TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc muốn lãnh đạo khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương | |
Tổng thống Obama lạc quan về tương lai quan hệ Mỹ - Philippines |
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (17-20/11) ở thủ đô Lima (Peru), mục tiêu hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do giữa 21 nền kinh tế thành viên lại được “hâm nóng”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu ý việc xây dựng FTAAP là lựa chọn chiến lược, liên quan đến sự thịnh vượng trong dài hạn của khu vực.
FTAAP - Hình mẫu về thương mại
Ý tưởng kết nối các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong khuôn khổ một hiệp định thương mại tự do đã được đưa ra ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 1994 ở Bogor (Indonesia) – Mục tiêu Bogor. Theo đó, các thành viên thống nhất mục tiêu tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2010 đối với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Mục tiêu hiện thực hóa FTAAP giữa 21 nền kinh tế thành viên được “hâm nóng” tại APEC Peru 2016. (Nguồn: Bjreview) |
Nhưng đến năm 2006, 21 nền kinh tế thành viên mới nhất trí xem xét triển vọng dài hạn của FTAAP. Và trong năm 2010, các nhà lãnh đạo APEC đã cùng nhau đưa ra “Lộ trình hướng tới FTAAP”, trong đó nêu rõ, các nền kinh tế trong APEC sẽ theo đuổi một FTA toàn diện trong khu vực, thông qua việc phát triển các FTA cấp khu vực và cấp song phương hiện có hoặc đang trong tiến trình đàm phán.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần thứ 22, nhằm cụ thể hóa FTAAP, nước chủ nhà Trung Quốc đã đưa vấn đề này vào trong chương trình nghị sự chính thức. Tại APEC 24 lần này, một số báo cáo về tính khả thi, cũng như phân tích phí tổn và lợi ích của FTAAP được công bố. Theo phân tích, các nền kinh tế cần đạt được thỏa thuận để FTAAP có thể được thực thi trước năm 2025.
Theo quan điểm của Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Peru Eduardo Ferreyros, APEC cần chủ động trước những hoài nghi về toàn cầu hóa, cùng hành động để thiết lập một hình mẫu về thương mại cho thế giới. Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc không quên nhấn mạnh, Bắc Kinh quyết hậu thuẫn để thúc đẩy FTAAP và nỗ lực để sớm hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP (gồm ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, không có Mỹ). Ông Tập cũng kêu gọi các quốc gia thành viên APEC nhanh chóng hiện thực hóa FTAAP và đưa hội nhập kinh tế châu Á – Thái Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn.
Nếu FTAAP được thành lập, đây sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới với sự tham gia của 21 nền kinh tế, chiếm đến 57,1% GDP và 45,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới.
Món quà bất ngờ từ Mỹ
Lâu nay, trong cuộc chiến giành ưu thế tại châu Á – Thái Bình Dương, TPP vốn được Mỹ xem như một đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực. Không chịu yếu thế, Bắc Kinh cũng đang ra sức cổ súy cho những sáng kiến thương mại để củng cố vai trò của mình tại khu vực. FTAAP là một trong số đó.
Tuy nhiên, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP ngay trong ngày đầu làm Tổng thống đồng nghĩa với việc TPP có thể sẽ “chết yểu”, ưu thế đang nghiêng về Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích quốc tế ví von rằng, “món quà bất ngờ và vô giá” từ Mỹ đang tạo cho Bắc Kinh một cơ hội vàng để đi tiếp các quân cờ của mình. Khi rút khỏi TPP, Mỹ sẽ để lại khoảng trống lớn về ảnh hưởng kinh tế và chính trị, thúc đẩy Trung Quốc nhanh chóng lấp đầy bằng kế hoạch của mình. Bắc Kinh không mong chờ nhiều hơn thế.
Trên thực tế, nhiều lãnh đạo APEC vẫn hy vọng thuyết phục vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ về những lợi ích thương mại tự do đem lại. Trong khi đó, Trung Quốc đã khéo léo chớp cơ hội bày tỏ thiện ý thay Mỹ lãnh đạo nhóm ủng hộ thương mại tự do. Trái ngược với những phát biểu theo chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump, ông Tập lại đưa ra cam kết Trung Quốc sẽ mở rộng cánh cửa hơn nữa đón thế giới.
Một số nhà lãnh đạo và chuyên gia cho rằng TPP vẫn có thể tồn tại với “những thay đổi màu mè” để làm hài lòng ông Trump. Nhưng dường như ông Trump đang đẩy các bạn hàng châu Á của Mỹ ra xa. Peru và Chile – 2 thành viên của TPP đã bày tỏ mối quan tâm đối với việc tham gia RCEP. Ngay cả đồng minh truyền thống của Mỹ như Australia cũng phải xem xét lại kế hoạch của họ và đặt cược vào việc xích lại gần Trung Quốc. Theo quan điểm của Canberra, thất bại của TPP cũng có thể bù đắp bằng RCEP…
Như vậy, mối quan ngại sâu sắc về việc Mỹ rút chân khỏi châu Á – Thái Bình Dương đã hiện rõ. Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho mình phương án 2. Tại Tuần lễ Cấp cao APEC Peru, các nhà lãnh đạo APEC đều tỏ rõ cam kết tiếp tục thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia và tiếp tục hướng đến các gói hiệp định thương mại có hoặc không có Mỹ. Còn lãnh đạo Nga và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn không tham gia TPP cũng đã bàn tới việc bắt tay cùng thúc đẩy tiến trình xây dựng FTAAP.
Liên kết kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương ra sao khi TPP bị khai tử Sau những tuyên bố mới đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump, có một thực tế không thể phủ nhận là Hiệp định Đối ... |
Trung Quốc kêu gọi xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương Ngày 19/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi phối hợp các nỗ lực nhằm hướng tới việc xây dựng Khu vực ... |
Peru tổ chức Hội nghị các Bộ trưởng Thương mại APEC Hội nghị nhằm hướng tới thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). |