Ngày 15/9, Kỹ sư trưởng chương trình hàng không vũ trụ có người lái của Trung Quốc, ông Châu Kiến Bình, cho biết nước này sẽ bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ thường trực có hiệu quả kinh tế và cung cấp nhiều dữ liệu hơn ISS hiện nay.
Phát biểu nhân dịp Trung Quốc đưa trạm không gian Thiên Cung-2 lên vũ trụ, ông Châu Kiến Bình nhấn mạnh, khi nhiệm vụ của Thiên Cung-2 kết thúc, Trung Quốc sẽ bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ thường trực riêng của họ.
Trạm không gian Thiên Cung 2 của Trung Quốc (Nguồn: Xinhua) |
Thiên Cung 2 được phóng lúc 21:00 giờ tối qua (15/9, giờ Hà Nội), từ sa mạc Gobi. Trạm này là mô hình thí nghiệm và trải nghiệm không gian, tiền thân của trạm vũ trụ thường trực dưới sự điều khiển của con người, mà Bắc Kinh hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Thiên Cung 2 có độ dài 15m và có thể có các nhiệm vụ kết hợp khác. Các phi hành gia sẽ lên trạm vào tháng tới và sẽ làm việc tại đây khoảng một tháng.
Ông Châu Kiến Bình cũng cho biết, công việc xây dựng trạm vũ trụ thường trực sẽ bắt đầu sớm nhất vào năm 2017 và Trung Quốc sẽ phóng một khoang chính của trạm vũ trụ này vào khoảng năm 2018.
Trạm vũ trụ thường trực của Trung Quốc sẽ nhỏ hơn trạm ISS. Nó gồm 3 phần, nặng hơn 60 tấn, và có khả năng kết nối tối đa với hai tàu vũ trụ có người lái và 1 tàu chở hàng hóa. Trạm vũ trụ này được thiết kế để phục vụ tối đa 6 phi hành gia.