📞

Trung Quốc trở lại, nhà đầu tư nước ngoài dốc lực rời đi, 'phép màu' đã hết?

Linh Chi 14:53 | 15/06/2023
Sau nhiều năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống đại dịch Covid-19, các nhà kinh tế đang trông chờ sự bùng nổ của Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang gây thất vọng trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Monexsecurities)

Các nhà phân tích đã từng dự đoán rằng, năm 2023 sẽ mang đến cho Trung Quốc một đợt phục hồi huy hoàng trên thị trường chứng khoán.

Dự báo của Bank of America cũng lập luận, trong khi suy thoái sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, thì Trung Quốc sẽ là một "ngoại lệ đáng chú ý". Ngân hàng này kỳ vọng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất trong 17 năm vào năm nay.

"Phép màu" tăng trưởng khép lại?

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc lại gây thất vọng. Sản xuất công nghiệp, thương mại chậm rõ rệt. Nợ ở khắp nơi, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển bất động sản - khu vực chiếm 30% nền kinh tế. Khu vực tư nhân - vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phần lớn sự phục hồi của Trung Quốc - cũng đang run sợ.

Đặc biệt, các cơ chế thúc đẩy "phép màu Trung Quốc" - một quá trình chuyển đổi kéo dài ba thập niên khiến đất nước ghi danh trên thế giới - đã bị phá vỡ.

Đơn cử như vấn đề dân số. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang già đi và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lại cao kỷ lục. Dữ liệu chính thức cho thấy, khoảng 20,4% người từ 16 đến 24 tuổi thất nghiệp trong tháng 4/2023. Đây là mức cao nhất theo dữ liệu chính thức từ năm 2018.

Trong khi đó, bong bóng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã phát nổ. Và vì vai trò trung tâm của bất động sản trong nền kinh tế, quá trình đau đớn này có thể tiếp tục hút tiền từ các hộ gia đình, ngân hàng và mạng lưới chính quyền địa phương.

Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn đang dốc toàn lực từ bỏ đất nước từng hứa hẹn này. Việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân trước đây cũng khiến giới doanh nghiệp không dám chấp nhận rủi ro, trong khi quan hệ với phương Tây xấu đi cũng làm giảm các khoản đầu tư nước ngoài.

Dữ liệu cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm 48% trong năm 2022, chỉ còn 180 tỷ USD. Trong khi đó, FDI tính theo tỷ trọng GDP cũng giảm xuống còn dưới 2%, từ mức cao hơn gấp đôi cách đây 10 năm.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh thu hút vốn đầu tư với các nước láng giềng như Ấn Độ và Việt Nam càng nóng hơn trong bối cảnh các công ty quốc tế tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Goldman Sachs Andrew Tilton cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng: “Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội ở những nơi khác trong khu vực. Tâm lý của nhà đầu tư đối với Trung Quốc đã suy yếu hơn nữa, và theo quan điểm của chúng tôi, nó đang ở mức thấp nhất mà chúng ta chỉ thấy một vài lần trong thập niên qua”.

Linette Lopez, phóng viên cấp cao của Insider cũng nhận thấy, ở thời điểm hiện tại, thương mại rất quan trọng đối với Trung Quốc. Hiện tại là thời điểm lý tưởng để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn từ thế giới.

Nhưng căng thẳng địa chính trị khiến Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc - quyết định "giảm rủi ro" từ đất nước này. Nhiều tập đoàn Mỹ đang tìm cách chuyển các hoạt động sang nơi khác. Theo công ty tư vấn quản lý Kearney, năm ngoái, Trung Quốc chiếm 50,7% hàng nhập khẩu của Mỹ từ châu Á; con số này đã giảm từ hơn 70% vào năm 2013.

Theo ông Leland Miller, người sáng lập China Beige Book, nền kinh tế Trung Quốc có thể đang mở cửa trở lại, nhưng chưa chắc đang hoạt động trở lại.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chấp nhận tăng trưởng chậm hơn. (Nguồn: VCG)

Chọn tăng trưởng thấp để giảm nợ

Cốt lõi của vấn đề của Trung Quốc là nợ. Trong nhiều năm, sự tăng trưởng của đất nước đến từ cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản.

Nhưng tờ Wall Street Journal cho rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã dựa vào vay nợ để rót tiền vào mọi thứ, từ những cây cầu khổng lồ cho tới những căn hộ chung cư mới.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, tính đến tháng 9/2022, tổng dư nợ tín dụng cấp cho khu vực phi tài chính của Trung Quốc là 49,9 nghìn tỷ USD, tăng gấp hơn 3 lần so với cách đó 10 năm.

Bên cạnh đó, tổng nợ ở Trung Quốc so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã lên tới 295% vào tháng 9 năm ngoái, vượt mức 257% ở Mỹ và mức bình quân 258% ở các nước trong khu vực đồng Euro (Eurozone).

Để trả nợ, người tiêu dùng Trung Quốc đang có khuynh hướng tích trữ tiền mặt, trong đó có nhiều người từ chối vay tiền ngân hàng để đầu tư.

Các doanh nghiệp tư nhân hầu như cũng không đầu tư mới, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu. Chính quyền các địa phương cũng đang giảm chi tiêu cho mọi thứ từ đường xá đến tiền lương của công nhân nhằm mục đích giữ các khoản nợ trong tầm kiểm soát.

Ông Nicholas Borst, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại công ty Seafarer Capital Partners nhận định, những doanh nghiệp và chính quyền địa phương trước kia đi vay bây giờ đang tập trung vào việc trả nợ, vì vậy, ít có khả năng bơm tiền vào các dự án mới. Điều này sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, có vẻ như nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chấp nhận tăng trưởng chậm hơn. Trong báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu ngày 5/3, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% năm 2023, một trong những mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Ông Arthur Kroeber, đối tác sáng lập của công ty tư vấn nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho rằng: “Chính sách của Trung Quốc sẽ tiếp tục nghiêng về giảm nợ ở bất cứ nơi nào có thể, ngay cả khi việc này khiến tăng trưởng giảm xuống”.

Ông ước tính, tốc độ tăng trưởng cơ bản của Trung Quốc có thể giảm xuống còn 2-4% trong thập niên tới, từ mức 6,2% trong thập niên vừa qua.

Phóng viên Linette Lopez khẳng định: "Khi các nhà đầu tư chuyển sự chú ý hỏi những cải thiện ngắn hạn về đại dịch, họ sẽ bắt đầu thấy rằng, trong dài hạn, nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn thành quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng mạnh mẽ, nhanh chóng sang tăng trưởng chậm và lâu dài".

(theo Business Insider, Wall Street Journal)