Ảnh: Quốc hội |
Sáng nay (31/5), Quốc hội tiếp tục buổi làm việc cuối của phiên thảo luận kinh tế - xã hội, một số bộ trưởng sẽ được mời giải trình thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ.
Cho ra khỏi ngành những cá nhân có con em gian lận
Trước vụ việc gian lận trong kỳ thi THPT 2018 gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm khi báo cáo trước Quốc hội.
Trong hơn một ngày thảo luận trên Hội trường, rất nhiều đại biểu Quốc hội nêu bức xúc liên quan đến gian lận thi cử cũng như bạo lực học đường. Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng nền giáo dục và hiệu quả của công tác đổi mới trong giáo dục.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là một trong nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, khắc phục tình trạng một năm có 3 kỳ thi liền kề (tốt nghiệp THPT, Cao đẳng, Đại học) rất nặng nề.
Giải trình ý kiến, Tư lệnh ngành giáo dục cho biết, việc đổi mới thi cử nhằm mục đích giảm tải. Hàng năm Bộ đã triển khai nhằm giảm tải áp lực, tiến tới một kỳ thi minh bạch. Tuy nhiên tiêu cực đã xảy ra vào năm 2018.
“Cá nhân tôi là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm thiếu sót ở một số điểm. Thứ nhất phần mềm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn tới một số người xấu lợi dụng để thay đổi kết quả thi. Thứ hai, công tác quán triệt quy chế thi và các hướng dẫn nghiệm vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là ở khâu chấm thi. Thứ ba, công tác thanh kiểm tra chưa được sâu sát trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Sau khi xảy ra tiêu cực thì Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan đã kiên quyết xử lý, trả về địa phương những sinh viên đỗ bằng kết quả gian lận. Do tính chất phức tạp nên hiện nhiều địa phương có gian lận đang được Bộ Công an cùng địa phương tiếp tục phối hợp xử lý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải trình trước quốc hội. (Nguồn: Quochoi) |
Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, địa phương theo phân cấp cũng chưa thực hiện đủ trách nhiệm, trong đó có việc lựa chọn cán bộ tham gia chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí chính những người này chủ động thông đồng, kết nối với nhau để thực hiện nâng khống điểm.
“Chúng tôi tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Bộ Công an đã khởi tố và đang xử lý đối tượng liên quan. Địa phương cũng sẽ xử lý. Chúng tôi sẽ cho ra khỏi ngành những cá nhân trong ngành mà có học sinh, con em gian lận”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Về hướng khắc phục và đảm bảo kỳ thi THPT 2019 an toàn, hiệu quả, Bộ trưởng cho hay, thời gian tới Bộ đặc biệt quan tâm đến việc mã hoá đề thi, lấp lỗ hổng phần mềm, tăng cường các camera giám sát. Bộ trưởng cũng mong muốn dư luận giám sát để hạn chế tiêu cực thi cử.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết thêm, khâu chấm thi sắp tới Bộ trực tiếp chỉ đạo, giao các trường ĐH đứng ra phụ trách; phần mềm được nâng cấp mã hoá toàn bộ dữ liệu, đánh phách... Riêng với môn tiểu luận sẽ được chấm 2 vòng.
Đồng thời, Bộ trưởng Nhạ cũng nói sẽ đưa ra khỏi ngành những giáo viên sa sút về đạo đức, tuyên truyền những tấm gương nhà giáo tốt để hạn chế bạo lực tiêu cực trong học đường.
“Sự nghiệp đổi mới cần có thời gian, có những đổi mới mà hôm nay chưa thể đạt kết quả ngay được. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến để có hướng khắc phục trong thời gian tới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ.
"Bộ trưởng không thể nhận trách nhiệm 1 cách chung chung?"
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ mới đề cập đến việc giải quyết các vụ việc gian lận mà chưa đề cập đến những thí sinh học thật mà đã mất quyền lợi vì kết quả bị làm lệch.
“Tôi đề nghị bộ GD&ĐT, các địa phương phải trả lời về giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho các cháu đã học thật mà không thể đậu do kết quả bị làm gian lận”, đại biểu An Giang nói.
Cũng tranh luận lại với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị người đứng đầu ngành giáo dục cần xem xét, đánh giá tác động của việc gộp 2 kỳ thi THPT và đại học.
Ông Giang đề nghị Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các trường đại học tự lo tổ chức các kỳ thi, kiểm soát sản phẩm đầu vào và đầu ra.
Nói về những sai phạm trong ngành giáo dục, ông Giang vẫn nhấn mạnh, đây là căn bệnh trầm kha. Do vậy, ông Giang đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời cử tri về những đánh giá, dự báo của Bộ trưởng liên quan đến căn bệnh này.
“Bộ trưởng cần có thái độ dứt khoát hơn với căn bệnh này chứ không phải nhận trách nhiệm một cách chung chung”, đại biểu Thái Trường Giang nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói kỳ thi chung có những ưu điểm và bất cập phải tìm cách khắc phục dần. Tuy nhiên, thực tế kể từ khi hai kỳ thi được gộp lại phát sinh nhiều bất cập, hệ lụy và ngày càng trầm trọng.
Từ đó, đại biểu Dung kiến nghị tách hai kỳ thi ra, giao xét tốt nghiệp cho các địa phương và giao các trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh đại học.
“Việc tích hợp hai kỳ thi có hai mục đích khác nhau sẽ xảy ra những hệ lụy khó lường”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhận định.