📞

"Truyền thông về lĩnh vực việc làm chưa đúng mức"

22:03 | 17/05/2018
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hà, truyền thông về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, dẫn đến nhận thức cộng đồng nói chung và của từng doanh nghiệp, người lao động nói riêng về vấn đề này còn mờ nhạt.

Đó là nội dung được chia sẻ tại "Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí" do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) tổ chức tại Hải Dương chiều nay (17/5).

Tham dự có bà Nguyễn Thị Hà,Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội; ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương; bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm; ông Trần Ngọc Diễn,Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội...

Truyền thông về việc làm còn mờ nhạt

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhận định, những năm qua, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Điều này góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Trong đó, công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm đã được quan tâm, tuyên truyền. Qua đó làm thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về các chính sách giải quyết việc làm, cung cầu lao động, bảo hiểm thất nghiệp trên cả nước.

Bên cạnh những thành quả ấy, theo bà Nguyễn Thị Hà, công tác truyền thông về việc làm cũng như quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. “Theo tôi, một trong những nguyên nhân là do truyền thông về lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhận thức cộng đồng nói chung và của từng doanh nghiệp, người lao động nói riêng về việc làm, lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách việc làm còn mờ nhạt”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh  & Xã hội (Ảnh: Hưng Quân)

Qua đó, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, muốn thay đổi nhận thức về lĩnh vực này cần sự chung tay của các cơ quan báo chí. Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí là dịp để cơ quan quản lý, hoạch định chính sách việc làm, các cơ quan thực thi tại địa phương cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông về việc làm để tháo gỡ.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng mong muốn các đại biểu, phóng viên cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những ý kiến, đề xuất các giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp sao cho hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần đưa các chính sách đi vào cuộc sống, giúp người lao động có việc làm và thu nhập cao.

Theo ông Trần Ngọc Diễn, nước ta hiện có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có hơn 700 cơ quan báo viết với hơn 1.000 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương cùng với đó là hàng trăm báo, tạp chí điện tử, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp tạo nên sức lan tỏa rất lớn. 

Đa phần các loại hình đều dành dung lượng đáng kể để tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, thông tin thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp với nhiều nội dung phong phú, có chất lượng. Nhờ đó, nhận thức của nhân dân về lĩnh vực này đã có những chuyển biến tích cực.

Nhưng trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay cùng những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực việc làm, phát triển thị trường lao động, giảm thiểu thất nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp trên các ấn phẩm báo chí còn một chiều, chỉ phản ánh đậm nét về lĩnh vực này khi có các vụ việc phát sinh.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Quân Hưng)

Nội dung tuyên truyền về việc làm chưa phản ánh sinh động thực tế, hình thức chưa phong phú, mới chỉ đưa tin phản ánh sự kiện, giới thiệu quan điểm, chủ trương, chưa có bài viết sâu sắc tổng kết, đánh giá, thiếu các loại bài bình luận, chuyên luận mang tính khái quát cao.

Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí còn những hạn chế nhất định. Một số cơ quan báo chí tiếp cận, khai thác thông tin về việc làm, thị trường lao động... còn khá bị động, phụ thuộc vào thông tin từ các cơ quản lý, chưa có sự đào sâu khai thác từ thực tiễn.

CMCN 4.0 và thách thức trong giải quyết việc làm

Bà Lê Kim Dung cho biết, trong mười năm qua, Cục Việc làm đã tích cực, chủ động nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

Qua đó, tạo được hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động…

Công tác truyền thông về việc làm còn nhiều hạn chế. (Nguồn: Báo Dân sinh)

Chia sẻ về sự hợp tác quốc tế về việc làm, bà Lê Kim Dung cho rằng, nhằm tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, trên thế giới trong xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm… trong những năm qua, Cục Việc làm đã hợp tác với nhiều cơ quan lao động ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ như Tổ chức lao động quốc tế (ILO); Ngân hàng thế giới WB, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc HRD; Cơ quan thông tin việc làm Hàn Quốc KEIS. 

Cùng với nhau, các bên thực hiện các dự án song phương như: Dự án mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ do ILO Nhật Bản tài trợ; Dự án thị trường lao động do Liên mih châu Âu tài trợ… Thông qua việc thực hiện ác dự án, hoạt động hợp tác quốc tế đã đem lại cho Việt Nam những nguồn lực tài chính, kỹ thuật, nhất là những kinh nghiệm, mô hình hay, hiệu quả.

Trong thời đại toàn cầu hóa, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn. Nhưng bên cạnh những thuận lợi cũng có những thách thức không nhỏ về nguy cơ mất việc làm, nhất là đối với lao động phổ thông.

Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm cho người lao động như: chất lượng việc làm chưa cao, tính bền vững, ổn định trong việc làm còn thấp. Đặc biệt, giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường đang là một thách thức không nhỏ đối với nước ta.

Nói về tầm quan trọng của công tác truyền thông trong công tác việc làm, ông Trần Bá Dung, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các phóng viên báo chí cần trang bị kiến thức, quan điểm tiếp cận vấn đề an sinh xã hội để có cách nhìn toàn diện, sâu sắc. Bên cạnh việc chuyển tải nội dung các chủ trương, chính sách, các cơ quan báo chí cần đăng, phát nhiều bài phản ánh, giới thiệu những tấm gương điển hình trong thực hiện chế độ, chính sách.

Hình thức truyền thông cần sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lý tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động. Nâng cao được nhận thức, sự biểu biết về chính sách việc làm, quản lý lao động, chính sách bảo hiểm cho chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về việc làm, bảo hiểm cho người lao động.

“Từ đó, nhân rộng những điển hình khác, kịp thời lên án những hành vi tiêu cực, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng vi phạm các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, trục lợi bảo hiểm y tế, bảo vệ quyền lợi của người lao động”, ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.