Những ngày qua, xung đột Israel-Palestine tại dải Gaza đã trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế bên cạnh dịch Covid-19.
Sau khi Hamas phóng 2.000 tên lửa sang bên kia biên giới, Israel đã tiến hành không kích nhiều công trình tại thành phố Gaza, trong đó có tòa nhà đặt văn phòng của một số cơ quan truyền thông quốc tế lớn như AP và Al-Jaazera.
Kể từ khi xung đột nổ ra ngày 10/5, ít nhất 149 người Palestine, trong đó có 43 trẻ em, đã thiệt mạng; thương vong của Israel là 10 người. Với việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thề sẽ tiếp tục đáp trả các cuộc tấn công từ Palestine, đây chắc chắn không phải con số cuối cùng.
Một tòa nhà đổ nát tại thành phố Gaza sau đợt không kích của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF). (Nguồn: Reuters) |
Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng. Dù nhiều quốc gia, đặc biệt là khối Arab Hồi giáo, chỉ trích Israel, song Washington vẫn duy trì quan điểm chiến dịch tấn công đáp trả của Nhà nước Do Thái là hành vi tự vệ chính đáng. Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) được kỳ vọng có thể ra nghị quyết hạ nhiệt, tìm kiếm giải pháp cho xung đột Israel-Palestine.
Đây là áp lực lớn với Trung Quốc, Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 5. Phát biểu ngày 3/5, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân khẳng định một trong các ưu tiên của Bắc Kinh là “khôi phục hòa bình và an ninh” châu Phi. Song nhìn vào thực tế, ưu tiên đó trước hết sẽ cần được thực hiện tại Gaza. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để Trung Quốc, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, cải thiện uy tín sau đại dịch Covid-19 và xây dựng hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm.
Một công đôi việc
Đầu tiên, Trung Quốc mong muốn cải thiện hình ảnh quốc tế sau đại dịch Covid-19.
Cuộc điều tra muộn, với kết luận có phần thiếu rõ ràng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa thể thuyết phục các nước phương Tây thôi chỉ trích Trung Quốc là nơi bắt nguồn của đại dịch Covid-19. Cáo buộc này gây tổn hại không nhỏ tới hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh.
Ngoại giao vaccine của Trung Quốc có bước khởi động tốt nhưng dường như đang dần hụt hơi. Theo Liên đoàn Báo chí quốc tế (IFJ), ngoại giao vaccine, kết hợp với với truyền thông hiệu quả đã cải thiện hình ảnh Bắc Kinh: 56% quốc gia khảo sát đánh giá tích cực về Trung Quốc năm 2020.
Tuy nhiên, kết quả này khó kéo dài. Thành công của Bắc Kinh phụ thuộc vào nguồn cung, tốc độ và nhu cầu, song lợi thế ban đầu của Trung Quốc trên các lĩnh vực này đang suy giảm. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người tháng 6/2021. Như vậy, Bắc Kinh cần sản xuất 1,12 tỷ liều vaccine và phân phối 11,5 triệu liều/ngày.
Phát biểu ngày 3/5, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân khẳng định một trong các ưu tiên của Bắc Kinh là “khôi phục hòa bình và an ninh” tại châu Phi. Song nhìn vào thực tế, ưu tiên đó trước hết sẽ cần được thực hiện tại Gaza. |
Dù vậy, công suất sản xuất hiện tại của Sinovac và Sinopharm chỉ là 5 triệu liều vaccine/ngày. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Brazil, tình trạng chuyển giao chậm và sự thiếu hụt vaccine Trung Quốc đã khiến chiến dịch tiêm chủng bị trì hoãn, gây tổn hại uy tín của chính Bắc Kinh.
Thứ hai, Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm. Tại Đối thoại Alaska tháng 3/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc, “hai nước lớn chúng ta” cần gánh vác trách nhiệm đảm bảo hòa bình, an ninh, phát triển của khu vực và thế giới. Đóng vai trò dẫn dắt HĐBA LHQ trên cương vị chủ tịch, tìm kiếm một nghị quyết với nghị trình rõ ràng nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Israel-Palestine sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc thực hiện cam kết đó.
Vừa quen vừa lạ
Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thuận lợi, thách thức nhất định khi thực hiện cam kết này.
Về thuận lợi, là ủy viên thường trực của HĐBA LHQ những ngày đầu, Trung Quốc đã có thời gian theo dõi câu chuyện Israel-Palestine kể từ khi giải pháp hai nước được thông qua năm 1947 tới nay. Trung Quốc cũng duy trì quan hệ tốt với cả Israel, Palestine và thế giới Arab Hồi giáo. Từ đó, Bắc Kinh sẽ có cơ sở nắm bắt nguyên nhân của xung đột, tìm kiếm giải pháp cần thiết.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu Mercator về Trung Quốc học có trụ sở tại Berlin (Đức), thời gian qua, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực trung gian hòa giải tại Afghanistan, Bangladesh, Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda… nhằm thể hiện vai trò nước lớn có trách nhiệm và thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường.
Riêng với Israel-Palestine, nỗ lực trung gian hòa giải đã được Bắc Kinh triển khai từ năm 2002, chủ yếu dựa vào biện pháp hòa giải truyền thống thông qua giao thiệp cấp lãnh đạo, hoạt động ngoại giao ở cơ quan đại diện sở tại, thăm cấp cao và đặc phái viên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu ưu tiên bốn điểm về hạ nhiệt căng thẳng Israel-Palestine ngày 16/5 - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với ba thách thức đáng kể.
Đầu tiên, Trung Quốc, dù có nhiều năm theo dõi và trung gian hòa giải tại Israel-Palestine, chưa phải là nhân tố lớn hay có tiếng nói tại khu vực như Mỹ. Do đó, các tuyên bố hay nỗ lực trung gian hòa giải của Bắc Kinh khó mang lại những thay đổi lớn tới cục diện Trung Đông.
Quan trọng hơn, cách tiếp cận truyền thống của Bắc Kinh chưa thể phát huy tác dụng và căng thẳng tại Israel-Palestine không phải là ngoại lệ. Giao thiệp ở cấp lãnh đạo, hoạt động ở cơ quan đại diện, thăm cấp cao, cử đặc phái viên có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông, song chừng đó là chưa đủ để xây dựng một tiến trình hòa bình bền vững. Thêm vào đó, Bắc Kinh áp dụng một chiến lược hòa giải cho mọi xung đột, dù theo Hướng dẫn của LHQ về Hòa giải hiệu quả, một tiến trình hòa giải tích cực cần phản ánh đặc trưng của xung đột đó.
Cuối cùng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với phản đối quyết liệt từ Mỹ, ủy viên thường trực khác của HĐBA LHQ. Bất chấp điều chỉnh trong quan hệ với Tel Aviv, Washington duy trì sự ủng hộ với đồng minh và nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu chống bất kỳ nghị quyết nào chỉ trích phía Israel.
Giao thiệp ở cấp lãnh đạo, hoạt động ở cơ quan đại diện, thăm cấp cao, cử đặc phái viên có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông, song chừng đó là chưa đủ để xây dựng một tiến trình hòa bình bền vững. |
Trước mắt, Trung Quốc đã đưa ra một số động thái đáng chú ý.
Một mặt, sau khi xung đột Israel-Palestine nổ ra, Bắc Kinh đã lập tức kêu gọi các bên giảm căng thẳng, khẳng định sự ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước năm 1947, đồng thời hối thúc người Palestine và Israel nối lại đàm phán trên cơ sở này.
Mặt khác, Trung Quốc tiến hành triệu tập họp khẩn HĐBA LHQ, đồng thời lên án Mỹ gây cản trở việc đưa ra tuyên bố chung trong các cuộc họp kín giữa các quốc gia thành viên. Phát biểu khi chủ trì phiên họp trực tuyến công khai đầu tiên của HĐBA LHQ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu đề xuất 4 điểm của Bắc Kinh gồm: ngừng bắn và đình chỉ bạo lực là ưu tiên cao; hỗ trợ nhân đạo là yêu cầu cấp thiết; hỗ trợ quốc tế là nghĩa vụ; giải pháp hai nhà nước là nền tảng.
Tình hình vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 5 của Trung Quốc chỉ còn 2 tuần là kết thúc. Vượt qua ngổn ngang thách thức, cắt tiếng rền vang của tên lửa tại Gaza, nối lại quan hệ Israel-Palestine sẽ là bài toán không hề đơn giản đối với Bắc Kinh.