📞
Để người lao động không phải “chân ngoài dài hơn chân trong” (Bài 2):

TS Lưu Bình Nhưỡng: Việc tăng lương lúc nào cũng cấp thiết để đảm bảo căn bản đời sống người lao động

Nguyệt Anh 20:00 | 27/10/2022
Là người tâm huyết với các vấn đề an sinh xã hội, TS. Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng, không chỉ lúc này mà việc tăng lương lúc nào cũng cấp thiết bởi tiền lương là căn bản của đời sống người lao động.
TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc tăng lương là cấp thiết.

Theo con số Bộ Nội vụ vừa công bố, trong 2,5 năm qua có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư. Ông nghĩ gì về “làn sóng nghỉ việc” này?

Có thể nói, đây là con số tương đối lớn. Nhìn vào, có hai vấn đề nổi lên. Thứ nhất, đối với nước ta, việc cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc là một điều bất thường. Bất thường ở chỗ, người ta học hành, có bằng cấp để mong vào được biên chế còn khó khăn. Nhưng lại có một bộ phận không nhỏ xin nghỉ việc ở khu vực công sang khu vực tư rõ ràng là bất thường.

Khía cạnh thứ hai, có thể xem đó là điều thể hiện sự bình thường nếu chúng ta xem xét ở khía cạnh linh hoạt của việc làm, của thị trường lao động. Trong một thị trường lao động, câu chuyện ở khu vực tư hay khu vực công đều không còn quá nặng nề. Có lẽ, dần dần người lao động cũng không còn quan niệm quá lớn đối với công và tư. Cho nên, người ta sẵn sàng bỏ việc ở khu vực công ra làm tư nếu như thu nhập cao hơn.

Đây có phải là hồi chuông báo động không nhỏ đối với các cơ quan hoạch định chính sách, trước hết là chính sách về lương?

Rõ ràng, nếu cán bộ bỏ việc đương nhiên là điều phải suy nghĩ, phải cân nhắc và đánh giá rõ thực trạng. Từ thực trạng này, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó tìm ra giải pháp.

Trong công tác cán bộ nói chung, quy hoạch là vấn đề theo tôi cũng khá quan trọng. Nhưng quy hoạch ở đây không phải để phát triển cán bộ mà quan trọng là làm sao để đảm bảo đào tạo đội ngũ cán bộ ổn định.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính khiến nhiều người bỏ khu vực công là do chế độ tiền lương không đủ sống. Với gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc sẽ để lại những hệ lụy gì, theo ông?

Theo tôi, cùng một lúc có nhiều người nghỉ việc thì rõ ràng là điều đáng băn khoăn. Vì sao người ta lại nghỉ việc nhiều như thế và cùng một lúc? Điều này nó ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Đây là vấn đề thứ nhất.

Thứ hai, xã hội sẽ có suy nghĩ, đánh giá phải chăng do một nguyên nhân liên quan đến công tác quản lý nhà nước ở phía cán bộ hay công tác đảm bảo quyền lợi ích người lao động của cán bộ chưa tốt nên người ta bỏ ra ngoài. Đây là vấn đề được xã hội đặt ra.

Cán bộ nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến vị trí việc làm, nhiều vị trí việc làm trống. Tức là, có thể nảy sinh nhiều vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội…

Ông có khuyến nghị chính sách gì từ thực trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc?

Các cơ quan, đơn vị phải đánh giá một cách đầy đủ, chính xác thực trạng người lao động nghỉ việc. Chúng ta không thể chủ quan bởi cần đánh giá rõ thực trạng để tìm nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp.

Dư luận xã hội cho rằng, nhiều cán bộ làm khu vực công không đủ sống, chế độ chính sách, tiền lương bảo hiểm xã hội chưa đảm bảo.

Có lẽ do việc cải cách tiền lương của chúng ta… chưa tới. Cho nên, Nghị quyết TW về vấn đề vấn đề tiền lương cho đến hiện nay chưa làm được. Rõ ràng điều này cũng phần nào ảnh hưởng. Hơn nữa, trải qua giai đoạn Covid-19 dẫn đến việc người lao động cũng có nhiều tâm lý, gặp khó khăn.

Theo tôi, nảy sinh hai vấn đề cần xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện và cần quan tâm: Đầu tiên phải xem xét chế độ, chính sách đối với người lao động như thế nào? Mà chế độ chính sách ở đây không chỉ là chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội mà còn tất cả chính sách khác. Ví dụ, chính sách về nhà ở, về đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt bổ nhiệm, môi trường làm việc, vấn đề ứng xử văn hóa công sở…

Vấn đề thứ hai cũng cần hết sức quan tâm và cải thiện, đó là công tác cán bộ nói chung, trong đó có vấn đề quy hoạch. Từ vấn đề giáo dục chính trị tư tưởng cho đến đề bạt, bổ nhiệm thế nào để đảm bảo tính công bằng.

Tôi được biết có những người bỏ việc vì lý do cống hiến bao nhiêu năm nhưng khi đề bạt bổ nhiệm thì họ lại không được ưu ái. Họ thấy điều đó là bất công nên bỏ việc. Trong khi đó, có những người được “cài cắm” vào những vị trí tốt nhưng thực sự không đảm bảo về mặt đạo đức, phẩm chất cũng như năng lực. Nên điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nhiều người.

Cần đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. (Nguồn: VGP)

Từ đây, ông suy nghĩ gì về câu chuyện đến bao giờ mới đạt mục tiêu có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước?

Vấn đề này Nghị quyết TW 5 đã đặt ra rồi, trong đó có công tác cán bộ nói chung và công tác quy hoạch đối với đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược. Nhưng theo tôi, căn bản không phải ở chỗ Nghị quyết viết như thế nào, mà điều quan trọng nhất là chỉ đạo quá trình thực hiện, thực tế hóa, hiện thực hóa vấn đề đó.

Và đừng biến Nghị quyết thành "con tin" của những lợi ích nhóm, chúng ta mới có thể khẩn trương quy hoạch được đội ngũ cán bộ năng lực phẩm chất vững vàng, thực sự gắn bó với Nhà nước.

Vấn đề ở đây không chỉ là quy hoạch, quan trọng "nói là phải làm" và phải đảm bảo được đời sống của cán bộ, nhân viên. Chúng ta muốn nhanh chóng có một đội ngũ cán bộ theo đúng Nghị quyết TW 5 và theo đường lối của Đảng thì trước hết phải thực hiện chính sách pháp luật cho nghiêm. Phải xử lý tất cả những cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, chúng ta mới có thể đảm bảo cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác được.

Trước thực trạng này, ông đánh giá vấn đề tăng lương cấp thiết như thế nào?

Theo tôi, không chỉ lúc này mà việc tăng lương lúc nào cũng cấp thiết. Tiền lương là căn bản của đời sống, không chỉ đời sống theo nghĩa thông thường là miếng ăn mà nó còn là toàn bộ hệ thống sinh hoạt của bản thân và gia đình người lao động.

Hơn nữa, nó chính là phương tiện để người ta tiếp tục sử dụng, để trau đồi thêm năng lực, để tiếp tục cống hiến. Cho nên người ta phải có tiền ăn, tiền kiến thiết, tiền vui chơi giải trí, tiền nuôi con… Nếu tiền lương không đủ ăn, không đảm bảo cuộc sống thì tất nhiên, làm sao người ta có thể yên tâm, buộc phải ra ngoài.

Ví dụ, một điều dưỡng viên trong bệnh viện tôi thấy chỉ có quy định là điều dưỡng cấp 2 trở xuống chứ không có cấp 1. Tại sao đội ngũ vất vả nhất khi phải chăm sóc trực tiếp người bệnh, đầu tắt mặt tối, đòi hỏi phải học hành, phải có kỹ thuật… mà họ chỉ là cấp 2, cấp 3, cấp 4 chứ không có cấp 1?

Tôi thấy chưa thỏa đáng bởi nếu quy hoạch như vậy thì tiền lương họ sẽ thấp. Tiền lương thấp mà phải làm việc cật lực, làm việc trách nhiệm cao thì đương nhiên họ nghỉ việc cũng là điều dễ hiểu.

Rõ ràng, khi tiếp cận với những vấn đề an sinh xã hội tưởng đơn giản như thế nhưng lại là vấn đề rất lớn. Những người hoạch định tiền lương phải suy nghĩ một cách cẩn trọng hơn, thấu đáo, đừng tính toán máy móc, cổ hủ.

Theo ông, làm sao để thu hút, giữ chân người có năng lực, có phẩm chất và có tinh thần cống hiến, người làm được việc?

Đương nhiên, người ta cống hiến thì mình phải ghi nhận. Cho nên, người làm công tác cán bộ mà không chú ý đến chuyện đó thì rất nguy hiểm và khó giữ chân được người có năng lực ở lại.

Xin cảm ơn ông!