Trước thềm cuộc đối thoại, tờ Global Times của Trung Quốc đăng tải bài xã luận khá ấn tượng, được giới quan sát cho là có mục tiêu gửi thông điệp tới phía đối tác rằng, các cuộc đối thoại sắp diễn ra phải được tổ chức trên cơ sở bình đẳng. Đừng hy vọng Trung Quốc sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu từ phía Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc gửi thông điệp, "đừng hy vọng Trung Quốc sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu từ phía Mỹ". (Nguồn: Getty Images) |
"Washington không nên nghĩ rằng, cây gậy chiến tranh của họ sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp ứng bất cứ điều gì mà phái đoàn Mỹ đưa ra. Cuộc đối thoại sắp tới phải được tổ chức bình đẳng và phái đoàn Mỹ phải đến bàn đàm phán với sự chân thành", bài xã luận của Global Times có đoạn viết.
Cuộc họp quan trọng giữa hai gã khổng lồ kinh tế đã được quyết định, sau khi căng thẳng leo thang nhanh trong những tháng gần đây, đe dọa việc áp đặt thuế bổ sung cho các sản phẩm của nhau. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ gửi một phái đoàn cấp cao đến Bắc Kinh để đàm phán. Thành phần đoàn bao gồm: Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow.
Ở phía bên kia, Trung Quốc cũng đưa ra đội ngũ các quan chức "nặng ký” tham gia đoàn đàm phán, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn và cố vấn kinh tế hàng đầu, Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề kinh tế, phụ trách các lĩnh vực tài chính và công nghiệp Lưu Hạc.
Đưa ra bình luận trước cuộc đàm phán, tờ Global Times viết: "Thành phần của phái đoàn Mỹ cho thấy Washington coi trọng mối quan hệ thương mại song phương Trung Quốc – Mỹ. Chúng tôi hy vọng điều này cũng có thể được thể hiện ở mức độ linh hoạt của phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán. Trung Quốc sẽ không từ bỏ nguyên tắc của mình bất chấp áp lực".
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính quyền Mỹ đã nhiều lần tuyên bố những hành động kinh tế, thương mại của Trung Quốc là không “chơi đẹp”, không công bằng và chính Bắc Kinh đã làm xấu đi cán cân thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Trump cũng cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ.
Về phía Trung Quốc, trong vài tuần qua, lãnh đạo nước này đã nhắc lại cam kết mở cửa nền kinh tế, bao gồm cả các quy tắc nới lỏng về đầu tư của các công ty sản xuất ô tô nước ngoài và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, các vấn đề trên đều chưa có quyết định cụ thể, nhưng việc Trung Quốc cần phải mở cửa được cho là cần thiết cho chính sự phát triển lâu dài và bền vững của nền kinh tế này, giới quan sát nhận định.
Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã bày tỏ “lạc quan” về cuộc gặp này. Theo ông, chính quyền Mỹ đang nỗ lực để có một cuộc thảo luận rất thẳng thắn về thương mại với Trung Quốc, cũng như về các vấn đề mất cân bằng thương mại.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ mở cửa cho các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp đặt mức thuế lên tới 50 tỷ USD đối với xuất khẩu của Trung Quốc và đe dọa có thể tăng thêm 100 tỷ USD. Đáp lại, phía Trung Quốc cho biết cũng sẽ có biện pháp áp đặt thuế quan riêng của mình đối với các sản phẩm của Mỹ.
Khi được hỏi về những lo ngại liên quan tới các biện pháp trả đũa có thể của Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cho biết, đây không phải là điều lo lắng đối với Mỹ, đồng thời khẳng định lại, Tổng thống Donald Trump tiếp tục tập trung vào “thương mại tự do, công bằng và có đi có lại”.