📞

Trưởng đại diện UNFPA: Cảm nhận rõ nỗ lực mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới của Việt Nam

Thu Trang 10:13 | 10/01/2025
Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Matt Jackson bày tỏ ấn tượng trước quyết tâm mạnh mẽ của đất nước hình chữ S nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Trưởng đại diện UNFPA Matt Jackson phát biểu tại Lễ khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Ngọc Anh)

Bên lề Lễ khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình ngày 9/1, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matt Jackson trả lời phỏng vấn nêu cảm nhận về nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cũng như chia sẻ một số dự án mà UNFPA sắp triển khai trong thời gian tới.

Ông có thể chia sẻ lý do vì sao Hòa Bình được chọn là nơi để xây dựng Ngôi nhà Ánh Dương thứ 5 của Việt Nam?

Chúng tôi đã tiến hành một đánh giá khả thi việc xây dựng Ngôi nhà Ánh Dương vào tháng 3/2024 và cân nhắc nhiều địa điểm ở các địa phương của Việt Nam. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn Hòa Bình để triển khai Ngôi nhà Ánh Dương tiếp theo.

"Chúng ta hiểu rằng, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới không chỉ cần những chính sách phù hợp, sự đồng thuận trong xã hội mà còn cần sự đồng lòng, hợp tác chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Ngôi nhà Ánh Dương Hòa Bình là minh chứng cho sự phối hợp này". (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn)

Như chúng ta đã biết, tại nhiều địa phương ở Việt Nam, tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại. Chúng tôi mong muốn cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và thích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái - những người đang bị hoặc có nguy cơ chịu loại hình bạo lực này.

Khi đến Hòa Bình, trước hết chúng ta có thể thấy sự cam kết rất mạnh mẽ từ UBND tỉnh. Thêm vào đó, địa điểm để triển khai Ngôi nhà Ánh Dương cũng rất phù hợp. Do đó, chúng tôi đã quyết định lựa chọn địa phương này.

Ngôi nhà Ánh Dương là nơi có thể hỗ trợ phụ nữ và trẻ em các dịch vụ các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp, cũng như các dịch vụ chuyển gửi. Ngoài ra, Trung tâm cũng có đường dây nóng hoạt động 24/7 để hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Đây thực sự là sáng kiến cần nhân rộng và chúng tôi rất vui mừng với việc ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình.

Đây mới là Trung tâm dịch vụ một cửa - Ngôi nhà Ánh Dương thứ 5 tại Việt Nam, sắp tới dự kiến có một trung tâm nữa được thành lập ở tỉnh An Giang và chúng tôi hy vọng có thể hoàn thành trong vài tháng tới.

Ngay tuần sau, chúng tôi sẽ ký kết biên bản hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) để nhân rộng mô hình Ngôi nhà Ánh Dương tới các tỉnh, thành khác của Việt Nam. Với tài trợ từ KOICA, chúng tôi sẽ xây dựng thêm hai trung tâm nữa và nâng tổng số Ngôi nhà Ánh Dương ở Việt Nam lên 8 trung tâm.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình ngày 9/1. (Ảnh: Thu Trang)

Là Trưởng đại diện UNFPA - cơ quan của Liên hợp quốc đồng hành cùng Việt Nam trong rất nhiều dự án thiết thực, ông cảm nhận thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới?

Với tư cách là Trưởng đại diện UNFPA, tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực rất mạnh mẽ trong việc chấm dứt tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam có quan hệ rất tốt đẹp và hiệu quả với Chính phủ Việt Nam.

Có thể thấy rằng, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã coi bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề rất nghiêm trọng và có những biện pháp nghiêm túc trong việc xử lý, chấm dứt vấn đề này.

Năm 2019, chúng tôi đã cung cấp những số liệu, dẫn chứng rất quan trọng để Chính phủ Việt Nam trên cơ sở đó ban hành những chính sách pháp luật liên quan. Một trong những luật tiêu biểu được ban hành là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi năm 2022.

Bên cạnh đó, chúng tôi hợp tác rất hiệu quả và tích cực với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở các địa phương.

Theo Điều tra quốc gia năm 2019 về bạo lực đối với phụ nữ, cứ ba phụ nữ từ 15-64 tuổi thì có gần hai người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế trong đời. Vấn đề này vẫn còn ẩn giấu trong xã hội Việt Nam, với hơn 90% phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công, và một nửa trong số đó chưa từng chia sẻ sự việc với bất kỳ ai. Do đó, chúng tôi mong muốn là được chung tay với Chính phủ Việt Nam để ứng phó, thay đổi vấn đề này.

Các đại biểu tham quan và nghe giới thiệu về Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Thu Trang)
"Có thể thấy rằng, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã coi bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề rất nghiêm trọng và có những biện pháp nghiêm túc trong xử lý, chấm dứt vấn đề này". (Trưởng đại diện UNFPA Matt Jackson)

UNFPA đang có những kế hoạch, dự án gì đồng hành cùng Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới?

Như tôi đã nói, trong năm nay, hoạt động chính hỗ trợ Việt Nam phòng chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ triển khai Ngôi nhà Ánh Dương ở An Giang. Có rất nhiều việc chúng tôi cần làm, ví dụ như hỗ trợ Việt Nam nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho việc hoạt động của trung tâm.

Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ các chương trình đào tạo cho các nhân viên ở Ngôi nhà Ánh Dương, đặc biệt là nhân viên công tác xã hội. Điều quan trọng là tất cả những dịch vụ và cơ sở vật chất mà chúng tôi cung cấp đều đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đó sẽ là nhiệm vụ trước mắt của UNFPA tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, điều tra để thu thập dữ liệu liên quan bạo lực trên cơ sở giới.

Chúng tôi tiếp tục triển khai một số sáng kiến, chẳng hạn như hội thảo trực tuyến hay video để nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam. Một trong những thực trạng mà chúng tôi đang quan tâm là các hình thức bạo lực trên cơ sở giới được hỗ trợ bởi công nghệ số gây ảnh hưởng đặc biệt đến giới trẻ. Hiện nay, tác động, ảnh hưởng của bạo lực mạng đến giới trẻ cũng không kém gì hành vi bạo lực trên không gian thật. Thậm chí, bạo lực trên không gian mạng thường bị ẩn giấu và khó phát hiện.

Do đó, chúng tôi sẽ thực hiện các dự án nhằm trang bị cho thanh niên có khả năng tự bảo vệ mình và khuyến khích Chính phủ cùng các công ty công nghệ là có những cái giải pháp để nâng cao phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong không gian mạng.

Xin cảm ơn ông!

Mục đích của dự án là tất cả phụ nữ và trẻ em Việt Nam, bao gồm cộng đồng những người dân dễ bị tổn thương có thể có cuộc sống không bị bạo lực. Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngọc Anh)

Trung tâm dịch vụ một cửa, còn được gọi là “Ngôi nhà Ánh Dương” nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi bạo lực và hỗ trợ những người bị bạo lực. Trung tâm đầu tiên được mở tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA phối hợp với KOICA.

Đầu năm 2022, Bộ LĐTBXH khởi động một Ngôi nhà Ánh Dương khác tại Thanh Hóa với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNFPA.

Tháng 6/2022, hai trung tâm dịch vụ một cửa nữa được đưa vào vận hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, do Trung tâm nghiên vứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) điều hành.

(thực hiện)