Phương 19:57 | 23/03/2022
Trong một bình luận mới đây trên trang East Asia Forum, Anna Kireeva, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) đã đưa ra những đánh giá về 'tình bạn không giới hạn' giữa Nga và Trung Quốc. TG&VN lược dịch bài bình luận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 4/2. (Nguồn: AFP)

Rào cản "vô hình"

Hội nghị thượng đỉnh vào đầu tháng 2 vừa qua giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng gia tăng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây.

Hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc đã không gặp nhau kể từ đầu đại dịch Covid-19. Tại Hội nghị lần này, hai bên đều nêu bật mong muốn chung là tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực địa chính trị và năng lượng. Trung Quốc bày tỏ sự chia sẻ trước những lo ngại an ninh của Nga đối với NATO, tuy vậy, không có sự phát triển căn bản nào về quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề này.

Bắc Kinh lên tiếng tán thành chính sách của Moscow đối với NATO và phương Tây, chủ yếu là do những quan ngại chung về chính sách của Mỹ. Tuyên bố chung giữa Nga-Trung Quốc nhấn mạnh mối quan hệ song phương vượt trên một liên minh và không có giới hạn trong các lĩnh vực hợp tác.

Hai quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ về ngoại giao và chính trị nhằm nâng cao vị thế quốc tế trong bối cảnh khu vực và toàn cầu có nhiều biến động. Hội nghị thượng đỉnh là dấu hiệu cho thấy sự liên kết ngày càng tăng giữa Moscow và Bắc Kinh. Thế nhưng, dường như Hội nghị không mang đến sự thay đổi mạnh mẽ trong bản chất của mối quan hệ.

Chủ đề thảo luận Nga-Trung Quốc không có gì mới mẻ ngoài việc bàn về liên minh quân sự đối lập, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vai trò ngày càng tăng của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Không ngạc nhiên khi Moscow và Bắc Kinh bày tỏ quan ngại trước Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) và coi đây là nhân tố có thể làm trầm trọng thêm an ninh khu vực.

Điều thực sự mới là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với lập trường của Nga trước tham vọng mở rộng của NATO. Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh nhấn mạnh, Trung Quốc tôn trọng và ủng hộ các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh ràng buộc pháp lý lâu dài ở châu Âu.

Mặc dù thông điệp này của lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ mức độ hỗ trợ ngoại giao lớn hơn dành cho Nga, nhưng chưa đủ để quan hệ có thể tiến triển sâu sắc.

Khi Moscow và Bắc Kinh đều cảm thấy áp lực từ phương Tây, họ có xu hướng ủng hộ nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không thể tạo cú hích chuyển đổi trạng thái quan hệ song phương.

Thay vì tham gia vào một liên minh quân sự chính thức, có nhiều khả năng Moscow và Bắc Kinh sẽ nâng cấp hợp tác an ninh và cải thiện khả năng tương tác mà không có bất kỳ khuôn khổ hợp tác ràng buộc nào. Nga không muốn tham gia vào nhiều những toán tính của Trung Quốc ở châu Á và muốn duy trì lập trường trung lập.

Về phần mình, Bắc Kinh không muốn can thiệp sâu vào mâu thuẫn giữa Nga-NATO. Bắc Kinh coi trọng hợp tác kinh tế với châu Âu, Mỹ và không muốn bị cuốn vào cuộc xung đột Ukraine.

Cuộc khủng hoảng quân sự ở Ukraine đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn khi nước này cố gắng tránh làm “phật ý” Nga. Bắc Kinh nêu bật giải pháp hòa bình, kiềm chế chỉ trích Nga, phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây và đổ lỗi cho Mỹ vì đã thất bại để thực hiện các thỏa thuận Minsk.

Trung Quốc thấu hiểu cách hành xử của Nga nhưng không đưa ra những ủng hộ trực tiếp ngoài thiện chí ngoại giao. Tuy vậy, hiện nay vẫn cần phải xem mức độ hỗ trợ kinh tế mà Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho Nga dựa trên sự cân nhắc về tầm quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh với phương Tây và thách thức từ các lệnh trừng phạt, điều mà Bắc Kinh muốn tránh.

Lấp đầy "khoảng trống" kinh tế

Mặt khác, có quan điểm cho rằng, với việc ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc bị Mỹ nhắm đến, Trung Quốc có thể thoải mái hơn khi hợp tác với Nga, bao gồm nhập khẩu nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn và xuất khẩu hàng hóa của mình để lấp đầy thị trường mà châu Âu và Mỹ đang tạo ra khoảng trống.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, hai bên đã đạt được hai thỏa thuận năng lượng. Những thỏa thuận này là kết quả của các cuộc đàm phán lâu dài, phản ánh mối quan hệ đối tác năng lượng ngày càng mở rộng và chính sách của Nga nhằm đa dạng hóa xuất khẩu để đưa châu Á trở thành một trong những khách hàng lớn của mình.

Đổi lại, Trung Quốc, với nhu cầu năng lượng gia tăng sẽ cảm nhận được lợi ích khi đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng.

Xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng với Nga vì xuất khẩu của nước này sang châu Âu bị ràng buộc phải ký hợp đồng sau cuộc xung đột quân sự ở Ukraine.

Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm 2021 lên tới 140 tỷ USD, một kỷ lục mới so với 110 tỷ USD giai đoạn trước đại dịch. Đây cũng là mức tăng 35% so với năm 2020.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực, quan hệ kinh tế Trung Quốc-Nga vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Mặc dù hai thỏa thuận năng lượng sẽ giúp cả hai quốc gia đạt được mục tiêu 200 tỷ USD thương mại vào năm 2024, nhưng vẫn không thể cải thiện tính chất bất cân bằng của quan hệ kinh tế.

Sự gia tăng kim ngạch thương mại vào năm 2021 kéo theo sự gia tăng của giá năng lượng. Bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm giảm “Dollar hóa” thương mại song phương, chỉ khoảng 30% giao dịch thương mại được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia.

Hiện tại, các giao dịch tài chính giữa các ngân hàng Trung Quốc và các ngân hàng Nga không bị trừng phạt đang diễn ra một cách bình thường. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ, châu Âu và khó khăn trong việc chuyển đổi đồng Dollar và đồng Ruble sang đồng Euro đang kích thích các ngân hàng của cả Nga và Trung Quốc sử dụng tiền tệ quốc gia nhiều hơn.

Tái cơ cấu hợp tác kinh tế và bắt đầu các chuỗi giá trị tiên tiến sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng trước các lệnh trừng phạt mới nhất của phương Tây đối với Nga.