📞

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam: Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững

Lê An 16:18 | 17/12/2022
Tại Hội thảo Văn hoá 2022, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Christian Manhart đã chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách văn hoá và đo lường văn hoá trong sự phát triển bền vững.

Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, UNESCO vận động áp dụng cách tiếp cận dựa trên văn hóa để phát triển đã hỗ trợ cho một số Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc thừa nhận vai trò của văn hóa như một yếu tố thúc đẩy và một động lực của phát triển bền vững....

Văn hóa thúc đẩy phát triển bền vững

Ông Christian Manhart cho biết việc đa số các chính phủ trên thế giới phê chuẩn các Công ước của UNESCO, đặc biệt là Công ước của UNESCO 2005 (bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa), đang giúp định hướng các chương trình hành động của UNESCO trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực cho các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022. (Ảnh: Phạm Thắng)

Theo đó, các quốc gia được hỗ trợ về quyền chủ quyền của mình trong việc thực hiện các chính sách công nhằm phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo một cách mạnh mẽ và năng động.

Năm ngoái 2021 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và UNESCO. Trong quá trình hợp tác, UNESCO đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ghi danh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vào các danh mục di sản của UNESCO, đồng thời hỗ trợ về mặt chuyên môn trong nhiều lĩnh vực trọng tâm của UNESCO.

Trong thời kỳ những năm 1980, UNESCO hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của di sản hoàng thành Huế bằng cách tổ chức một chiến dịch tầm cỡ quốc tế để quảng bá vẻ đẹp của Huế cũng như của đất nước Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp vào sự thành công của UNESCO trong các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ông Christian Manhart phát biểu: “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là một thành tựu đáng kể của quốc gia trong việc phê chuẩn Công ước của UNESCO về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước năm 2005).

UNESCO cam kết phát triển các chính sách công hiệu quả và bền vững hơn cũng như đảm bảo rằng sức mạnh chuyển đổi của văn hoá trong việc thúc đẩy phát triển bền vững tiếp tục được duy trì cùng với sự phát triển của các Chỉ số chuyên đề về Văn hóa trong Chương trình nghị sự 2030”.

Làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa?

Tuy nhiên, cũng theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart, thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa-sáng tạo, hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Đặt văn hóa vào giữa quy hoạch phát triển quốc gia sẽ đảm bảo phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững.

UNESCO ghi nhận Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Điều này có thể dẫn đến việc Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch phát triển bền vững cấp quốc gia với trọng tâm là phát huy các giá trị văn hóa và áp dụng các chỉ số trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam gợi ý một số giải pháp cho Việt Nam:

Phê chuẩn Công ước UNESCO 2005: Huy động các đại biểu Quốc hội, các mạng lưới và các đối tác tham gia cộng đồng toàn cầu duy nhất này.

Chia sẻ dữ liệu và thông tin: Tham gia chuyển giao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn tốt từ khắp nơi trên thế giới và tham gia đối thoại chính sách trên các nền tảng khác nhau.

Một số giải pháp khác: Tăng viện trợ cho các cam kết thương mại và giải ngân trong lĩnh vực văn hóa; Thúc đẩy các hình thức tài trợ mới cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường kỹ thuật số; Cấp tín dụng thuế cho các doanh nghiệp văn hóa từ các nước đang phát triển khi nhập khẩu hàng hóa văn hóa; Tạo ra các ủy ban chung của chính phủ và tổ chức xã hội để thiết kế các chính sách văn hóa và giám sát tác động của chúng; Hỗ trợ cho các chương trình nâng cao năng lực ở các nước đang phát triển tích hợp các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển quốc gia.

Ông Christian Manhart cũng nhấn mạnh cần xem xét việc khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các viện văn hóa được chọn hay cho các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức.

Cách làm này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa của quốc gia đó, do mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết.