📞

Truyền hình thực tế: Khi thực tế là lực cản

15:05 | 07/01/2011
Không phải ngẫu nhiên mà cứ 7 thiếu niên Anh quốc thì có một em muốn thực hiện giấc mơ thành “sao" bằng việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế (reality show). Thực tế đó dường như đang diễn ra ở Việt Nam. Đơn cử, số người đăng ký Thần tượng Việt Nam trong mùa ra mắt - 6.000, đến mùa thứ ba - 25.000.
Chương trình Bước nhảy hoàn vũ.

Sinh động, tự nhiên, chân thật và bất ngờ, truyền hình thực tế đang chứng tỏ ưu thế của mình, nhất là khi khán giả bị "bội thực" trước quá nhiều chương trình được gọt giũa nhẵn nhụi trước khi phát sóng. Nửa thập niên qua chứng kiến sự nở rộ của truyền hình thực tế, cả "ngoại nhập" như Thần tượng Việt Nam, Người mẫu Việt Nam, Bước nhảy hoàn vũ hay "nội địa" như Vượt lên chính mình (HTV), Phụ nữ thế kỉ 21 (VTV), Như chưa hề có cuộc chia ly (VTV), Hành trình kết nối những trái tim (HTV). Tất nhiên, điểm hấp dẫn của loại hình này không chỉ là cơ hội tham gia của khán giả mà chính ở tính thực tế.

Nhưng những yếu tố gây hấp dẫn đó có thể trở thành lực cản cho sự phát triển của chương trình này ở Việt Nam. Người Việt nhìn chung hiền hòa, chân tình nhưng không phải ai cũng đủ cởi mở và tự tin để tham gia các show truyền hình thực tế. Các thí sinh và cả khán giả phần lớn vẫn chưa dạn ống kính, không quen bày tỏ bản thân, quan điểm trước bàn dân thiên hạ. Thế mới có cảnh một chàng trai say sưa ngửi một bông hoa… giấy trong Hành trình kết nối những trái tim. Hay chuyện một cuộc tuyển chọn siêu mẫu lại dễ dàng chấp nhận một thí sinh không đạt số đo tối thiểu của người mẫu, cả về chiều cao lẫn cân nặng, với lý do: có đam mê!

Và ngay cả khi những người trong cuộc dám thẳng thắn nói lên chính kiến của mình thì công chúng cũng chưa hẳn đã chấp nhận. Chẳng hạn như cuộc "đụng độ" giữa giám khảo Siu Black và thí sinh Thần tượng Việt Nam Sơn Lâm chỉ vì nhận xét được cho là "xúc phạm thí sinh khuyết tật", MC Phan Anh sẵn sàng bê những câu nói như "phi công trẻ lái máy bay bà già" lên sân khấu, đạo diễn Quang Dũng nhắm vào khen ngợi sự gợi cảm của Mai Hương, Uyên Linh "đốp" lại nhạc sĩ Quốc Trung để… cãi rằng bài Khát vọng (nhạc sĩ Thuận Yến) là bài ca đi cùng năm tháng.

Có lẽ những tình tiết như thế, vốn bị "cắt gọt" trong các chương trình như gameshow, mới chính là nét riêng của truyền hình thực tế. Chẳng cớ mà theo khảo sát của tờ Rolling Stones, hầu hết khán giả truyền hình Mỹ đều cho rằng, các cuộc thi Thần tượng đều hấp dẫn ở… hậu trường, chứ chẳng phải thi thố. Nhưng rõ ràng, "thực tế" ở Việt Nam không đơn giản là nghĩ gì nói nấy, quay gì phát nấy theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa. Còn nhớ Vui là chính khi mới vào Việt Nam đã bị phản đối kịch liệt vì một số chương trình không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Phụ nữ thế kỷ 21 bị chê là cứng nhắc trong việc biến các thí sinh thành những "nữ cường nhân" bất đắc dĩ.

Do đó, việc đảm bảo tính chân thật là nguyên tắc tối thượng của truyền hình thực tế nhưng không thừa khi nhắc đến nhận xét của nhà phê bình Tom Alderman: "Có một số tiểu loại truyền hình thực tế chỉ có thể được xem là truyền hình ô uế bởi chương trình đó sử dụng chất nhạo báng làm tâm điểm thu hút sự chú ý".

Thành Vinh