Chiến dịch phát sóng bắt đầu từ tháng 4-8/2018 với 4 thông điệp được phát xen kẽ. Ba thông điệp về không hút thuốc lá nơi làm việc; không hút thuốc lá trong nhà hàng; không hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng được phát sóng trong tháng 4 và phát lại vào tháng 7/2018. Hai thông điệp về tác hại của hút thuốc trong nhà dự kiến phát trong tháng 5/2018. Tháng 6/2018, tháng 8/2018 phát các thông điệp về khuyến khích cai nghiện thuốc lá và ý nghĩa của việc tăng thuế thuốc lá.
Các thông điệp trên cũng đã được thử nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Báo cáo kết quả thử nghiệm cho thấy, các nhóm đối tượng đích tham gia thử nghiệm đều cho rằng đây là những thông điệp dễ hiểu, ấn tượng, có thể tác động đến việc thay đổi nhận thức và hành vi của cả người hút và người không hút thuốc.
Cụ thể, 7/10 người được phỏng vấn trong thử nghiệm chia sẻ, họ sẽ không hút thuốc nơi công cộng trong nhà sau khi xem những thông điệp này; 9/10 người nói rằng thông điệp khiến họ nghĩ nhiều hơn đến việc lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc không hút tại các mơi công cộng trong nhà.
Các thông điệp truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ lên sóng trên kênh VTV1, VTV2 và VTV3 từ tháng 4/2018. (Nguồn: VTV) |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá chia sẻ: “Thông qua chiến dịch này, Quỹ mong muốn sẽ có nhiều người hơn nữa được biết các thông tin về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động để từ đó có những thay đổi hành vi phù hợp như không hút thuốc gần mọi người, không hút thuốc tại những nơi có quy định cấm, cai thuốc lá vì sức khoẻ của chính mình và những người thân của mình”.
Theo bà Sandra Mullin, Phó Chủ tịch Ban Chính sách, Vận động và Truyền thông của Tổ chức Vital Strategies, việc sử dụng thuốc lá đã gây ra khoảng 40.000 ca tử vong hằng năm tại Việt Nam. Rất nhiều người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng phải chịu các ảnh hưởng tới sức khoẻ, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
“Việc sử dụng những thông điệp bằng hình ảnh mô tả về các bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng thêm hiệu quả tác động tới việc thay đổi hành vi của người hút cũng như những người không hút thuốc dám lên tiếng nhắc nhở người hút thuốc hút đúng nơi quy định”, bà Sandra Mullin cho hay.
Song song với việc phát sóng trên Đài Truyền hình, chiến dịch sẽ được hiện diện trên mạng xã hội thông qua trang Facebook chính thức của Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam – vn0khoithuoc
Ngoài việc nhân rộng tầm ảnh hưởng cho các thông điệp được phát sóng, trang Facebook vn0khoithuoc còn là nơi cung cấp các thông tin liên quan dưới dạng hình ảnh đồ họa súc tích, dễ hiểu và đẹp mắt để bạn đọc có thể dễ dàng chia sẻ với bạn bè, người thân. Đồng thời là nơi bạn đọc được thoải mái trao đổi ý kiến, kiến thức, câu chuyện của bản thân và tìm thấy sự ủng hộ hướng tới một Việt Nam không khói thuốc lá. Một số hình ảnh thông điệp hiện cũng đang được sử dụng trên Pano tấm lớn trên một số tuyến đường cao tốc tại Hà Nội đi các tỉnh, thành phố trong năm 2018, góp phần tăng hiệu quả của các thông điệp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 – Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. |