Thành phố Thượng Hải bắt đầu thực hiện sáng kiến chợ đêm trong tháng này để thúc đẩy tiêu dùng. (Ảnh: Naoki Matsuda) |
Ngày 6/9 vừa qua, người người đổ về đường Đông Nam Kinh, khu phố mua sắm nổi tiếng Thượng Hải, nơi tập trung khoảng 20 quầy hàng ven đường bán thực phẩm, hoa và nhiều loại hàng hóa khác.
“Trung Quốc đã chiến thắng đại dịch Covid-19”, một cô gái trẻ phấn khích. “Tôi đã phải ở trong nhà hàng tuần liền, nên tôi thấy những sự kiện thế này rất thú vị”.
Sự kiện Đường Đông Nam Kinh là một trong những khu chợ đêm được chính quyền Thượng Hải cùng các nhà bán lẻ và công ty công nghệ phối hợp tổ chức vào tháng này. Thượng Hải cũng khuyến khích các trung tâm thương mại kéo dài thời gian mở cửa vào cuối tuần.
Cuộc đua phát hành voucher
Được phân phối trên quy mô toàn quốc, voucher đã trở thành công cụ chính giúp kích cầu tiêu dùng. Chính quyền Thượng Hải đã phối hợp với những công ty công nghệ như Alibaba để phát hành số lượng voucher trị giá lên tới 13 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,84 tỷ USD) trong tháng Năm và tháng Sáu. Số voucher này có thể được sử dụng trên các nền tảng mua sắm trực tuyến, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng và nhiều địa điểm khác.
Trong khi đó, Thủ đô Bắc Kinh mới đây cũng quyết định tung ra 12,2 tỷ Nhân dân tệ dưới dạng voucher. Ngoài ra, thành phố “trái tim của Trung Quốc” đã hợp tác với các nhà bán lẻ nhằm cung cấp hàng hóa thiết yếu mỗi ngày cho khoảng 120.000 người.
Theo trang Nikkei Asian Review, nguồn tiền của voucher được chia sẻ giữa ngân sách địa phương và các ông lớn công nghệ. Trong số 2,3 tỷ Nhân dân tệ dưới hình thức voucher được phát hành ở Vũ Hán, các đại gia công nghệ như Alibaba hay Tencent đã đóng góp tới gần 80%. Hai công ty này cũng khuyến khích người dùng mua sắm trên nền tảng của mình.
Bài toán kích cầu bán lẻ
Trả lời báo chí sau phiên họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc hồi tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, trong gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, “70% sẽ được sử dụng để gia tăng thu nhập cho người dân một cách trực tiếp hoặc tương đối trực tiếp nhằm kích cầu tiêu dùng và tiếp thêm sinh lực cho thị trường”. Theo đó, chính quyền địa phương được quán triệt chính sách này và bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân.
Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong, vốn được ban hành từ những năm 2000, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện cảnh quan đô thị. Tại Quảng Châu, người bán hàng rong có thể thuê các khu đất trống trong trung tâm thương mại hay bãi đỗ xe để buôn bán.
Nền kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên suy thoái sau nhiều năm khi tăng trưởng âm 6,8% trong quý I năm 2020. Ngành bán lẻ hàng hóa, bao gồm cả mua bán trực tuyến ghi nhận sụt giảm 19%. Chính quyền Trung Quốc đang đi đầu trong việc hỗ trợ ngành dịch vụ nhà hàng và bán lẻ - những ngành nghề được cho là bị đình trệ do đại dịch Covid-19.