Đó là quan điểm của chuyên gia giáo dục, TS. Lê Thống Nhất với báo TG&VN xung quanh những tranh cãi liên quan môn Lịch sử.
TS. Lê Thống Nhất cho rằng, muốn các em yêu thích môn Lịch sử thì sách giáo khoa phải hấp dẫn, phương pháp dạy cuốn hút... |
Thời gian vừa qua, dư luận có những ý kiến trái chiều liên quan đến môn Lịch sử. Theo ông, vì sao lại dấy lên những tranh cãi như vậy?
Khá nhiều người đã nói “Lịch sử trở thành môn lựa chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới”. Nói như vậy là chưa chính xác, mà phải nói “Lịch sử trở thành môn lựa chọn từ cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Mọi người tranh cãi có thể vì thông tin tiếp nhận không đầy đủ và đặc biệt là không theo dõi quá trình dẫn tới quyết định này.
Trong Thông cáo Báo chí của Bộ GD&ĐT đã làm rõ mọi vấn đề liên quan tới việc này.
Theo đó, để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nghị quyết 88 của Quốc hội ghi rõ: "Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp Tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
“Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.
“Ở cấp Tiểu học và THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.
Ở cấp THPT yêu cầu học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến toàn dân từ ngày 12/4/2017 đến ngày 20/5/2017. Dự thảo chương trình các môn học được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19/01/2018 đến ngày 19/3/2018.
Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các hội đồng thẩm định (hội đồng thẩm định chương trình tổng thể, các hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ GD&ĐT đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan.
Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Như vậy, vấn đề “Lịch sử là môn tự chọn từ cấp THPT” đã được bàn luận và khẳng định từ năm 2017.
Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10 nên nhiều người mới biết và đã có nhiều tranh cãi.
Trước chủ trương "lựa chọn" đối với môn Lịch sử, có ý kiến cho rằng, như vậy là đánh giá thấp, coi nhẹ môn học này, ảnh hưởng đến giáo dục lòng yêu nước. Góc nhìn của ông?
Trước hết, theo chương trình giáo dục tổng thể thì nhiều môn trở thành môn tự chọn từ cấp THPT, chứ không phải chỉ riêng môn Lịch sử nên không có việc đánh giá thấp môn học này.
Còn nói đến việc giáo dục lòng yêu nước cho học sinh thì môn Lịch sử chỉ là một yếu tố mà thôi. Yếu tố này đã được đưa vào những tri thức nền tảng ở giai đoạn giáo dục cơ bản từ cấp Tiểu học đến cấp THCS, chi tiết thể hiện ở chương trình môn học công bố năm 2018.
Ngoài ra, chúng ta còn giáo dục lòng yêu nước cho học sinh ở nhiều bộ môn khác như Ngữ văn, Đạo đức, Giáo dục công dân, Địa lý… và ở các hoạt động đoàn thể.
Ngay trong môn Giáo dục thể chất, học sinh được giáo dục: “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Không những thế, học sinh còn được giáo dục lòng yêu nước qua các hoạt động trải nghiệm như tham quan các di tích lịch sử, các bảo tàng lịch sử và bảo tàng cách mạng ở Trung ương, địa phương.
Môn Lịch sử không chỉ là một khối kiến thức thông thường mà còn giúp cho người học nuôi dưỡng tình cảm, nâng cao ý thức đối với đất nước, đối với dân tộc thế nào, theo ông?
Điều đó là đúng nhưng nói thế chưa đầy đủ. Ông cha ta xưa kia chưa có điều kiện học Lịch sử vẫn có tình cảm, ý thức đối với đất nước, đối với dân tộc. Một mình môn Lịch sử chưa đủ để giáo dục những phẩm chất quan trọng này.
Tự chọn trong giai đoạn này có ý nghĩa tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho học sinh ra sao?
Đây là chiến lược phân luồng mạnh sau cấp THCS được thực hiện cùng với sự tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT. Điều này giúp các em giảm tải, không phải học bắt buộc các môn để tập trung vào tự chọn những môn có tác dụng với sự lựa chọn nghề nghiệp của các em.
Theo tính toán, các em có hàng trăm tổ hợp chọn môn học ở cấp THPT ngoài các môn học bắt buộc khác với phân ban trước đây chỉ có 3 ban A, B, C.
Theo ông, đâu là điểm quan trọng nhất để học sinh yêu thích môn Lịch sử?
Bất cứ điều gì muốn được yêu thích thì phải có tính hấp dẫn. Muốn các em yêu thích thì từ sách giáo khoa đã phải hấp dẫn và các thầy cô phải tìm những phương pháp phù hợp cùng với những công nghệ mới sao cho giờ dạy cuốn hút.
Không chỉ hấp dẫn từ giờ dạy trên lớp mà còn cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, bảo tàng cách mạng, bảo tàng lịch sử và có thể giúp các em sáng tạo ra những sản phẩm liên quan tới bộ môn.
Tại sao học sinh không thích học Lịch sử nhưng lại rất thích truyện tranh lịch sử, tiểu thuyết lịch sử và phim về lịch sử?
Ai cũng nói, Toán học khô khan nhưng rất nhiều thầy cô đã tạo ra sự hấp dẫn và nhiều học sinh thực sự yêu thích môn học này. Bởi vậy tôi nghĩ, môn nào cũng có thể làm cho học sinh yêu thích, trong đó có môn Lịch sử.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
| Vụ 'ép học sinh yếu không thi vào lớp 10': Phân luồng hướng nghiệp hay căn bệnh ngụy thành tích? Từ câu chuyện 'khuyên' học sinh yếu không thi vào lớp 10 xôn xao dư luận thời gian gần đây khiến mọi người đặt câu ... |
| Lịch sử là môn tự chọn bậc THPT, Bộ GD&ĐT lên tiếng Liên quan đến câu chuyện Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp THPT, Bộ GD&ĐT cho rằng, việc phân chia thời lượng môn ... |