📞

Trung Quốc: Tìm thấy bình đựng rượu thuốc 2.000 năm tuổi trong ngôi mộ cổ

Quốc Việt 14:45 | 22/09/2020
TGVN. Các nhà nghiên cứu đã xác định được chất lỏng trong bình cổ bằng đồng niên đại khoảng 2.000 năm tuổi trong mộ cổ là rượu thuốc.
3.000 ml chất lỏng trong bình cổ là rượu thuốc, không chứa thành phần độc tố.

Hồi tháng 5 vừa qua, nhóm khảo cổ tại thành phố Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã khai quật trong ngôi mộ cổ và tìm thấy một chiếc bình cổ bằng đồng, niên đại khoảng 2.000 năm ở triều đại Tây Hán (206 TCN - 24 SCN).

Đó là chiếc bình có thiết kế cổ cong hình con thiên nga, bên trong chứa chất lỏng đặc biệt. Điều kỳ lạ ở chỗ, sau hàng nghìn năm chôn vùi như thế, thứ chất lỏng không bị bay hơi hay biến mất. Vào thời điểm đó, nhóm khảo cổ chưa xác định được chiếc bình chứa hơn 3.000 ml chất lỏng là gì.

Theo đánh giá ban đầu, có thể đây là loại rượu quý ban thưởng cho tầng lớp quan lại khi sắc phong. Rượu quý sẽ được chôn cất cùng vị quan, thể hiện nét văn hóa nổi bật của những thế kỷ trước. Sau đó, mẫu vật được gửi tới Bắc Kinh làm xét nghiệm các thành phần, thậm chí còn xác nhận liệu nó có an toàn để uống hay không.

Cũng từ ngôi mộ này, nhóm còn tìm thấy chiếc mũ cổ bằng đồng, một chậu đồng, thanh kiếm bằng sắt và ngọc bích.

Sau thời gian phân tích, mới đây, nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã xác định được thứ chất lỏng lạ trong bình cổ là rượu thuốc. Loại rượu này được cho là tương tự như thứ rượu thuốc được ghi chép trong một cuốn sách y học cổ từng phát hiện trong lăng mộ của nhà Hán ở thành phố Changsha, tỉnh Hồ Nam, thuộc miền Trung Trung Quốc.

Theo Viện di tích văn hóa và khảo cổ Tam Môn Hiệp, loại rượu thuốc này dùng để cầm máu và giảm viêm.

Ông Li Yongtao, một nhà khảo cổ học địa phương cho biết, nhiều cuộc thử nghiệm đang tiến hành nhằm làm sáng tỏ thêm thông tin về thứ rượu này, ví dụ như nó gồm những chất gì và được sản xuất thế nào.

Các chuyên gia cũng cho rằng, loại rượu này có thể bảo quản tốt trong suốt 2.000 năm như thế nhờ thiết kế độc đáo của chiếc bình bằng đồng và vị trí nơi nó được chôn cất.

"Bình nằm sâu dưới lòng đất khoảng 4 m. Đó là vị trí các hoạt động hiện tại của con người hầu như không tác động tới khu vực bên trong ngôi mộ cổ. Quan trọng hơn cả là thiết kế bình cong hình cổ thiên nga giúp ngăn chất lỏng bay hơi, bảo quản rượu tới tận bây giờ", ông Yan Fei, Giám đốc Viện di tích văn hóa Tam Môn Hiệp, nhận định.

Bên cạnh đó, lọ đồng hình thiên nga chứng minh rằng loài chim này đã xuất hiện tại đây từ hàng nghìn năm trước. Nhóm nghiên cứu suy đoán các thợ thủ công có thể đã quan sát những con thiên nga ngoài đời thực để tạo ra chiếc bình có hình dạng như thế.

(theo Dân trí/Tân Hoa xã, CCT)