Vịnh Hạ Long là địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Bài viết đánh giá cao tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, nơi có thắng cảnh Vịnh Hạ Long đẹp nổi tiếng thế giới.
Cụ thể, trang mạng SBM NEWS nhận định, với nước biển xanh như ngọc bích và hàng chục hòn đảo, khu di sản thế giới Vịnh Hạ Long ở miền Bắc Việt Nam là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của quốc gia này, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Năm 2023, điểm đến này đã đón khoảng 2,6 triệu lượt du khách nước ngoài, chiếm 21% tổng lượng du khách đến Việt Nam.
SBM NEWS cho rằng, tỉnh còn có một thế mạnh khác ngoài du lịch.
Tỉnh Quảng Ninh gần đây đã trở thành khu vực thu hút FDI lớn nhất của Việt Nam, vượt Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu kinh tế tiềm năng khác. Lý do bởi nơi đây đã đa dạng hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu và một bến cảng mới hình thành ở thành phố lân cận.
Cảng biển Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet) |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm ngoái, tỉnh Quảng Ninh nằm trong top 5 tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất với 3,1 tỷ USD; trong khi Thái Bình là điểm đến đầu tư tiềm năng thứ hai với 2,68 tỷ USD, tiếp theo là Bắc Giang với 1,53 tỷ USD.
SBM NEWS cho rằng, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 1 tỷ USD đầu tư trong quý I năm 2024 và có khả năng vượt 3 tỷ USD trong năm thứ hai liên tiếp.
Trang mạng này cũng bày tỏ sự ấn tượng khi số lượng các nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và điện gió trên địa bàn Quảng Ninh tăng lên trong thời gian gần đây. Điều đó phản ánh sự chuyển dịch lớn về năng lượng, trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, trong đó có hơn 90% trữ lượng than đá của Việt Nam.
"Các ngành công nghiệp sản xuất tấm pin mặt trời, đồ điện tử và hóa dầu cũng đang được mở rộng trên địa bàn tỉnh. Dự án tấm pin năng lượng mặt trời Jinko Solar PV Vietnam có lẽ là dự án quy mô lớn và mang tính biểu tượng nhất của các dự án trong lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký khoảng 1,5 tỷ USD", SBM NEWS viết.
Theo bài viết, 3 tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023 của Việt Nam đều nằm ở xung quanh Quảng Ninh. Trong đó, Hải Phòng, một trong 5 thành phố lớn nhất Việt Nam, xếp thứ 4 với 1,48 tỷ USD thu hút đầu tư.
Việc khai trương Cảng quốc tế Lạch Huyện vào năm 2018 tại thành phố Hải Phòng đã tạo sức bật cho thành phố và các vùng lân cận. Đây là cảng quy mô lớn đầu tiên ở phía Bắc có độ sâu 14m, trong khi tuyến đường cao tốc số 4 nối Hà Nội cũng được thông xe cùng thời điểm.
Năm 2022, việc thông xe tuyến cao tốc đến Móng Cái, gần biên giới Trung Quốc là cú hích lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Một thế mạnh khác của của thành phố cảng là hoạt động đầu tư của Tập đoàn VinGroup, một doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đã xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại Hải Phòng.
Theo trang báo điện tử có lượng độc giả lớn của Campuchia, trong những năm qua, trung tâm thu hút đầu tư của Việt Nam chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng là hai thành phố lớn nhất. Tuy nhiên, chi phí lao động và giá thuê mặt bằng khu công nghiệp đã tăng lên trong những năm gần đây.
Công ty Sufex Trading cho biết, các khu công nghiệp ở Hà Nội thu giá thuê mặt bằng từ 100 - 170 USD/m2, so với mức giá vào khoảng từ 90 - 120 USD vào năm 2019, trong khi giá thuê mặt bằng tại TP. Hồ Chí Minh dao động từ 160 - 270 USD.
Bên cạnh đó, mức giá thuê mặt bằng khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh dao động từ 80-100 USD, so với mức 60-70 USD ở thời điểm trước đại dịch Covid-19, trong khi chi phí thuê nhân viên cũng thấp hơn so với các thành phố lớn.
Quang cảnh khu vực Bãi Cháy của tỉnh Quảng Ninh nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hùng Sơn) |
Tầm quan trọng chiến lược của tỉnh Quảng Ninh cũng được thể hiện trong quy hoạch phát triển đường sắt của địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng hai tuyến đường sắt cao tốc nối Hà Nội với Trung Quốc sẽ bắt đầu trước năm 2030. Các chuyến tàu dự kiến sẽ dừng ở Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tuy nhiên, theo truyền thông Campuchia, dù số lượng doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào Quảng Ninh có xu hướng tăng nhưng vẫn có những lo ngại nhất định, nhất là chi phí đầu tư phát triển.
Theo một số công ty đã đầu tư vào Quảng Ninh, số vốn đầu tư tối thiểu trên một hecta đã được nâng từ 5 triệu USD lên 8 triệu USD, điều này phản ánh mong muốn của chính quyền địa phương trong việc chào mời các công ty lớn. Tiếp theo là vấn đề chi phí lao động.
Nhiều công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đang tăng lương để thu hút tài năng, lực lượng công nhân lao động có trình độ chuyên môn cao.
| ADB: Kinh tế Việt Nam 'vừa lạc quan vừa thận trọng', đầu tư công là động lực tăng trưởng chính Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, đầu tư công ... |
| Tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp từ năng lượng xanh Chiều 11/4, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Trường ... |
| Lợi nhuận các quỹ đầu tư vào Việt Nam hấp dẫn! Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm của quy trình sản xuất hậu kỳ chất bán dẫn toàn cầu, thị trường chứng khoán ... |
| WB 'mách' Việt Nam cách nuôi dưỡng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Sáng 23/4, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức buổi công bố báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ... |
| WB: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng Tư của Ngân hàng thế giới (WB) ghi nhận, tình hình kinh tế đang ... |