Từ RCEP đến CPTPP
Tháng 10/2019, ngay năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, cựu lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu thăm Washington để thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi thái độ đối với các hiệp định thương mại tự do và gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cả Trung Quốc và Mỹ đều không góp mặt trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). (Nguồn: AP) |
Ở thời điểm đó, Tổng thống Obama chưa đưa ra sáng kiến nào về mặt thương mại để tránh gây chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Tuy nhiên, vị Tổng thống xứ cờ hoa đã bị ông Lý Quang Diệu thuyết phục rằng, nếu Mỹ không có các sáng kiến về kinh tế mới ở châu Á, Mỹ sẽ “nhượng lại khu vực này cho Trung Quốc”. Trước đó, nhà lãnh đạo Singapore đã cảnh báo về những mục tiêu của Trung Quốc trong việc tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia láng giềng ở khu vực.
Từ một hiệp định giữa nhóm nhỏ các quốc gia ven Thái Bình Dương, TPP đã trở thành trọng tâm của chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama. Trước khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi TPP năm 2017, TPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu. Hiện chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Joe Biden có đưa Mỹ trở lại TPP hay không.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy một hiệp định thương mại khác – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – bao gồm 14 nước châu Á - Thái Bình Dương nhưng không bao gồm Mỹ. Là thành quả của 8 năm đàm phán, RCEP hiện đã trở thành mạng lưới thương mại lớn nhất thế giới.
Các chuyên gia thương mại Trung Quốc nhận định, RCEP sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế trước những khối thương mại khác như Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), qua đó giúp Bắc Kinh giành lợi thế trước Washington trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục khốc liệt.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Bắc Kinh đang cân nhắc tham gia CPTPP, cuộc tranh luận về tương lai của quốc gia đông dân này trong mạng lưới thương mại toàn cầu lại nổ ra.
Viết lại luật lệ thương mại toàn cầu
Những phân tích gần đây của các chuyên gia Trung Quốc cho thấy, sau cuộc chiến thương mại dai dẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như định hướng đối ngoại chưa rõ ràng của Tổng thống đắc cử Joe Biden, Trung Quốc càng cảm nhận được tính cấp thiết của việc tránh bị loại khỏi các mạng lưới thương mại toàn cầu trong tương lai.
Trung Quốc cho rằng, trật tự thương mại toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ và nước này cần nhanh chóng chiếm lợi thế trước Mỹ. Trung Quốc cần mở rộng mạng lưới thương mại để tham gia vào việc xây dựng luật lệ trong tương lai, nếu không muốn nói là dẫn đầu.
“Trong sự xáo trộn trật tự và luật lệ thương mại toàn cầu, mọi quốc gia đang tranh nhau giành vị trí mà họ mong muốn… Một cách tự nhiên, Trung Quốc đang phải đương đầu với các thách thức đó”, chuyên gia Yuan Peng thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho hay.
Tháng trước, Zheng Yongnian - nhà bình luận chính trị từng là cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu rằng, tham gia CPTPP là chìa khóa để Trung Quốc viết lại luật lệ thương mại toàn cầu trong tương lai.
“RCEP và CPTPP là hai lĩnh vực khác nhau: RCEP liên quan đến thuế quan truyền thống, trong khi CPTPP có nội dung về các tiêu chuẩn. Chúng ta cần suy nghĩ về cách Trung Quốc có thể tác động đến việc thiết lập các quy chuẩn thông qua mở cửa thị trường. Điều này rất quan trọng”, ông Zheng nói.
Trong số mới nhất của Tạp chí Cầu thị - cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng ủy Bộ Thương mại Trung Quốc đã thảo luận tầm quan trọng của việc tích cực tham gia viết lại các quy tắc thương mại toàn cầu để tạo ra môi trường hòa bình ổn định, phù hợp với các mục đích chiến lược của Trung Quốc.
“Chúng ta cần tăng cường khả năng thiết lập luật lệ thông qua các kênh đa phương, khu vực và song phương, cũng như tích cực tham gia vào các vòng đàm phán thiết lập luật lệ”, bài báo viết.
Không dễ gia nhập CPTPP
Hiện nay, nhu cầu cấp thiết đối với Trung Quốc nhằm đẩy nhanh quá trình hình thành các mạng lưới thương mại, trong đó châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu là trọng tâm ưu tiên.
Sau RCEP, Trung Quốc đang thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc hình thành một hiệp định tay ba giữa ba nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á. Bắc Kinh cũng kỳ vọng hoàn thành đàm phán hiệp định đầu tư với Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay, cũng như đang đàm phán song phương với 11 quốc gia khác, bao gồm nâng cấp FTA với Singapore và Belarus.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cảnh báo rằng, về việc gia nhập CPTPP, Trung Quốc không dễ theo kịp các tiêu chuẩn cao của hiệp định này, cũng như nhận được đủ sự ủng hộ từ 11 nước thành viên.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) chia sẻ quan điểm này: “Trung Quốc sẽ không gia nhập CPTPP trong tương lai gần. Họ còn cách khá xa so với các tiêu chuẩn cao của hiệp định, cũng như các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Canada và Australia khó có thể đồng ý để Trung Quốc gia nhập với tiêu chuẩn thấp hơn, cũng như gia nhập trước Mỹ hay Hàn Quốc…”.