📞

Trung Quốc sắp 'tung' 1.000 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường, nỗ lực tìm lại 'hào quang' tăng trưởng kinh tế

Linh Chi 10:41 | 26/01/2024
Kỳ vọng về sự hỗ trợ nhiều hơn từ Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế, bất động sản và thị trường chứng khoán đang tăng lên, đặc biệt là sau thông báo mới của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế. (Nguồn: Stockphoto)

Bắc Kinh đã bắt đầu tiến hành các biện pháp kích thích lớn để hỗ trợ nền kinh tế.

Giải cứu ngành bất động sản

Ngày 24/1, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết, bắt đầu từ ngày 5/2, sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% cho các ngân hàng thương mại từ ngày 5/2. Đây là lần giảm đầu tiên trong năm nay.

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cơ bản sẽ giải phóng 1.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 139,8 tỷ USD) vào thị trường.

Tao Wang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Đầu tư UBS nhận định: “Các thông báo mới nhất của PBOC có thể được hiểu là sự khởi đầu của việc xoay trục chính sách. Ngân hàng này sẽ tiếp tục tìm kiếm các dấu hiệu và hành động hỗ trợ chính sách tiếp theo".

PBOC sẽ giảm một số loại lãi suất cho vay khác với khu vực nông thôn và doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu từ ngày 25/1.

Ông Pan Gongsheng cho hay, ngân hàng trung ương và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia sẽ sớm công bố các biện pháp khuyến khích các ngân hàng cho các doanh nghiệp bất động sản vay thêm.

Nhà kinh tế Tao Wang nhận định: “Đây là một bước quan trọng của các cơ quan quản lý nhằm tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản. Để nguồn tài chính của doanh nghiệp được cải thiện một cách cơ bản và bền vững, doanh số bán bất động sản cần ngừng giảm và bắt đầu phục hồi, điều này có thể đòi hỏi nhiều nỗ lực chính sách hơn để ổn định thị trường".

Những rắc rối về bất động sản chỉ là một trong nhiều yếu tố đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư Trung Quốc. Ngành bất động sản khổng lồ đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng, đồng thời cùng với sự sụt giảm trong xuất khẩu và tiêu dùng mờ nhạt đã khiến nền kinh tế không thể phục hồi sau đại dịch nhanh chóng như mong đợi.

Vực dậy thị trường chứng khoán

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 5,2% vào năm 2023. Dù đạt mục tiêu đề ra nhưng lại là sự suy giảm rõ rệt so với mức tăng trưởng hai con số trong nhiều thập niên qua.

Theo một thông báo chính thức, đầu tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ hơn nhiều để thúc đẩy sự ổn định và niềm tin của thị trường.

Hãng tin Bloomberg trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này đưa tin, chính quyền Trung Quốc cân nhắc gói hỗ trợ để ổn định thị trường chứng khoán đang trên đà sụt giảm mạnh.

Nguồn tin cho hay, các nhà hoạch định chính sách dự kiến huy động khoảng 2.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 278 tỷ USD) chủ yếu từ tài khoản ngoài Trung Quốc đại lục của các doanh nghiệp quốc doanh. Số tiền này sẽ là một phần của quỹ bình ổn để mua vào cổ phiếu tại đại lục thông qua kết nối giao dịch với thị trường Hong Kong (Trung Quốc).

Tuy nhiên, không ai dám chắc các biện pháp mà Trung Quốc đang cân nhắc có đủ để chấm dứt tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán hay không.

Winnie Wu, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Trung Quốc của Bank of America cho rằng, những nỗ lực của chính phủ nhằm ổn định thị trường chứng khoán, tạo nền tảng để ngăn chặn thị trường đầu hàng và giảm sâu hơn.

Tuy nhiên, bà Winnie Wu chỉ ra rằng, cần có sự thay đổi cơ bản trong nền kinh tế để các nhà đầu tư quay trở lại với chứng khoán Trung Quốc. "Điều này sẽ mất thời gian", bà nhấn mạnh.

Đối với nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Trung Quốc, sự không chắc chắn về tương lai vẫn còn cao. Cuộc khủng hoảng bất động sản, niềm tin tiêu dùng giảm sút, vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh và niềm tin của doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu vẫn là là những nhân tố gây áp lực giảm lên cả nền kinh tế và thị trường tài chính Trung Quốc.

Song song với đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, tập trung vào cạnh tranh công nghệ đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương nêu quan điểm: “Con đường tiến tới bình thường hóa kinh tế nằm ở ví tiền của các hộ gia đình và doanh nghiệp chứ không nằm ở bộ công cụ kích thích của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, Thống đốc PBOC khẳng định: "Hiện tại, chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn còn đủ dư địa. Chúng tôi sẽ tăng cường các điều chỉnh ngược chu kỳ và xuyên chu kỳ, đồng thời tạo ra môi trường tài chính và tiền tệ tốt cho các hoạt động kinh tế".

Trong báo cáo Triển vọng Trung Quốc 2024, Đơn vị tình báo kinh tế (EIU) viết, năm nay, các nhà lãnh đạo tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể đặt mục tiêu tăng trưởng 5% với sự hỗ trợ tài chính lớn hơn. Những hành động mạnh tay, có trọng tâm của chính phủ Trung Quốc sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế? Câu trả lời sẽ đến trong những tháng tới.

(theo CNBC)